Những ‘cuộc đua’ không dừng trên đường cao tốc

27/08/2015 09:00 GMT+7

(TNO) Những làn xe bon bon chạy với tốc độ chóng mặt trên những con đường cao tốc ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Với mật độ 7,1 triệu ô tô và khoảng 1000 km đường cao tốc, chỉ cần một cú giảm tốc hay dừng lại để đóng phí (như ở Việt Nam) thì sự phát triển của Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

(TNO) Những làn xe bon bon chạy với tốc độ chóng mặt trên những con đường cao tốc ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Với mật độ 7,1 triệu ô tô và khoảng 1000 km đường cao tốc, chỉ cần một cú giảm tốc hay dừng lại để đóng phí (như ở Việt Nam) thì sự phát triển của Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Các loại phương tiện ở Đài Loan thoải mái chạy trên cao tốc mà không phải dừng lại vì hệ thống thu phí tự động đã tự ghi hình và sẽ trừ tiền dần trong tài khoản của khách hàng 
Phóng nhanh, tăng lợi ích kinh tế 
Chúng tôi có mặt ở Đài Bắc trong những ngày giữa tháng 8, không khí nóng ẩm không khác Hà Nội là mấy khiến ai cũng thấy ngột ngạt. Thế nhưng cảm giác đó tan biến ngay khi xe chạy vù vù từ sân bay quốc tế Đào Viên về thẳng trung tâm Đài Bắc.
Hạ tầng giao thông ở đây khá tốt, từ sân bay về trung tâm có hẳn 3 tầng đường cao tốc trên cao để các bác tài lựa chọn. Theo chị Vân, một hướng dẫn viên sống ở đây 15 năm, Đài Loan hay đón những cơn bão nên con đường chúng tôi đang di chuyển (ở tầng 3) sẽ bị đóng cửa mỗi khi bão kéo đến. Suốt dọc hành trình, xe cứ phong vèo vèo mà không dừng lại thu phí như tại Việt Nam.
Các xe chạy qua các trạm thu phí không dừng trên đường cao tốc ở Đài Bắc
Hỏi ra mới biết, giao thông tại Đài Loan đã được tự động hóa và các bác tài cứ thoải mái đạp chân ga. Việc áp dụng thu phí tự động không dừng đã được triển khai từ năm 2004 tại Đài Loan nhưng thực sự có hiệu quả và tạo sự thuận lợi khi áp dụng mô hình ETC trên nền tảng công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Hoa Kỳ phát triển, được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Tiết kiệm cao
Tính toán của các chuyên gia, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Nếu thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm.
Mô hình thu phí tự động tại Đài Loan hiện đang được công ty FETC vận hành và khai thác toàn bộ. Ông Y.C Chang, Tổng giám đốc Công ty FETC cho biết, một bài báo thống kê của Singapore đã chỉ ra rằng nhờ công nghệ thu phí không dừng ETC đã giúp các bác tài Đài Loan tiết kiệm thời gian, chi phí xăng dầu và tính ra nền kinh tế tiết kiệm được 800 triệu USD/năm. 
Theo ông Richard, Phó Tổng giám đốc FETC, Đài Loan có tổng cộng khoảng 1.000km đường cao tốc với tổng cộng gần 7,1 triệu ô tô.
Tuy nhiên, công ty đã sử dụng mọi "chiêu thức thân thiện" nhất để có được con số 6,3 triệu xe đăng ký sử dụng công nghệ này nhằm lưu thông được thuận tiện nhất.
Hiểu nôm na, FETC sẽ kết nối với các salon ô tô, các trạm bảo hành, bảo dưỡng khi khách mua xe thì một thẻ từ nhỏ (ETC) sẽ được dán lên kính xe. Khách hàng sẽ phải khai báo thông tin về chiếc xe đăng ký của mình để khi qua mỗi trạm thu phí tự động hình ảnh và dữ liệu sẽ được cập nhật, đối chiếu qua hệ thống để tính ra số tiền chủ xe phải tra khi di chuyển. 
Song song đó, hệ thống chăm sóc khách hàng cũng được phát triển mạnh ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị để giúp mọi người có thể dễ dàng đăng ký và nộp tiện tự động một cách thuận lợi nhất.
Sau khi đã đăng ký dịch vụ, xe của hành khách sẽ thoải mái chạy trên đường cao tốc. Khi qua các giá long môn (trạm thu phí tự động), hệ thống sẽ ghi nhận và trừ tiền ứng với số km đã đi của phương tiệng giao thông. Cách này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp tiết kiệm: nhiên liệu, thời gian...
Một điểm đáng chú ý là giá thu phí đường cao tốc ở Đài Loan cũng khá '"mềm" và chỉ chia đơn giản thành 3 loại: ô tô (1,2 đài tệ/km; tương đương khoảng 850 VND); xe khách/tải: 1,5 đài tệ/km và container: 1,8 đài tệ/km.
Bộ phận cảm ứng sẽ thu nhận và truyền tín hiệu các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc về trung tâm xử lý dữ liệu
Ở các trạm xử lý tạm thời này đều được tự động hóa hoàn toàn
Theo ông Daryl Hsieh, Phó Chủ tịch điều hành của FETC, trên mỗi trạm thu phí tự động, sẽ có bộ phận cảm ứng với thẻ từ ETC gắn trên xe. Sau đó, hình ảnh được truyền về trung tâm xử lý hoạt động 24/24 trong suốt 365 ngày để các nhân viên tại đây đối chiếu, kiểm tra cho ra hình ảnh chính xác về chủ phương tiện đã di chuyển trên đường cao tốc, tránh trường hợp "râu ông nọ cắm cằm bà kia", cũng như cho ra những hóa đơn tính tiền chính xác nhất.
Các nhân viên tại trung tâm sẽ kiểm tra đối chiếu các phương tiện qua trạm thu phí tự động không dừng, đảm bảo chính xác đúng xe, đúng chủ sử dụng đường cao tốc
Thẻ từ ETC dán trên xe sẽ cung cấp thông tin chính xác về dữ liệu xe và người chủ sử dụng
Tương lai VN xe không cần dừng để thu phí 
Trở lại với thực tế Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, trên các quốc lộ hiện nay hầu hết đều áp dụng công nghệ thu phí một dừng (MTC). Công nghệ này cần phải huy động một lượng lớn nhân lực thực hiện các công việc, trong khi hiệu quả lại không cao.
Tính toán của các chuyên gia cho thấy, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên nếu thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỉ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỉ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỉ đồng/năm…
Sau khi đăng ký, mỗi chủ xe chỉ cần mất khoảng 5 phút là có thể dán được thẻ từ ETC lên kính xe để tham gia thu phí tự động không dừng
Theo tính toán của các chuyên gia, khi triển khai rộng rãi mô hình trạm thu phí tự động không dừng (ETC) ở Việt Nam có thể làm lợi cho nền kinh tế ước khoảng 5.400 tỉ đồng/năm.
Kết quả kiểm thử mô hình thu phí tự động không dừng với công nghệ RFID được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Công ty Tasco thực hiện thí điểm vào tháng 3.2015 được ông Richard, Phó Tổng giám đốc FETC, người trực tiếp tham gia thử nghiệm đánh giá là khá thành công, cũng như việc tích hợp dễ dàng công nghệ đối với các trạm thu phí một dừng ở VN. 
Trong quyết định số 2318/QĐ-BGTVT công bố Danh mục Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn I áp dụng đối với QL 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, bộ đã bố trí 3 làn thu phí mỗi chiều xe chạy đối với QL 1, gồm 1 làn thu phí tự động ETC, 1 làn thu phí hỗn hợp MTC+ETC và 01 làn thu phí một dừng MTC.
Tại Đài Loan công nghệ này đã ở phiên bản 4.0, thức thực hiện thu phí đa làn không dừng. Do đặc thù ở Việt Nam, hiện FETC đang thiết kế hệ thống thu phí ETC phiên bản 2.0 thử nghiệm tại VN, thu phí tự động kết hợp với thu phí thủ công, có rào chắn barie.
Tháng 3.2015, Bộ GTVT đã tiến hành thử nghiệm công nghệ thu phí không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe tại Trạm thu phí Km 604+700 Quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xây dựng tờ trình Chính phủ ký ban hành Quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, qua đó hình thành khuôn khổ pháp lý để có thể áp dụng mô hình thu phí tự động trên toàn quốc.
Theo Dự thảo tờ trình, về nguyên tắc chuyển đổi sang việc thu phí từ thủ công sang hình thức tự động không dừng phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông.
Ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, để áp dụng mô hình này thành công có 2 yếu tố then chốt: dán thẻ từ ETC và chủ phương tiện phải có tài khoản trong ngân hàng. Điều này Đài Loan đang làm rất tốt và có sự khác biệt lớn so với VN.
Theo ông Roãn, chính vì vậy, ở VN bước đầu vẫn phải áp dụng mô hình kết hợp giữa: không dùng và trạm thu phí một dừng, có barie để ngay tại đó có thể thúc đẩy nhanh việc dán thẻ lên xe (ngay trạm thu phí).
Ngoài ra, các bộ phận liên quan cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ, việc đầu tiên là phải tuyên truyền cho người dân và chủ phương tiện để có thể đăng ký thực hiện dán thẻ. Ngoài ra, Bộ cũng đang soạn thảo sửa đổi thông tư về thu phí, sửa đổi việc phân loại xe sao cho đơn giản hơn; kiến nghị có chính sách thúc đẩy việc người sử dụng phương tiện mở tài khoản ở ngân hàng....

Các cửa hàng đăng ký sử dụng công nghệ ETC được phủ khắp các siêu thị, trung tâm, cửa hàng mua sắm khắp Đài Loan
Một chủ phương tiện người Việt Nam (phải) đến đăng ký dán thẻ từ ETC lên xe để sử dụng thu phí không dừng trên cao tốc. Theo chị, hình thức này rất tiện lợi vì đăng ký miễn phí, lại có thể nạp tiền dễ dàng như nạp card điện thoại
Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ sẽ dự kiến một lộ trình thích hợp để triển khai và trước mắt sẽ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công và tự động. Theo bà Nga, sở dĩ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí là nhằm chuyển đổi một cách dần dần để các đơn vị chuyển đổi công nghệ và để cho người lái xe tiếp cận dần với công nghệ mới.
Theo ông Y.C Chang, Tổng giám đốc Công ty FETC, về mặt công nghệ, văn hóa giao thông và thói quen của người sử dụng thì VN và Đài Loan tất yếu là khác nhau. Tuy nhiên, nếu khâu thiết kế và chuẩn bị ban đầu thật tốt, có sự kết hợp giữa thu phí thủ công và thu phí điện tử để chủ phương tiện làm quen và thích nghi dần thì sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.