Nữ sinh Huế đánh hội đồng bạn: Đâu rồi duyên gái Huế?

Nét riêng của người con gái Huế chính là dịu dàng, e ấp, ngoan hiền, chuẩn mực…, điều đó tạo nên phẩm hạnh cao quý. Song, thật đáng tiếc, một số ít lại biến chất, đó là hệ quả của việc giáo dục chưa tốt...

Nét riêng của người con gái Huế chính là dịu dàng, e ấp, ngoan hiền, chuẩn mực…, điều đó tạo nên phẩm hạnh cao quý. Song, thật đáng tiếc, một số ít lại biến chất, đó là hệ quả của việc giáo dục chưa tốt...

Nhà văn Bửu Ý trò chuyện với PV Thanh Niên - Ảnh: Tuyết KhoaNhà văn Bửu Ý trò chuyện với PV Thanh Niên - Ảnh: Tuyết Khoa
Nét duyên con gái Huế từ lâu đã được phong kín trong khuôn hình của dịu dàng, kín đáo. Nét đẹp đó được tô bồi thành hình tượng đáng ngưỡng mộ và cho đến một ngày, trên thế giới mạng xuất hiện clip nữ sinh Huế đánh bạn một cách dã man kèm theo những lời chửi bới thô tục đã khiến nhiều người vỡ òa choáng váng.
Huế từ lâu nổi tiếng là vùng đất văn hóa, thiếu nữ Huế với nét dịu dàng, kín đáo, nết na đã trở thành một khuôn hình đẹp trong mắt của không chỉ người dân trong nước. Nói như ông Phan Nam, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Huế: “Sau khi vụ việc xảy ra, mình mới sực tỉnh nhận ra công tác giáo dục học sinh lâu nay vẫn còn nhiều điều cần phải sâu sát hơn”.
Cảm giác choáng sốc đó, không chỉ có với vị lãnh đạo ngành giáo dục thành phố mà hầu như nhiều người, những bậc làm cha, làm mẹ và cả những nhà nghiên cứu văn hóa Huế cũng bàng hoàng nhận ra “thành trì” văn hóa Huế đã rạn nứt, đạo đức giới trẻ ngay tại xứ sở “thâm nghiêm trầm mặc” cố đô đã xuống dốc một cách báo động.

Chính môi trường giáo dục đã tạo nên những cá thể như thế. Cha mẹ, thầy cô là tấm gương hình thành nhân cách con cái. Trách nhiệm đầu tiên chính là cha mẹ. 

Nhà văn Bửu Ý

Để phân tích kỹ hơn vấn đề nóng này dưới góc độ văn hóa, giáo dục đạo đức học sinh, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Bửu Ý (nhà văn, nhà giáo, dịch giả nổi tiếng được giới văn nghệ, trí thức cả nước xem là biểu tượng mang “cốt cách Huế” từ cách sống lẫn tác phẩm); nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên- Huế) và nhà báo Hoàng Thị Thọ (nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên- Huế, cựu nũ sinh Đồnh Khánh, ngôi trường nữ nổi tiếng đã đào tạo ra một thế hệ thiếu nữ Huế có đầy đủ tri thức và kỹ năng sống với công – dung- ngôn- hạnh làm nên nét duyên con gái Huế).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ: “Khi nghe thông tin này, không chỉ tôi mà đa phần người Huế đều rất bất ngờ và sốc. Bởi không ngờ chuyện như thế lại xảy ra tại Huế. Dù chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng nó biểu hiện của sự xuống dốc đạo đức, cảnh tỉnh xã hội, nhà trường và gia đình để có phương pháp giáo dục hợp lý”.
Theo ông Hoa, vai trò giáo dục của gia đình quyết định nhất đối với nhân cách một con người, sau đó là vai trò của nhà trường và xã hội. Ngày xưa, gia đình người Huế giáo dục con cái rất nghiêm khắc, nề nếp.
Từng dạy học tại Trường Đồng Khánh, ông Hoa cho biết, nữ sinh ngày trước không chỉ được học văn hóa mà còn được học các môn nữ công gia chánh. Người con gái đầu tiên phải công dung ngôn hạnh, tức đạo đức luôn được chú trọng trước hết. Chính những điều đó tạo nên sự nữ tính cho người con gái.
Nói vậy để thấy, việc giáo dục ngày xưa rất bài bản, tiên học lễ hậu học văn đúng nghĩa. Hiện nay, xã hội phát triển kéo theo nhiều thứ thay đổi. Con gái Huế trở nên năng động, hiện đại hơn để phù hợp với xã hội. Tuy nhiên, đa phần vẫn giữ được nét riêng của người con gái Huế. Nét riêng này chính là dịu dàng, e ấp, ngoan hiền, chuẩn mực…, điều đó tạo nên phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ. Song, thật đáng tiếc, một số ít lại biến chất. Đó là hệ quả của việc giáo dục chưa tốt từ gia đình đến nhà trường.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - Ảnh: Tuyết Khoa
Nhà văn Bửu Ý cho rằng: “Huế xưa nay vốn là vùng đất học, trọng lễ nghĩa. Người con gái trong mắt người Huế và người nơi khác mang nét đẹp kín đáo, đầy nữ tính. Vì thế, chuyện nữ sinh Huế đánh hội đồng bạn có thể đối với nơi khác là chuyện thường nhưng với Huế là chuyện lạ, gây ngạc nhiên”.
Chuyện nữ sinh Trần Phú đánh nhau không chỉ nói đến nạn bạo lực học đường mà còn cho thấy sự xuống dốc của đạo đức trong xã hội. 
Nhà báo Hoàng Thị Thọ
Lý giải điều này, nhà văn Bửu Ý nhấn mạnh: “Chính môi trường giáo dục đã tạo nên những cá thể như thế. Cha mẹ, thầy cô là tấm gương hình thành nhân cách con cái. Trách nhiệm đầu tiên chính là cha mẹ. Hiện nay, trong nhà trường cũng có môn học giáo dục công dân nhưng có chăng nó chỉ mang tính hình thức, lý thuyết”.
Vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh, cô Hoàng Thị Thọ kể: “Nữ sinh ngày xưa cũng rất nghịch ngợm nhưng lại nghịch theo kiểu dễ thương. Cũng có yêu đương này nọ nhưng theo kiểu hồn nhiên".
“Chính môi trường giáo dục đã rèn luyện chúng ta biết những điều nên làm hay không nên làm, lối ứng xử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Thế hệ chúng tôi, lễ nghĩa là hàng đầu, luôn được cha mẹ nhắc nhở về việc phụ nữ là phải công- dung- ngôn- hạnh qua những hành xử cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Phụ nữ chỉ cần nói to là đã bị chê cười, đừng nói chửi tục hay đánh nhau. Vì thế khi biết chuyện nữ sinh Trần Phú đánh nhau, tôi rất buồn. Điều đó không chỉ nói đến nạn bạo lực học đường mà còn cho thấy sự xuống dốc của đạo đức trong xã hội. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bộ phận nhỏ. Chúng ta cũng không nên đánh đồng, người con gái Huế không còn nét đẹp truyền thống”, cô Hoàng Thị Thọ nhận định

Nhà báo Hoàng Thị Thọ, cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế - Ảnh: Tuyết Khoa
Theo cô Thọ, đa phần con gái Huế hiện nay vẫn còn giữ nét dịu dàng, nết na truyền thống. Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng, người con gái Huế truyền thống chỉ biết đến gia đình, đến thêu thùa may vá...
Ngày xưa, Huế cũng có rất nhiều nữ sĩ, hoạt động xã hội, hoạt động cách mạng… Song, dù làm việc gì thì họ vẫn là phụ nữ. Trước hết, họ vẫn là những người mẹ, người vợ chịu thương, chịu khó, nhỏ nhẹ, duyên dáng.
Hiện nay, người con gái Huế ngày càng trở nên năng động, hiện đại và đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong xã hội. Song, nét duyên ấy vẫn còn lưu lại bởi đó là niềm tự hào của chính những người phụ nữ Huế. “Hằng ngày chạy trên đường, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những nữ sinh trong tà áo dài, tóc đen ngay vai, đạp xe trên phố. Tôi vẫn nhìn thấy nét hồn nhiên, trong sáng, e ấp như thế hệ chúng tôi thuở nào”, cô Thọ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.