Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 trên cả nước, có lẽ đến thời điểm này, ngoài Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội thì TP.HCM được xem là điểm nóng nhất hiện nay khi số ca nhiễm tăng lên từng ngày, số điểm phong tỏa, cách ly cũng tăng lên. Cùng với đó, số mẫu xét nghiệm giám sát cũng tăng. Theo dõi mảng y tế, tôi đã có mặt “trên từng cây số” đúng nghĩa cả trong 4 làn sóng dịch: Từ hiện trường phong tỏa đến các các cuộc họp ở bệnh viện, ở trung tâm báo chí và thậm chí là theo dõi trên mạng. Lực lượng chức năng triển khai công tác ứng phó, phòng chống dịch đến đâu, tôi và đồng nghiệp “sát cánh” tới đó.

Lao vào thực tế suốt ngày đêm, tôi cảm nhận chính quyền và ngành y tế TP.HCM đã đổ ra biết bao nhiêu công sức, thời gian, tiền của để chống dịch với mục tiêu duy nhất là mang lại sự bình yên cho người dân, phát triển kinh tế, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, phải kể đến lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch.

Và trên dọc đường tác nghiệp, chúng tôi đã ghi lại biết bao nhiêu hình ảnh ấn tượng, xúc động về người nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ lọt thỏm giữa dòng người đông đúc chờ lấy mẫu, rồi ngả lưng tạm bợ trên nền gạch để nghỉ ngơi. Để có những mẫu xét nghiệm chuẩn, họ đã phải đứng hàng giờ, làm cần mẫn dù bên trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi đang chảy như nước; và dù đêm hôm hay ngày nắng nóng, họ vẫn không ngơi nghỉ. Hình ảnh những bác sĩ ngược xuôi bắc nam trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu bệnh nhân nặng, mà để nhận diện nhau họ phải ghi tên mình trên lưng áo bảo hộ. Hay những nhân viên y tế đội cấp cứu 115 hối hả, chạy suốt ngày đêm để chuyển bệnh nhân Covid-19 kịp thời…

TP.HCM những ngày này đường sá vắng vẻ, cuộc sống như chậm lại. Vi rút Covid-19 đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Còn lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu vẫn lăn xả vào các điểm dịch, đồng lòng chống dịch để đưa cuộc sống mau trở lại bình yên. Tôi luôn thầm mang ơn họ, những “thiên sứ” kiên cường!

Trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội, tôi ghé đến nhiều khu trọ và thấm thía nỗi niềm của nhiều công nhân, người lao động phải ngưng việc vì dịch Covid-19. Sau mỗi phòng trọ là một gia đình, một cuộc đời hiện ra. Dưới những hệ lụy dai dẳng của dịch, gia đình nào cũng phải thức dậy và xoay vần với những bài toán nào là thu nhập, nào là tiền sinh hoạt, tiết kiệm gửi về quê… Nhưng họ cũng động viên nhau rằng quan trọng vẫn là sức khỏe vì cơn đại dịch này rồi cũng sẽ qua đi.

Tại những điểm dịch, tôi cũng đã chứng kiến bao tấm lòng hào hiệp của người dân, chủ nhà trọ hay mặt trận, đoàn thể của nhiều phường, quận… khi họ không ngại khó khăn về đường sá, thời tiết… để đưa đồ tiếp tế, lo bữa ăn, nhu yếu phẩm cho những người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa, giúp những người khó nghèo với ATM gạo, gian hàng 0 đồng... Đó như một dòng suối mát lành, tấm lòng tương thân tương ái dìu dắt nhau qua đại dịch.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, không những phóng viên mảng y tế mà cả phóng viên, cộng tác viên phụ trách các mảng khác đều phải tham gia tác nghiệp hiện trường, đưa tin tuyên truyền về tình hình dịch Covid-19.

Những ngày đầu tiên đưa tin ở các điểm phong tỏa, những phóng viên tập sự như tôi luôn “trực” điện thoại, khi có diễn biến mới về điểm phong tỏa, có ca nghi nhiễm là phải “chạy”, để kịp thời thông tin cảnh báo an toàn cho mọi người. Từ khi TP.HCM bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội, hàng quán đều đóng cửa, quá trình tác nghiệp cũng gặp khó hơn. Chúng tôi thường “mượn” tạm vỉa hè để ngồi, mượn ghế của người dân để kê máy tính gõ bài gửi nhanh nhất thông tin về tòa soạn.

Tác nghiệp thông tin tuy có vất vả, thậm chí nguy hiểm khi đối mặt nguy cơ dịch bệnh, nhưng không nhằm nhò gì so với y bác sĩ, nhân viên y tế đã phải hy sinh rất nhiều về cả thời gian cho gia đình và cả sức lực để chống dịch Covid-19.

Ở Đà Nẵng, có thời điểm chỉ cần xuất hiện văn bản xét nghiệm của 1 ca dương tính, thì một bộ phận cộng đồng đã nháo nhào bấn loạn và rần rần chia sẻ trên mạng xã hội, kèm theo là những dòng trạng thái tiêu cực.

Với chúng tôi, 2 năm với các đợt bùng phát dịch, bên cạnh việc trực tiếp đến các khu vực phong tỏa, khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 để thông tin kịp thời đến bạn đọc, phóng viên còn kiêm thêm cả việc đánh giá, cách thức thông tin trong cộng đồng đằng sau mặt báo, khi mà những văn bản “dấu đỏ” chưa ban hành để chạy tin tức. Thứ nhất là việc có thể nguy cơ cao, nguy hiểm cho bản thân và gia đình, nhưng vẫn có thể ở mức kiểm soát bằng 5K. Nhưng việc thứ 2, nếu không thông tin kịp thời và đúng mực sẽ gây những hệ lụy lớn. Giờ đây, người dân Đà Nẵng đã dần có kinh nghiệm và bản lĩnh tiếp nhận thông tin hơn, dẫn đến việc họ bình tĩnh tuân thủ 5K và đợi tin từ những nguồn chính thống, uy tín, trong đó có Báo Thanh Niên.

Đúng 0 giờ ngày 27.5, khu dân cư lân cận bar New Phương Đông (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) được dỡ bỏ phong tỏa sau 21 ngày, PV Thanh Niên đã thức suốt đêm cùng người dân chờ đợi khoảnh khắc “mở cửa” này.

Đây không phải là lần đầu tiên PV Thanh Niên tại miền Trung thức trắng đêm để chờ đợi khoảnh khắc dỡ phong tỏa cùng người dân. Còn nhớ, năm 2020, khi Bệnh viện C Đà Nẵng (Q.Hải Châu) dỡ bỏ phong tỏa, tiếng hát ăn mừng của người dân đã khiến cánh PV tác nghiệp cùng vỡ òa xúc động. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ của người cầm bút. Trong dịch bệnh, tình người ấm áp lan tỏa khắp nơi, những câu chuyện cảm người dân sẵn sàng giúp đỡ nhau như tiếp thêm động lực cho người cầm bút để sẵn đối mặt với nguy hiểm và khó khăn, đưa tin đến bạn đọc.

Đợt dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có khu cách ly Covid-19 đầu tiên tại VN, với 3 công nhân trở về từ Vũ Hán được cách ly đặc biệt.

Sau khoảng 1 tiếng tác nghiệp, trải nghiệm cuộc sống cách ly, tôi trở ra ngoài trút bỏ bộ đồ bảo hộ kín mít thì người cũng ướt đẫm vì nóng. Vài ngày sau, 1 trong số 3 công nhân tôi tiếp xúc có kết quả dương tính Covid-19, và tôi trở thành F1. Thời điểm đó, chưa nhiều khu cách ly tập trung, theo hướng dẫn, tôi thuê một phòng nhà nghỉ để tự cách ly, và đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với tôi. Được sự động viên của đồng nghiệp, người thân, tôi hoàn thành cách ly và sức khỏe bình thường, không mắc Covid-19.

Từ đó đến nay, Hà Nội đã trải qua nhiều đợt bùng dịch, hiện đang trong làn sóng Covid-19 thứ 4, hễ nhận tin nơi này phong tỏa, khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân..., là tôi lại bật dậy lao đến tác nghiệp, cập nhật thông tin tuyên truyền, đi nhiều “điểm nóng” đến nỗi không dám về thăm bố mẹ, ông bà vì đã đến nhiều nơi nguy hiểm.

Công cuộc chống dịch còn cam go, tôi luôn thầm mong tất cả bình an, cùng nhau vượt qua đại dịch.

Tối 5.5, Hà Tĩnh ghi nhận 2 ca trở về từ nước ngoài tái nhiễm Covid-19 sau cách ly. Trường mầm non tư thục nơi con gái tôi đang theo học cũng tạm thời đóng cửa, vợ tôi phải nghỉ việc bán thuốc tây để ở nhà chăm con do nội ngoại đều ở xa. Tôi quyết định gửi vợ con về quê nội ở Nghệ An, một phần là để yên tâm hơn khi đến gần vùng có ca bệnh để tác nghiệp. Tác nghiệp trong dịch bệnh nguy hiểm, tất nhiên là chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho bản thân và đó cũng chính là yêu cầu mà cơ quan đặt ra.

Những ngày dịch giã căng thẳng mới hiểu thêm được nỗi nhọc nhằn mà nhân viên y tế tuyến đầu đang phải căng sức chống dịch. Đã nửa tháng trôi qua, hầu hết nhân viên y tế ở Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hà Tĩnh chưa về nhà. So với họ, tôi thấy những khó khăn mà mình đối mặt khi tác nghiệp chả thấm vào đâu.

Bắc Giang “thoát hiểm” trong 3 đợt dịch trước, nhưng làn sóng thứ 4 không may mắn như vậy. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, với hơn 5.000 ca nhiễm, khiến địa bàn này đã trở thành “tâm dịch” của cả nước. Thời gian diễn ra ngày bầu cử toàn dân 23.5, tại Bắc Giang dịch bùng phát dữ dội nhất với hơn 100 ca/ngày, việc tác nghiệp vì thế cũng rất khó khăn.

Buổi sáng hôm đó, cử tri Bắc Giang “dậy sớm” nhất cả nước, vì là tâm dịch nên được triển khai bầu cử sớm trước 1 tiếng vào 6 giờ sáng. Xác định thôn Chùa, xã Tăng Tiến, H.Việt Yên - điểm nóng nhất của dịch sẽ là nơi mà chắc chắn có rất nhiều điều mà bạn đọc, người dân cả nước quan tâm nên cần phải có tác nghiệp đặc biệt.

Bị cách ly ngay trong vùng dịch khiến tôi gặp nhiều khó khăn, di chuyển khó, tiếp cận mục tiêu khó, dễ dàng bị lây bệnh. Ngay từ 5 giờ sáng tôi đã dậy và bắt đầu mặc đồ bảo hộ, bọc máy ảnh kín mít và di chuyển ra nhà văn hóa thôn Chùa dự khai mạc và các hoạt động theo đúng quy định bầu cử. Thôn Chùa chia 3 tổ với hàng chục xe đạp chở các hòm phiếu đến từng hộ dân. Một hình thức phục vụ bầu cử chưa từng có trong lịch sử.

Để có thể ghi hình và “săn” được các chi tiết đắt, tôi chạy xe máy bám theo hết tổ này sang tổ khác để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt: thành viên tổ bầu cử chở hòm phiếu, đi xe đạp đến từng nhà người dân đang cách ly để cử tri bỏ phiếu.

Báo Thanh Niên
21.06.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.