Thủ tướng yêu cầu 'ngoại giao kiến tạo'

23/08/2016 17:22 GMT+7

Tinh thần xây dựng “ Chính phủ kiến tạo ” phải được chuyển hóa thành hành động, sáng kiến, kết quả cụ thể, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương và các nhà ngoại giao.

Đây là yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành ngoại giao trong bài phát biểu sáng 23.8 tại Hội nghị Ngoại giao 29.
Vấn đề có lợi ích cho đất nước có thể điện thoại trực tiếp cho Thủ tướng
Theo Thủ tướng, là quốc gia có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, Việt Nam dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động và sẽ chịu những tác động từ bên ngoài, phải đáp ứng những luật chơi tầm quốc tế.
Điều này đòi hỏi công tác dự báo chiến lược luôn có sự nhạy bén, tinh thần thường trực đối phó với những cú sốc bên ngoài. “Ai làm việc đó? Làm ăng ten và thông báo cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân chính là ngành ngoại giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các nhà ngoại giao phải năng động, tích cực, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, phải tham gia chủ động vào các đối thoại chiến lược chính sách, hoạch định luật chơi, sân chơi kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị “không để doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ về thông tin, lạc lối về thể chế và luật lệ ở thị trường quốc tế. Không chấp nhận những việc doanh nghiệp, nhà cung ứng của chúng ta bị chèn ép, bất công, bị thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia”.
“Nếu Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn đến thị trường nào thì đại sứ và sứ quán ở thị trường đó thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết đã nhiều lần nói về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Theo ông, tinh thần này không những phải được quán triệt, thấm nhuần, mà phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, sáng kiến cụ thể, kết quả cụ thể, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương và các nhà ngoại giao.
Thủ tướng đề nghị trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên tìm tòi, suy nghĩ những gì có lợi cho đất nước cần thông tin ngay cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kể cả gọi điện trực tiếp cho Thủ tướng. “Tôi lắng nghe ý kiến các đồng chí, việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn để giải quyết”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Chính phủ kiến tạo đối với ngành ngoại giao trong giai đoạn mới, theo Thủ tướng, bài toán lớn đặt ra là làm sao để Việt Nam có thể lái con thuyền của mình giữa những dòng chảy chiến lược của các nước lớn, với xu thế chủ đạo của khu vực và thế giới.
“Cân bằng được lợi ích của các nước lớn, phát huy tối đa thế và lực của đất nước, dựa trên các giá trị cơ bản của hệ thống quốc tế như luật pháp quốc tế và các định chế quốc tế, làm sao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ, thách thức chủ đạo đối với ngành ngoại giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị sáng 23.8.2016 Ảnh Ngọc Thắng
Xác định những lợi ích quốc gia cốt lõi
Để giải quyết bài toán trên, Thủ tướng cho rằng ngành ngoại giao cần tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt.
Thứ nhất, cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới. Theo Thủ tướng, do nguồn lực, thời gian và đặc biệt là thời cơ đều có hạn nên cần xác định những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội... “Cần xác định đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác”, Thủ tướng nói.
Ông cũng lưu ý không nên tư duy rằng mỗi quốc gia là một thể thống nhất mà cần hiểu trong nội tại mỗi quốc gia đều có tiếng nói đa chiều, có luồng quan điểm và hệ giá trị phù hợp với chúng ta.
“Cái tài hoa của người làm ngoại giao là làm sao tìm ra những thành phần và tiếng nói đó, để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Đó là cơ sở tối quan trọng nhằm tìm thêm đối tác, bớt đi “đối tượng”, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa, tập trung hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư”, Thủ tướng gợi mở.
Thứ hai, Việt Nam cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), ASEAN, ASEM, APEC,… đặc biệt Việt Nam cần đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng thể chế ASEAN.
Thứ ba, ngoại giao cần chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với trong nước. Theo Thủ tướng, hoạt động ngoại giao cần sự hỗ trợ tích cực từ trong nước, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các cán bộ ngành ngoại giao nghiên cứu các giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực đầu tư, nhân tài, chất xám của thế giới, đặc biệt từ những nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.
Thứ tư, Thủ tướng cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại. “Làm sao để hội nhập sâu rộng mà không mất chế độ, không thay đổi bản chất của Đảng ta… Muốn vậy, không chỉ có ngành ngoại giao làm công tác đối ngoại mà từng cấp, từng ngành, từng địa phương phải biết làm đối ngoại, chăm lo công tác đối ngoại thuộc phạm vi mình phụ trách”, Thủ tướng nói.
Thứ năm là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất cho hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại. Thủ tướng yêu cầu các cán bộ ngoại giao cần hòa đồng hơn nữa vào xã hội mà mình đang làm việc để nắm rõ cấu trúc xã hội, các xu thế vận động và biết được lợi ích của Việt Nam có thể có được nằm ở lĩnh vực nào, khu vực nào.
Thủ tướng cho rằng giai đoạn mới, tình hình mới sẽ đòi hỏi sự nhạy bén và tinh thần cầu thị, linh hoạt, sẵn sàng chuyển mình để đứng đầu sóng ngọn gió đưa đất nước tiếp tục ra biển lớn. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp của thời đại mới sẽ phải kiêm vai trò là nhà kinh tế, học giả, xúc tiến đầu tư, những nhà văn hóa Việt Nam. Ngoại giao sẽ là nền tảng, là tiền đề, là kết nối đầu tiên cho mọi viễn cảnh hợp tác.
Theo Thủ tướng, đó là những trọng trách lớn lao không ít gian nan nhưng đó cũng là sứ mệnh cao cả, đáng tự hào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đang kỳ vọng ở ngành ngoại giao. “Đảng và Nhà nước ta luôn có một niềm tin bất biến ở các cán bộ ngoại giao”, Thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.