Sẽ thêm 1 ngày nghỉ dịp Quốc khánh, bỏ đề xuất nghỉ ngày Gia đình Việt Nam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/11/2019 12:23 GMT+7

Thường vụ Quốc hội đã chốt bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh (2.9), thay vì ngày gia đình Việt Nam (28.6) như đề xuất trước đó. Như vậy, dịp Quốc khánh, người lao động sẽ được nghỉ hai ngày.

Sáng 19.11, trao đổi với báo chí bên hang lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết Thường vụ Quốc hội đã chốt bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh (2.9) vào dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi, thay vì ngày Gia đình Việt Nam (28.6) như đề xuất trước đó.
Như vậy, dịp Quốc khánh hàng năm, người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ.
Giải thích về sự thay đổi này, Phó chủ nhiệm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết, nhiều đại biểu ủng hộ bổ sung ngày 28.6 làm ngày nghỉ bổ sung, nhưng thực tế thì so sánh với chọn nghỉ thêm 1 ngày trong ngày Tết độc lập thì ý nghĩa của nó cao hơn ở chỗ là nó giải quyết được vấn đề gia đình.
Theo ông Lợi, đây không chỉ là ngày Độc lập, ngày Bác Hồ khai sinh ra đất nước Việt Nam mà đây cũng là ngày cận kề với ngày trẻ em, học sinh, sinh viên đến trường. “Mình thêm 1 ngày nghỉ để người lao động có 2 ngày đi về, không bị cản trở về thời gian”, ông Lợi phân tích.
Về phía ngược lại, theo ông Lợi, nếu chọn ngày 28.6, thì nghỉ 1 ngày cũng rất khó khăn, nhưng nếu vào dịp 2.9 thì có thể nghỉ mùng 1 mùng 2, hoặc mùng 2 mùng 3. Như vậy, người lao động người ta có thời gian dài hơn, người ta đi lại dễ hơn.
“Cái quan trọng là ý nghĩa ngày tết độc lập nó cao hơn ý nghĩa giá trị của ngày gia đình Việt Nam và bản thân ý nghĩa của ngày tết độc lập nó cũng thể hiện được ngày gia đình Việt Nam”, ông Lợi nói thêm.
Theo ông Lợi, với phương án này thì sẽ giao Chính phủ lựa chọn bổ sung thêm ngày nghỉ là ngày 1.9 hoặc 3.9 bên cạnh ngày 2.9, và sẽ công bố trước các đợt nghỉ giống như tết Âm lịch, Dương lịch hàng năm.
“Nếu muốn nghỉ dài ngày, mùng 3 là thứ bảy thì có nghĩa là người ta chọn mùng 1, mùng 2-3-4 thì được nghỉ 4 ngày, còn nếu không người ta chọn mùng 2 - 3 để tránh chuyện là mình không muốn nghỉ dài”, ông Lợi lý giải thêm.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua bộ luật Lao động sửa đổi vào ngày mai, 20.11.
Trước đó, việc bổ sung thêm một ngày nghỉ có lương đã gây ra nhiều tranh cãi khi từ kỳ họp thứ 7, Chính phủ đề xuất nghỉ vào ngày thương binh liệt sĩ 27.7. Tới cuối kỳ họp, khi giải trình ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung đã xin rút đề xuất này.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ.
Tại kỳ họp 8 đang diễn ra, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp 8 Quốc hội vào sáng 23.10 cho biết, trong quá trình lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28.6).
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục đưa ra 2 phương án để Quốc hội quyết định. Theo đó, phương án 1 là không bổ sung ngày nghỉ lễ như đề xuất của Chính phủ. Phương án 2 là bổ sung thêm 1 ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28.6 dương lịch) là ngày nghỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.