Thi tuyển lãnh đạo sẽ là khâu đột phá trong công tác cán bộ

07/01/2012 15:32 GMT+7

Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo sẽ tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, động viên cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ và điều quan trọng là sẽ nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo sẽ tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, động viên cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ và điều quan trọng là sẽ nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Đó là nhận định của ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về “Đề án Thi tuyển cạnh tranh chức vụ lãnh đạo từ cấp Vụ trưởng ở Trung ương, Giám đốc Sở ở địa phương” của Bộ Nội vụ.

Tuyển chọn, giới thiệu để bổ nhiệm thay cho lấy phiếu

Thưa ông, Luật Cán bộ, công chức và Chương trình tổng thể Cải cách hành chính 10 năm tới có quy định thi cạnh tranh chức vụ  lãnh đạo đối với chức danh từ Giám đốc Sở, Vụ trưởng trở xuống. Xin ông cho biết ý nghĩa của vấn đề này?

Ông Trần Anh Tuấn: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đổi mới công tác cán bộ, trong đó, việc thi tuyển chức vụ lãnh đạo được xác định là một khâu đột phá trong công tác cán bộ hiện nay. Tại Kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, Đảng ta đã chủ trương xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và cấp Phòng.

Tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã xác định một trong các nhiệm vụ để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp Vụ trưởng và tương đương (ở Trung ương), Giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống.

Như vậy, có thể khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo hiện nay, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo.

Việc thi cạnh tranh chức vụ lãnh đạo đặt ra những vấn đề gì so với quy trình bổ nhiệm thông thường hiện nay, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Trước hết cần nghiên cứu, xác định việc thi tuyển chức vụ lãnh đạo chỉ là một khâu trong quy trình bổ nhiệm cán bộ hay là một quy trình thay thế cho quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay.

Trong những năm đầu triển khai thực hiện, đề nghị nên xác định việc thi tuyển này chỉ nằm trong khâu tuyển chọn, để tìm được người có đủ tài, đức, đủ tiêu chuẩn, điều kiện và tín nhiệm, giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện bổ nhiệm theo đúng quy định (thay cho khâu lấy phiếu).

Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu, xây dựng nội dung, phương thức thi tuyển cho phù hợp để đánh giá, lựa chọn được người có năng lực, uy tín bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hiện nay, công tác cán bộ do Đảng lãnh đạo. Vì  vậy, khi thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển cạnh tranh luôn luôn phải bảo đảm vai trò của các cấp ủy đảng trong quy trình lựa chọn cán bộ.

“Khoanh” đối tượng thi tuyển theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương

Quá trình thi cạnh tranh này diễn ra trong nội bộ cơ quan hành chính hay mở cho khu vực tư nhân cùng tham gia quá trình này, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Trong giai đoạn hiện nay, khi chế độ công vụ của nước ta đang chuyển từ chế độ chức nghiệp sang kết hợp với chế độ vị trí việc làm (kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế), vì vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia thi cạnh tranh vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước là xu hướng trong tương lai để thu hút người tài tham gia vào hoạt động công vụ, nhưng cần phải cân nhắc và có lộ trình. Trước mắt cũng chỉ nên khoanh phạm vi đối tượng tham gia thi tuyển vào vị trí lãnh đạo, quản lý trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Mặt khác, hệ thống vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta cũng đang được xây dựng. Các tiêu chí để lựa chọn, đánh giá cán bộ dựa trên kết quả đầu ra của công việc cũng chưa được xác định cụ thể. Vì vậy, việc lựa chọn người từ khu vực tư nhân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý còn cần phải nghiên cứu về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục để bảo đảm việc lựa chọn được hiệu quả.

Xin ông cho biết những điều kiện cần thiết để triển khai công việc này là gì? Đến nay chúng ta đã làm được những gì?

Ông Trần Anh Tuấn: Theo tôi, các điều kiện cần thiết để triển khai là phải xây dựng được hệ thống tiêu chí cụ thể, rõ ràng, định lượng đối với từng vị trí  lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước; quy định cơ chế tuyển chọn khách quan, công bằng và thực tài; cần có quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề  án này để trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Thứ trưởng đánh giá tính khả thi của Đề án này như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án trình các cấp có thẩm quyền về thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng. Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo sẽ tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, động viên cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ, yên tâm phấn đấu vươn lên và điều quan trọng là sẽ nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.