'Thiếu chứng cứ, nhiều vụ trẻ bị xâm hại không thể đưa ra ánh sáng'

14/03/2017 10:37 GMT+7

"Rất đau lòng khi những vụ biết rõ trẻ bị xâm hại nhưng không thể đưa ra ánh sáng do thiếu chứng cứ, trễ chứng cứ", luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, bức xúc.

Nhiều vụ "chìm xuồng", trẻ bị tự kỷ

Trao đổi với PV Thanh Niên, LS Trần Thị Ngọc Nữ, cho biết: "Vừa rồi, khi địa phương giới thiệu vụ bé 2 tuổi rưỡi ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) bị hiếp dâm, chúng tôi đã vào cuộc và đưa vụ việc ra ánh sáng; bị cáo bị xử chung thân. Tuy nhiên, còn nhiều vụ khác rất tội nghiệp cho các em. Mình biết trẻ có bị xâm hại đó nhưng làm không đúng thủ tục tố tụng là không thể đưa vụ việc ra ánh sáng".
Mẹ của bé lớp 1 nghi bị xâm hại kể lại câu chuyện
 - THỰC HIỆN: TRUYỀN HÌNH BÁO THANH NIÊN
LS Ngọc Nữ kể một trường hợp cụ thể cũng ở Q.Thủ Đức, gia đình bé gái tố cáo bị ông hàng xóm xâm hại 6 lần. Bình thường ông hay ghi địa chỉ một trang web đen đưa cho bé xem. Hôm trước đưa thì hôm sau thực hiện hành vi đồi bại với bé.
Khi gia đình phát hiện vụ việc đã nóng nảy cầm tờ giấy này sang nhà ông và mắng chửi. Ông này giật tờ giấy xé đi. Như vậy chứng cứ không còn. Các LS đang cố gắng kết hợp với các cơ quan điều tra nhưng cũng vô cùng khó khăn.
"Ngoài thiếu chứng cứ, nhiều vụ rơi vào tình huống chứng cứ quá muộn. Cụ thể như trường hợp một bé gái bị cha dượng bắt làm nô lệ tình dục suốt ba năm, từ khi bé 9 đến lúc 12 tuổi. Ông đe dọa nếu bé nói chuyện này với ai thì ông sẽ đánh hai mẹ con đến chết cho nên em sợ khi mẹ ly dị với ông rồi mới báo. Và rất, rất là nhiều những vụ như vậy", LS Ngọc cho biết thêm.

Biết trẻ bị xâm hại nhưng... bất lực

Mẹ của bé lớp 1 nghi bị xâm hại cho biết con mình bị hoảng loạn
 - THỰC HIỆN: TRUYỀN HÌNH BÁO THANH NIÊN
"Là một LS, tôi rất đau lòng khi mà có vụ việc mình biết là về tính chất hành vi là có nhưng không thể nào đưa ra ánh sáng để trừng trị những kẻ thủ ác. Là một người mẹ, càng chia sẻ hơn với những phụ nữ không thể đòi công lý được cho con mình càng đau lòng hơn", LS Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.
Về nguyên nhân, LS Ngọc Nữ phân tích: "Thứ nhất là thiếu chứng cứ, thứ hai là về thủ tục. Chẳng hạn như có trường hợp bé bị xâm hại ngày thứ sáu. Nhưng thứ bảy, chủ nhật là bên công an nghỉ. Một cơ sở để đi giám định pháp y là công an phải cho giấy mới đi giám định được, thì thứ bảy chủ nhật nghỉ, đến thứ hai lại chưa hỗ trợ các em được vì bận họp giao ban nguyên buổi sáng thì đến chiều không còn chứng cứ trong vòng 24 tiếng".
Theo LS Ngọc Nữ: "Chúng tôi có đề nghị trong những cuộc hội thảo về trẻ em là nên bỏ và nên giảm hẳn thủ tục rườm rà. Ví dụ như trẻ bị xâm hại cha mẹ dắt tới Bệnh viện Từ Dũ khám, tức là đã tìm ra chứng cứ thì nên công nhận kết quả đó. Đằng này đúng thủ tục là phải có cơ quan công an đưa đi thì kết quả đó mới được công nhận".
"Chúng tôi đề nghị nên thoáng khi luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1.6.2017 tới. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đề nghị với Cục trẻ em nên đào tạo điều tra viên phải chuyên về trẻ em, có nghiệp vụ tốt thì mình mới có thể đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng. Từ đó trở đi nạn xâm hại trẻ em mới giảm được", LS Ngọc Nữ nói thêm.

Không ai có thể bảo vệ con bằng mình

 
"Không ai bảo vệ con bằng chính mình"
- THỰC HIỆN: TRUYỀN HÌNH BÁO THANH NIÊN
LS Trần Thị Ngọc Nữ khuyên khi phát hiện vụ việc các phụ huynh phải thật bình tĩnh. Tâm lý bình thường là các phụ huynh sẽ hành động theo cảm xúc; có thể đến nhà nghi phạm chửi bới. Trong quá trình này nghi phạm có thể hủy các chứng cứ liên quan khiến việc điều tra sau này gặp khó khăn. Phụ huynh nên nhờ sự hỗ trợ của LS hoặc các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em.
"Điều quan trọng nhất, các phụ huynh phải dạy con em mình kỹ năng tự bảo vệ mình để phòng ngừa là chính. Các chị em phụ nữ nên cố gắng bảo vệ con em mình. Không ai bảo vệ con em mình bằng chính mình",  LS Ngọc Nữ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.