Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Không thể chậm trễ hơn nữa

31/10/2012 03:00 GMT+7

Với 48 ý kiến thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày hôm qua (30.10), xoay quanh các vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận như: tồn kho, nợ xấu, tăng giá xăng dầu và lợi ích nhóm... các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải sớm có giải pháp xử lý, không thể để chậm trễ hơn nữa.

Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Không thể chậm trễ hơn nữa
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

 

ĐBQH "hiến kế" 3 nguồn tiền để tăng lương

Thu gọn bớt các chương trình mục tiêu quốc gia trùng nhau để lấy nguồn bổ sung cho việc tăng lương; Chính phủ xem xét, cân đối khoản thu, chi, siết chặt mua sắm công, đầu tư công, quản lý chặt chi ngân sách hợp lý; Chính phủ tiết kiệm chi 10% chi hành chính là 10.000 tỉ đồng, cắt giảm đầu tư công khoảng 10.000 tỉ; tăng thu, khoán tăng thu khoảng 10.000 tỉ đồng sẽ có thêm được 30.000 tỉ đồng cho tăng lương.

(Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội của Đoàn thư ký kỳ họp)

Trước đề xuất khẩn trương thành lập công ty mua bán nợ hoạt động theo nguyên tắc thị trường để xử lý nợ xấu, ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), cho rằng: “Đây là hoạt động rất nhạy cảm, dễ dẫn đến thất thoát tài sản quốc gia. Vì vậy, hoạt động mua bán nợ cần phải minh bạch, đặt dưới sự giám sát đặc biệt của các bộ, ngành liên quan và các ủy ban của Quốc hội”. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) hoan nghênh Chính phủ đã chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp (DN) bằng cách mua lại nợ xấu. “Ngân sách năm tới của ta rất khó khăn, đến tăng lương cơ bản và phụ cấp công vụ theo lộ trình cải cách tiền lương ta còn không có nguồn để bố trí thì sao có thể đem đi mua nợ xấu? Nếu năng động hơn nữa thì NHNN nên đem nợ xấu chào hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế để họ mua lại nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu trong nước" - ĐB này gợi ý.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại dành toàn bộ thời gian phát biểu của mình để “mổ xẻ” những bất cập trong kinh doanh xăng dầu và đề nghị với mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu QH cần nghiên cứu ban hành luật hoặc pháp lệnh để quản lý hiệu quả trong kinh doanh của DN, bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng. Ngoài ra, trước những biểu hiện độc quyền, mập mờ thông tin lỗ, lãi, thiếu trách nhiệm giải trình, quản lý vừa đá bóng, vừa thổi còi, cử tri đặt nhiều dấu hỏi về lợi ích nhóm, về tham nhũng trong kinh doanh quản lý điều hành xăng dầu, ĐB đề nghị: “Bộ trưởng Công thương giải trình làm rõ vấn đề đã nêu; Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan điều tra vào cuộc một cách khẩn trương để trả lời cho công luận...”.

Tăng lương theo lộ trình vào 5.2013

ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) nêu thực trạng và đề nghị Chính phủ rà soát lại 16 chương trình mục tiêu quốc gia, mạnh dạn cắt bỏ dự án chưa thật cần thiết, nhất là dự án khâu trung gian trùng lặp với chi phí thường xuyên gây lãng phí, dành kinh phí và cùng với nguồn thu khác để tăng lương theo lộ trình vào đúng 5.2013 cho đối tượng là người có công và cán bộ hưu trí.

Đồng quan điểm trên, ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cũng cho rằng: “Cần tăng lương theo lộ trình, tính toán cân đối nguồn, tiết kiệm chi, tăng cường quản lý đầu tư công, chống thất thoát lãng phí, đảm bảo tăng lương giảm bớt khó khăn cho người làm công ăn lương”. Còn theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), đời sống người dân chưa được quan tâm đúng mức, giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, giá trị tiền lương thực tế giảm.

Cũng theo ĐB Chu Sơn Hà, việc tái cơ cấu thực hiện chưa quyết liệt, từ sau kỳ họp lần thứ hai của QH chỉ tái cơ cấu được 3 NH, còn lại vẫn đang dở dang. Các tập đoàn, tổng công ty mới quyết định giải thể Tập đoàn HUD và Sông Đà. “Thời gian qua, nhiều cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các ngành, lĩnh vực chỉ lo suy nghĩ che chắn khuyết điểm để bản thân được tại vị, dẫn đến không còn thời gian suy nghĩ tái cơ cấu kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ khác. Dẫn tới hoàn thành mục tiêu kinh tế không cao”, ĐB nói và đề nghị các giải pháp: “Thứ nhất, cần khắc phục ngay lợi ích nhóm giữa một bộ phận lãnh đạo tại các tập đoàn, tổng công ty và một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong cơ quan quản lý, để tái cơ cấu thực hiện nghiêm túc. Tách chức năng quản lý và chức năng sở hữu vốn nhà nước không làm méo mó thị trường, tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác”. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) kỳ vọng, với quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý, phân định rõ trách nhiệm của cá nhân, không để lợi ích nhóm chi phối sẽ tạo được chuyển biến mới trong quá trình tái cơ cấu.

Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Không thể chậm trễ hơn nữa
Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ lợi ích nhóm, tham nhũng trong điều hành kinh doanh xăng dầu - Ảnh: Diệp Đức Minh

Chưa thấy các tư lệnh ngành nhận lỗi

Thủ tướng đã nhận lỗi trước Quốc hội nhưng chưa thấy lãnh đạo các bộ, ngành là chủ thể của những sai phạm, yếu kém kéo dài công khai lên tiếng nhận trách nhiệm để cử tri yên tâm trước khả năng khắc phục yếu kém đưa đất nước đi lên. (ĐB Hà Minh Huệ - Bình Thuận)

Áp dụng luật Thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2013

 Để kích thích sức mua và bảo đảm đời sống, tôi đề nghị áp dụng luật Thuế thu nhập cá nhân mà chúng ta sắp thông qua từ 1.1.2013 chứ không phải trì hoãn. (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch - TP.HCM)

Tính toán lại thu phí đường bộ vào 1.1.2013

 Hiện nay tỷ lệ thu phí, thuế quá cao tại nhiều mặt hàng, dịch vụ, vì vậy để cải thiện sức mua phải cắt giảm các loại phí không phù hợp. Theo đó, việc thu phí sử dụng đường bộ vào 1.1.2013 nên cân nhắc, tính toán lại nhằm góp phần bảo đảm an dân. Mặt khác, việc thu phí nhưng người dân không được cung cấp dịch vụ là không phù hợp với bản chất của phí. (ĐB Trương Văn Vở - Đồng Nai)

Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm: “Chúng tôi vẫn an toàn”

Trao đổi với báo bên lề phiên họp QH sáng nay (30.10), doanh nhân - ĐBQH Đặng Thành Tâm công khai số nợ hiện tại của gia đình ông (gồm SGI và cả Tập đoàn Tân Tạo) chưa đến 500 triệu USD (gần 10.000 tỉ đồng) trong khi đó tổng vốn điều lệ của 2 tập đoàn này khoảng 20.000 tỉ đồng. “Thống kê trung bình các DN trên sàn hiện nay, nợ vay trên vốn điều lệ 2,2 lần, của chúng tôi chưa đến 1 lần. Xét cấu trúc nợ và vốn chúng tôi vẫn an toàn”, ông Tâm nói. Doanh nghiệp như cơ thể con người, ốm thì nói có bệnh, không cần giấu giếm. “Như bản thân tôi sức khỏe yếu tôi xin nghỉ. Nhiều người hỏi sao lúc trước xin nghỉ hết kỳ họp hôm nay lại đi là bởi lúc xin nghỉ tôi yếu thật, yếu thì phải xin. Còn đến khi mình dậy được thì mình phải đến, đó là trách nhiệm của ĐB. DN cũng vậy, phải có quyết tâm để sống”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Tâm cũng thừa nhận, chính vì “đá” lấn sân sang ngân hàng - tài chính, lĩnh vực khiến tập đoàn của ông thua lỗ nặng nề, đây cũng là nguyên nhân khiến ông già và xấu đi khi phải lo lắng trả nợ, lo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của hàng chục nghìn lao động. “Tôi ốm nhưng vẫn cố về họp, vợ tôi bảo nên nhuộm tóc lại, cạo râu đi nhưng bác sĩ bảo tốc độ mọc râu là rất quan trọng để xác định sự lão hoá và tuổi già. Nếu cạo đi không theo dõi được lão hoá thì chết. Tôi không có gì phải xấu hổ khi mình xấu đi, sợ nhất bị chết, trông có  xấu cũng không sợ”, ông Tâm bày tỏ.

Anh Vũ

Các bộ trưởng lên tiếng

 

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Vinashin nợ 86.000 tỉ, thâm hụt 5.000 tỉ vốn điều lệ

 Số liệu đến 31.12.2009 cho thấy, nợ phải trả của Vinashin là 86.745 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 4.985 tỉ đồng, lỗ tiềm ẩn 8.512 tỉ đồng. Tổng cộng khả năng thua lỗ gần 13.400 tỉ đồng. Trong lỗ tiềm ẩn gồm: chênh lệch các khoản thu nội bộ không xác định được là 4.688 tỉ đồng, 1.035 tỉ đồng phạt đặt cọc do các chủ tàu vi phạm hợp đồng và 2.787 tỉ đồng chi phí sản xuất dở dang.

Kết luận thanh tra chỉ ra, Vinashin không bảo toàn được vốn nhà nước, thâm hụt 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ, 86.000 tỉ đồng tiền nợ chứ không phải hoàn toàn thất thoát.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Khát vọng BHYT toàn dân”

 BHYT toàn dân là khát vọng cháy bỏng, đầy thách thức đối với các nước phát triển như Việt Nam. Xin được cố gắng đến 2020 ít nhất 80% người dân tham gia, hiện nay đã phủ được 68%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Trước 2013 đưa nợ xấu xuống dưới 3%”

Nợ xấu không chỉ của riêng ngành NH mà còn của cả nền kinh tế trong đó có nợ đọng trong xây dựng cơ bản 91.000 tỉ đồng. Hiện tại, đề án tổng thể xử lý nợ đã được xây dựng, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban, Thống đốc làm phó ban thường trực cùng các thành viên bộ, ngành khác. "Với tư cách là Thống đốc tôi cũng không thể hứa được gì. Đây là quyết tâm của Bộ Chính trị, chứ không thể đơn phương một mình NHNN. Tôi chỉ dám khẳng định đến 2015 cố gắng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế” - Thống đốc nói. 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: “Đề xuất xây dựng ngân sách phân bổ trung hạn”

Con số chính xác về nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Bộ KH-ĐT là 85.000 tỉ đồng, sau khi loại trừ đi một số nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước. Đối với vấn đề đầu tư công còn dàn trải, không hiệu quả, đó là những bức xúc kéo dài nhiều năm qua, Bộ đang có giải pháp để ngăn chặn. Hiện nay trong tổng số 180.000 tỉ đồng vốn đầu tư ngân sách, các địa phương được phân bổ 93.100 tỉ đồng trực tiếp cân đối, sử dụng trung ương  không can thiệp. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn nhiều địa phương bố trí vốn dàn trải, chưa hiệu quả. Tới đây, sẽ đề xuất cho phép xây dựng ngân sách phân bổ trong trung hạn 3 năm, tương tự trái phiếu để tất cả địa phương biết được có bao nhiêu vốn để chủ động cân đối.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: “Xử lý các đối tượng trục lợi tạm nhập, tái xuất xăng dầu”

Hoạt động tạm nhập tái xuất là hoạt động thương mại bình thường và cần thiết đối với xăng dầu. Tuy nhiên, vừa qua, một số đối tượng lợi dụng quy định này để trục lợi và đã bị xử lý. Nhà nước không hạn chế DN trong nước hoạt động kinh doanh xăng dầu nếu đủ điều kiện nhưng hầu như không có DN nào đăng ký mới. Mỗi năm Bộ Công thương đều có kế hoạch nhập xăng dầu và các DN căn cứ vào đó đăng ký lượng nhận của đơn vị mình. Nhưng trong tình hình xăng dầu thế giới tăng giá, kinh tế khó khăn, nhiều DN không đăng ký nhập khẩu, đến mức Bộ Công thương phải nhắc nhở nhiều lần. 

Nguyệt Minh - Anh Vũ

Nguyệt Minh - Anh Vũ

>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế
>> Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật
>> Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Khiếu nại, tố cáo
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận về miễn, giảm thuế
>> Quốc hội thảo luận tổng kết nhiệm kỳ khóa XII
>> Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã
>> Quốc hội thảo luận về đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.