Xét xử chủ xưởng gỗ quản lý công nhân bằng luật rừng

27/06/2014 01:56 GMT+7

Hôm qua 26.6, TAND H.Dầu Tiếng (Bình Dương) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Tấn Phong (52 tuổi, chủ xưởng gỗ Tấn Phong, xã Thanh An, H.Dầu Tiếng) về tội "giữ người trái pháp luật".

* Một PV bị thu giữ điện thoại

Hôm qua 26.6, TAND H.Dầu Tiếng (Bình Dương) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Tấn Phong (52 tuổi, chủ xưởng gỗ Tấn Phong, xã Thanh An, H.Dầu Tiếng) về tội "giữ người trái pháp luật".

Xét xử chủ xưởng gỗ quản lý công nhân bằng luật rừng
Trần Tấn Phong được áp giải về trại giam sau khi phiên tòa kết thúc - Ảnh: Đỗ Trường

Theo cáo trạng, trong thời gian làm việc tại xưởng gỗ trên, đa số công nhân (CN) bị Phong giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, điện thoại, không cho tiếp xúc với người bên ngoài. Buổi tối, CN bị “giam lỏng” trong các phòng ở có khung sắt hàn kín. Ngoài ra, Phong còn lắp đặt hệ thống camera quanh xưởng gỗ và trước các cửa phòng sinh hoạt của CN. Không chịu nổi, một số CN tìm cách bỏ trốn thì bị Phong và người nhà truy tìm bắt giữ lại. Trưa 26.5.2013, CN Sơn Bồ Rót (25 tuổi, quê Sóc Trăng) đã bỏ trốn bằng cách bơi qua hồ Cần Nôm nằm sau xưởng gỗ, nhưng khi Sơn Bồ Rót bơi gần đến bờ hồ bên kia thì bị chết đuối…

Đáng chú ý tại phiên tòa sơ thẩm, không hề có mặt của người bị hại (hoặc đại diện người bị hại). Luật sư bào chữa cho bị cáo Phong cho rằng tòa đã triệu tập lần thứ 4, nhưng những người bị hại không có mặt do đó đề nghị tiến hành xét xử vắng mặt bị hại. HĐXX đã chấp nhận đề nghị này và tiến hành xét xử. Đại diện Viện KSND H.Dầu Tiếng đã đề nghị xử phạt bị cáo Trần Tấn Phong mức án 24 - 28 tháng tù giam về tội “giữ người trái pháp luật”. Chủ tọa cho biết đến ngày 3.7 mới tuyên án.

Trả lời Thanh Niên sau phiên tòa sơ thẩm, LS Lê Quang Vũ (Văn phòng luật sư Người nghèo, TP.HCM, hỗ trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân) cho rằng: "Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa gia đình Sơn Bồ Rót tham gia phiên tòa với tư cách đại diện cho người bị hại". Trong khi đó, đại diện gia đình Sơn Bồ Rót cho biết không nhận được giấy triệu tập của tòa, dù gia đình nạn nhân rất muốn dự phiên tòa. Khi PV Thanh Niên đặt vấn đề này và một số điểm chưa rõ thì chủ tọa phiên tòa từ chối trả lời.

Cũng tại phiên tòa, PV Báo Bình Dương xuất trình thẻ nhà báo, nhưng do không có giấy giới thiệu nên chủ tọa phiên tòa không cho tác nghiệp. Sau đó, PV Báo Bình Dương xuống ngồi ở hàng ghế dưới và ghi chép thì bị cảnh sát bảo vệ yêu cầu không ghi chép mà chỉ ngồi nghe. Khi PV Báo Bình Dương lấy điện thoại để ghi hình và ghi âm thì bị 2 cảnh sát bảo vệ thu giữ điện thoại. Cuối buổi sáng, PV này mới được trả lại chiếc điện thoại sau khi bị xóa các file ghi âm, ghi hình.

Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.