Tái đề xuất 'máy đuổi chim' ngàn tỉ

30/03/2017 06:00 GMT+7

Cục Hàng không VN tái đề xuất Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Đề xuất trên từng được đưa ra 2 lần trong năm 2016, đều chưa nhận được cái gật đầu của Bộ GTVT. Lý giải cho đề xuất, Cục Hàng không cho hay đã có rất nhiều vụ việc uy hiếp an toàn hàng không liên quan đến các vật thể lạ trên đường băng. Theo thống kê của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV), trong 2 năm 2014 - 2016, tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có tới 156 vụ nhưng hiện việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng tại các cảng hàng không trên cả nước được thực hiện thủ công, chủ yếu bằng mắt thường, gây khó khăn, gián đoạn hoạt động bay tại các sân bay có tần suất cao. Đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ nhằm tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và máy bay.
Giao cho ACV đầu tư


Công nghệ thì có nhiều, nhưng mức giá cạnh tranh cũng chỉ xấp xỉ 5 - 6 triệu USD, mức giá cả
ngàn tỉ mà ngành hàng không đề xuất là quá cao

TS Nguyễn Minh Đồng

Cục đề xuất thêm 2 phương án là: giao cho ACV làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành. ACV cũng chịu trách nhiệm tính toán, cân đối nguồn tiền để tiến hành đầu tư ban đầu và hoàn vốn. Phương án còn lại là xã hội hóa theo hình thức PPP, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này sẽ giao cho nhà khai thác cảng hàng không, sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.
Về phương án hoàn vốn, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hằng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).
Cục Hàng không VN kiến nghị thực hiện theo phương án 2, giao ACV làm chủ đầu tư dự án. Do tính cấp bách của dự án, cục này đề nghị Bộ GTVT giao ACV sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để triển khai dự án. Trường hợp ACV khó thu xếp vốn thì đơn vị này có thể kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.
Quốc tế chỉ đầu tư 5 triệu USD/hệ thống ?
Tổng mức đầu tư hệ thống dự kiến tại Nội Bài hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất gần 510 tỉ đồng. Trước đó, trả lời Thanh Niên về con số gần 1.000 tỉ đồng này, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho rằng đề xuất của Cục là con số khái toán dựa trên tham khảo giá của một số nhà sản xuất. Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, mới xác định chính xác tổng mức đầu tư.
Cách đây vài năm, một đơn vị của ACV từng sang Israel khảo sát, tìm hiểu về công nghệ phát hiện vật thể lạ (FODetect) của nước này. Đáng chú ý, giá trị đầu tư mỗi hệ thống FODetect/đường băng theo báo giá của Hãng Xsight (Israel) - hãng cung cấp hệ thống cho nhiều sân bay lớn ở Tel Aviv (Israel), Bangkok (Thái Lan), Boston, Seattle (Mỹ), giá trị đầu tư lắp đặt thấp hơn nhiều nếu so sánh với tổng mức khái toán được cả ACV và Cục Hàng không đưa ra.
Cụ thể, sân bay Sea-Tac ở Seattle đã cài đặt hệ thống FODetect tự động, hệ thống radar mặt đất và camera để dò tìm bất kỳ mảnh vỡ có thể rơi ra khỏi máy bay nào trên đường băng. Hệ thống bao gồm các cảm biến gắn dọc theo hai đường băng liên tục quét hình ảnh bề mặt đường băng để phát hiện các mảnh vỡ, chim và động vật. Trị giá hệ thống trên đường băng trung tâm sân bay Sea-Tac gần 5 triệu USD/đường băng tương ứng hơn 110 tỉ đồng VN. Nếu tính bình quân một hệ thống FODetect khoảng 5 triệu USD, tổng mức đầu tư cho 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất với 4 đường băng, giá trị đầu tư rơi vào 20 triệu USD/4 hệ thống, giá trị cũng chỉ khoảng 430 tỉ đồng VN. Con số này chưa bằng 1/2 so với khái toán mà Cục Hàng không đưa ra, cũng thấp hơn nhiều so với con số đề xuất trước đó của ACV (1.162 tỉ đồng). Trả lời Thanh Niên về câu hỏi Cục Hàng không, ACV đề xuất chi phí “đuổi chim” khá cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết dự án đang trong giai đoạn chủ trương đầu tư, số vốn cụ thể như thế nào phải tính toán.
Theo một chuyên gia, đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng là cần thiết để đảm bảo an toàn, nhất là tại 2 sân bay có mật độ bay cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, số vốn đầu tư quá lớn và chênh lệch so với sân bay các nước là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi suy cho cùng, dù xã hội hóa hay không cũng sẽ gây thiệt hại gián tiếp cho các hãng hàng không và chính người tiêu dùng - những người phải chi trả trực tiếp tất cả các khoản phí, lệ phí hàng không.
Nhận xét về FODetect, TS Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia giao thông từng làm việc tại châu Âu, cho rằng: “Công nghệ thì có nhiều, nhưng mức giá cạnh tranh cũng chỉ xấp xỉ 5 - 6 triệu USD, mức giá cả ngàn tỉ mà ngành hàng không đề xuất là quá cao. Để minh bạch, tại sao không đấu thầu công khai, cho các nhà đầu tư quốc tế được tham gia lắp đặt để có mức giá hợp lý nhất?”.
Thả chó, bồ câu, đèn laser... uy hiếp an toàn bay
Ngày 29.3, Cảng vụ Hàng không miền Nam tổ chức hội nghị công tác phối hợp đảm bảo an toàn hoạt động bay tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, năm 2016 và trong quý 1/2017, tình trạng vi phạm an toàn bay, tĩnh không tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn diễn biến phức tạp.
Có 19 trường hợp uy hiếp an toàn bay qua các hành vi như thả diều, chiếu đèn laser vào buồng lái máy bay.
Từ tháng 12.2016 - 2.2017, tổ công tác gồm nhiều cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát khu vực lân cận sân bay, khu vực giáp ranh tường rào cảng đã phát hiện một số đơn vị, cơ quan, hộ gia đình còn nuôi thả chó, chim bồ câu...
Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.