Sẽ đề xuất chủ trương mới về đào tạo lý luận chính trị

30/04/2011 00:31 GMT+7

Hôm qua, tiến sĩ Lê Minh Thông (ảnh), Vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, đã trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những bất cập trong việc đào tạo, xác nhận trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên (Báo Thanh Niên đã thông tin trên số báo ra ngày 28.4).

Quy định 256/QĐ-TW của Ban Bí thư nêu rõ trách nhiệm xác nhận trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thuộc về các cơ sở đào tạo (trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh). Nhưng qua phản ánh của nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên, việc xin xác nhận này rất khó khăn, nhiều trường hợp không đủ tiêu chí thi nâng ngạch vì không được xác nhận trình độ lý luận chính trị. Theo ông, cần phải tháo gỡ vướng mắc này như thế nào?

Tôi nghĩ không có gì khó trong chuyện xác nhận trình độ lý luận chính trị cả. Quy trình thực hiện cũng đã nêu rõ trong Quy định 256 (có hiệu lực ngày 16.9.2009) của Ban Bí thư, đó là các cá nhân có nhu cầu xác nhận trình độ lý luận chính trị, ở mức độ nào thì chủ động đề xuất với vụ tổ chức cơ quan người đó để tập hợp chuyển tới các đơn vị có trách nhiệm xác nhận, xin xác nhận. Việc cấp là trách nhiệm của các trường đào tạo chính trị, họ phải đối chiếu các môn học, thời lượng học của môn học mà người đang xin xác nhận đã học rồi (ở trình độ trung cấp hay cao cấp) để tính xem còn thiếu môn nào, sẽ đề nghị học bổ sung cho đủ trình độ mà cá nhân đó đề nghị được xác nhận để cấp chứng nhận. Nếu đã học đủ những môn, tiết học tương đương trình độ xin xác nhận thì phải cấp giấy xác nhận. Lúc đó thì đủ cơ sở thi nâng ngạch và thực hiện các chế độ chính sách.


Ảnh: N.M 

Trước đây, đã từng có quy định tương đương, chẳng hạn tốt nghiệp đại học chuyên ngành xã hội tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị, nay thì sao, thưa ông?

Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Thám, Phó hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) cho biết các đơn vị nếu có  nhu cầu xác định trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên có thể gửi công văn đề nghị tới trường. Căn cứ trên Quy định 256, Hướng dẫn của của Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và nhu cầu của đơn vị, trường sẽ thành lập một đồng xét duyệt để đánh giá và sau đó sẽ ra quyết định công nhận với các trường hợp đủ điều kiện. Theo ông Thám, việc đánh giá để xác nhận trình độ lý luận chính trị được làm đối với từng trường hợp cụ thể mà không có quy định chung.

Cũng theo ông Thám, các trường đào tạo chính trị chỉ tiến hành xét duyệt đối với các trường hợp do các đơn vị, tổ chức đề nghị chứ không thực hiện xét duyệt cho cá nhân đơn lẻ. (Trường Sơn)

Vừa rồi cũng có một số cơ quan, đơn vị gửi công văn tới Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề này, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn, trong đó khẳng định: Quy định 12/TC-TTVH (quy định cũ ban hành năm 2004 về chứng nhận trình độ lý luận chính trị) không còn hiệu lực, do đó mọi công nhận tương đương sau ngày Quy định 256 có hiệu lực sẽ không còn giá trị pháp lý. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm cấp chứng nhận và bổ túc kiến thức lý luận chính trị là trách nhiệm của các trường chính trị, không được viện bất cứ lý do nào để thoái thác. Cho nên ai có nhu cầu xác nhận thì đề nghị bộ phận tổ chức cơ quan mình tập hợp để chuyển tới các cơ sở đào tạo lý luận chính trị.

Thưa ông, tại sao chúng ta không ban hành một thông tư liên tịch giữa Ban Tổ chức Trung ương và Bộ GD-ĐT hoặc giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT về việc liên thông các chương trình đào tạo luôn ở các trường ĐH, CĐ, trong đó bao hàm cả các môn học về lý luận chính trị, để tránh tình trạng phải xin cấp một giấy chứng nhận riêng về trình độ lý luận chính trị, ít nhiều cũng gây phiền hà?

Đúng là có chuyện hiện các hệ đào tạo về giáo dục lý luận chính trị của chúng ta đang khác nhau, giáo dục chính trị ở các trường ĐH, CĐ thì theo một chương trình khác, còn giáo dục chính trị trong các trường chính trị của Đảng theo hệ khác, nhu cầu khác. Hai tuyến đi theo hướng độc lập nên có thể có chuyện, nếu không học lại thì có thể thiếu nhưng cũng có người học rồi lại phải học lại khiến mất thời gian; rồi đi xác nhận cũng rất khó khăn. Cho nên chúng tôi đang nghiên cứu đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị. Vừa rồi Ban Tổ chức Trung ương được giao nghiên cứu để đề xuất một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về đào tạo lý luận chính trị. Lúc ấy sẽ phải sửa những bất cập hiện nay, còn cụ thể như thế nào thì phải nghiên cứu, đề xuất, nhưng rõ ràng đang có sự bất cập. Chúng ta chưa tạo được sự liên thông giữa các trường ĐH với các trường chính trị để tránh trùng lắp, không lãng phí và phát huy được vai trò các trường ĐH trong vấn đề này. Nếu tạo được sự liên thông trong đào tạo trình độ lý luận chính trị thì sẽ vừa tiết kiệm cho người đi học, tiết kiệm bạc tiền cho Nhà nước và giảm tải cho hệ thống học viện. 

Vậy bao giờ sẽ ban hành Nghị quyết về đổi mới đào tạo trình độ lý luận chính trị, thưa ông?

Chúng tôi vừa nhận nhiệm vụ. Trong chương trình sẽ cố gắng trong năm nay, chậm nhất năm sau sẽ nghiên cứu triển khai.

Bảo Cầm
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.