Phải chủ động xin lỗi người bị oan

01/06/2017 06:47 GMT+7

Ngày 31.5, Quốc hội thảo luận về dự án luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) không tán đồng quy định người bị oan yêu cầu, cơ quan nhà nước mới xin lỗi công khai.
Dẫn quy định của luật hiện hành về việc bắt người phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, hàng xóm hoặc đồng nghiệp, kèm với đó là việc khám người, còng tay, áp giải, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, đề nghị phải “hết sức cân nhắc” quy định người bị oan buộc phải có đơn yêu cầu thì nhà nước mới công khai xin lỗi. “Trước khi được nhà nước bồi thường về vật chất, người bị oan mong nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ, để họ trở thành người bình thường trong xã hội”, ĐB Thủy nhấn mạnh.

tin liên quan

Tranh luận việc bồi thường cho thân nhân người bị oan
Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21.4 thảo luận việc tiếp thu, chỉnh lý dự luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các đại biểu đã tranh luận xung quanh quy định bồi thường thiệt hại tinh thần đối với thân nhân người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), khi có án oan, người bị oan, thì việc xin lỗi công khai với người bị oan thể hiện sự “văn minh, lịch sự” của nhà nước. Việc xin lỗi công khai để phục hồi danh dự cho họ cần được chủ động thực hiện, thay vì phải có đơn yêu cầu. ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng để khắc phục tình trạng xin lỗi qua loa, chiếu lệ như báo chí và dư luận xã hội phản ánh thời gian qua, dự thảo cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục phục hồi danh dự để các cơ quan thực hiện thống nhất.
Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), nguyên tắc trong dự luật về việc cơ quan ra quyết định gây oan sai cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường chưa thực sự tháo gỡ được hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành. “Quy định trên đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường dẫn đến việc bồi thường nhà nước sẽ không được thể hiện một cách thống nhất và khó có thể triển khai việc bồi thường một cách khách quan và cầu thị”, ĐB Tạo nói và cho rằng quy định trên cũng có khả năng dẫn đến việc các cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của mình, của ngành nên đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho ngành khác. Những vụ án oan sai nghiêm trọng xảy ra vừa qua thường là một chuỗi tố tụng liên tục từ điều tra truy tố, xét xử… ĐB Tạo đề nghị cần nghiên cứu phương án giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.
Không bồi thường tinh thần cho thân nhân người bị oan sai
Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH (UB TVQH) trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được trình bày trước QH sáng 31.5. Theo quan điểm của UB TVQH, khoản 4 điều 27 của dự thảo luật Quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Quy định này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại điều 591 bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Theo UB TVQH, việc bổ sung quy định bồi thường tinh thần cho thân nhân người bị oan cũng sẽ làm phát sinh các vấn đề như mức bồi thường, phương thức bồi thường…, dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Giải trình thêm trước QH về dự luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước được quy định rộng hơn, thủ tục cũng nhanh gọn hơn một số quốc gia khác. Theo dự luật thủ tục tối thiểu là 41 ngày, tối đa là 71 ngày đã rút ngắn rất nhiều so với 125 ngày của luật hiện hành. Tại dự luật công thức tính bồi thường cũng rõ hơn và cụ thể hơn. Theo Bộ trưởng Long, một điểm mới của dự luật là người bị thiệt hại có quyền tạm ứng một khoản trước.
Giám sát cổ phần hóa DNNN
Đa số ĐB lựa chọn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để QH thực hiện giám sát chuyên đề vì lo ngại nhiều tài sản nhà nước thất thoát do cổ phần hóa thiếu minh bạch, khi QH thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát chuyên đề năm 2018 vào chiều 31.5.
Theo tờ trình của UB TVQH, có 4 chuyên đề được đưa ra để ĐB thảo luận bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang), việc tái cơ cấu kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, việc cổ phần hóa, thoái vốn với khối này chưa đạt yêu cầu khi vẫn còn 718 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn. Trong khi đối với các DN đã cổ phần hóa thì số vốn thoái ra mới chỉ 8% nên chưa thực chất. “Thế nhưng, quá trình này lại nổi lên vấn đề đáng lo ngại là thất thoát vốn, tài sản của nhà nước, biến của công thành của tư. Tới đây, khi số DN còn lại đều có quy mô vừa và lớn thì điều này càng lo ngại nên việc QH giám sát sẽ rất có ý nghĩa trong hạn chế những bất cập thời gian qua”, bà Lan phân tích.
ĐB Dương Văn Thống Yên cũng cho rằng để ngăn chặn việc này thì giám sát của QH cần kiến nghị đi kèm với quá trình thanh tra, kiểm tra của Đảng để phát huy hiệu quả. ĐB K' Nhiễu (Lâm Đồng) kỳ vọng qua giám sát sẽ khắc phục được tình trạng cổ phần hóa thiếu minh bạch, gây thất thoát lớn cho tài sản nhà nước và thu ngân sách.
Chí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.