Tắc di dời 20.000 căn nhà ven kênh

20/10/2017 08:23 GMT+7

Thiếu vốn, thiếu đất..., dự án di dời 20.000 căn nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch của TP.HCM được coi là đột phá trong kế hoạch chỉnh trang đô thị có nguy cơ lỡ hẹn.

Tắc đủ đường
Với khoảng 3.400 căn, Q.Bình Thạnh có số lượng nhà ở trên và ven kênh rạch nhiều thứ hai sau Q.8, tập trung chủ yếu tại ba tuyến rạch Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa và Văn Thánh. Trong đó, hai tuyến rạch “xương xẩu” nhất và cũng có số lượng nhà ở nhiều nhất là rạch Xuyên Tâm và Văn Thánh (khoảng 2.050 căn). Cả hai dự án này đang giẫm chân tại chỗ sau nhiều năm triển khai.
Làm việc với Sở Xây dựng, ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết hiện nay Bình Thạnh đã chuẩn bị xong quỹ nhà để bố trí cho người dân trên và ven rạch khi tiến hành di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng. “TP cũng đã chấp thuận chủ trương bồi thường bằng căn hộ, tuy nhiên với những trường hợp người dân không đồng ý nhận căn hộ hoặc chỉ bị giải tỏa một phần thì chưa biết lấy kinh phí ở đâu để bồi thường”, ông Thắng nói.
 Ảnh: Ngọc Dương - Hà Văn/Đồ họa: Hồng Kỳ
Theo ông Thắng, dự kiến tổng kinh phí bồi thường cho cả hai dự án trên khoảng 3.200 tỉ đồng. Trong đó, rạch Văn Thánh khoảng hơn 2.000 tỉ và rạch Xuyên Tâm khoảng gần 1.200 tỉ đồng. Hai dự án này đã được TP chấp thuận chủ trương cho hai nhà đầu tư là Công ty TNHH đầu tư Sato và Công ty Hà Nội Ngàn Năm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, xây dựng, chỉnh trang đô thị dọc theo các tuyến rạch này theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ vài năm trước. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư nào chính thức được công nhận do chưa đưa ra được phương án đầu tư.
Tại buổi làm việc với Q.Bình Thạnh đầu tháng 8, Sở KH-ĐT cho biết, đến thời điểm này, Công ty Sato vẫn chưa trình phương án đầu tư và thiết kế cho toàn tuyến rạch Văn Thánh. Do đó, Sở chưa có cơ sở để trình lên UBND TP xem xét. Đại diện Sở Xây dựng cũng thông tin thêm, khi làm việc trực tiếp thì “nhà đầu tư có vẻ không mặn mà, họ không nói là sẽ rút lui nhưng dường như thiếu sự quyết tâm”.
Riêng dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm thì hiện nay giữa Q.Bình Thạnh và Công ty Hà Nội Ngàn Năm vẫn chưa thống nhất được ranh giải tỏa do ranh đề xuất của nhà đầu tư không trùng với quy hoạch 1/2.000 Q.Bình Thạnh đã phê duyệt. Quận này cũng đã nhiều lần có văn bản đề xuất UBND TP và Sở GTVT thống nhất ranh dự án để quận có cơ sở bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Trước đó, từ tháng 8.2016, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã cùng ngồi với Q.Bình Thạnh và Giám đốc Công ty Sato Phạm Huy Thưởng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời chỉ đạo trong năm 2016 phải hoàn thành xong thủ tục và năm 2018 phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa có tiến triển.
Với những khó khăn như hiện nay, Q.Bình Thạnh đề xuất, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này thì cần có ngân sách nhà nước “làm mồi” chứ không thể xã hội hóa. “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu dự án đều ngán nhất là vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, thay vì họ mua một khu đất sạch có thể đầu tư ngay được mà không phải mất thời gian ít nhất cũng 2 năm để hoàn tất pháp lý bồi thường, giải phóng mặt bằng”, ông Thắng nói.
TP.HCM có 5 tuyến kênh chính và các chi lưu gồm: Tàu Hủ - Bến Nghé; Tân Hóa - Lò Gốm; Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ba tuyến này đã thực hiện chỉnh trang, hiện chỉ còn các chi lưu). Hai tuyến còn lại là kênh Đôi - kênh Tẻ và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Khát vốn, cạn kiệt quỹ đất làm BT
Theo Sở Xây dựng, trước đây TP chủ trương thực hiện chỉnh trang đô thị bằng vốn ngân sách và đã thực hiện tốt ở các dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm... Nhà nước bồi thường xong thì giao đất sạch cho nhà đầu tư tiến hành xây lắp. Nhưng hiện nay ngân sách hạn hẹp, TP khuyến khích thực hiện phương thức đối tác công - tư (PPP) thanh toán theo hợp đồng BT. Nghĩa là nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch (hoặc dự án khác) để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT.
Trong cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm về tình hình thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị ngày 5.10, ông Lê Trần Kiên, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng, cho biết hiện nay quỹ đất để thanh toán cho hợp đồng BT các dự án cũng đã hết sạch. “Toàn TP có 73 dự án BT đang triển khai, cần quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư. Trong khi quỹ đất dùng để đổi lại cho nhà đầu tư đã cạn kiệt. Do đó, phương thức chủ đạo và ưu tiên trong đề án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn TP là hình thức hợp tác PPP”, ông Kiên cho hay.
Theo hình thức này, TP.HCM khuyến khích mở rộng biên của các dự án để nhà đầu tư có thể khai thác quỹ đất dôi dư dọc theo các tuyến kênh rạch, nhưng cách làm này cũng không hề đơn giản. Ngoại trừ kênh Đôi (Q.8) đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch, mở rộng biên bằng cách giảm hành lang kỹ thuật từ 30 m xuống còn 13 m; đồng thời mở rộng ranh thu hồi đất ra tận đường Phạm Thế Hiển nên đã tạo được quỹ đất BT từ 21 ha lên 33 ha, tương đương khoảng 6.800 tỉ đồng giá trị quyền sử dụng đất để có thể thanh toán cho nhà đầu tư. Còn các nơi khác vẫn tắc. Tại Q.Bình Thạnh, rạch Xuyên Tâm và Văn Thánh cũng được nghiên cứu theo hình thức mở rộng biên. Tuy nhiên việc mở rộng biên không đơn giản vì dân cư ở hai bên dày đặc, đòi hỏi nguồn vốn bồi thường cực lớn và nhà đầu tư phải thực sự có tiềm lực tài chính mạnh mới có khả năng triển khai được. “Việc bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là rào cản nên dự án này kéo dài do kém hấp dẫn nhà đầu tư”, một phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh cho biết.
Theo ông Lê Trần Kiên, trên địa bàn TP hiện có 57 tuyến kênh rạch, tập trung chủ yếu tại Q.8 (với 9.086 căn hộ), Q.Bình Thạnh (3.400 căn), Q.4 (1.629 căn)... Trong đó, 44 tuyến được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách “ngốn” hết khoảng 30.890 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 tuyến thực hiện theo hình thức đối tác công - tư PPP khoảng hơn 18.000 tỉ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí dự kiến cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án di dời nhà ở ven và trên kênh rạch tại TP.HCM khoảng gần 50.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách phân bổ cho các dự án giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30.890 tỉ đồng. “Nhưng thực tế ngân sách TP chỉ có khoảng 2.100 tỉ đồng nên không đủ để đáp ứng”, ông Kiên nói.
Năm 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 của TP.HCM đã đưa chỉnh trang đô thị vào một trong 7 nội dung chương trình đột phá của TP. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 TP sẽ hoàn thành việc di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, xây mới và sửa chữa 50% trong số 474 chung cư cũ trên địa bàn TP. Đến nay, đã 3 năm trôi qua nhưng chưa có chung cư nào được xây mới, việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch cũng mới chỉ ở giai đoạn mời gọi đầu tư…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.