Thường vụ Quốc hội hối thúc xét xử lại bốn vụ án đặc biệt nghiêm trọng

05/06/2015 12:50 GMT+7

(TNO) Bốn vụ án đặc biệt nghiêm trọng gồm vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) và Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) cần được Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại.

(TNO) Bốn vụ án đặc biệt nghiêm trọng gồm vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) và Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) cần được Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại.

huynh-van-nenHuỳnh Văn Nén ngồi tù được 16 năm 5 tháng thì bản án kết tội được kháng nghị điều tra lại từ đầu
 - Ảnh: N.Đ.Q
Đây là một trong những yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đặt ra trong Báo cáo kết quả giám sát về oan sai vừa trình Quốc hội tại phiên họp sáng nay 5.6.
Các vụ án này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (TAND TC) hủy án có hiệu lực pháp luật để điều tra lại.
Trong báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan trên có biện pháp phù hợp (theo luật định) để xử lý dứt điểm 2 vụ dư luận quan tâm là vụ Hồ Duy Hải (Long An) và vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang), khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long An), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại...
Trình Báo cáo trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.
Số liệu được ông Hiện công bố cho biết, trong kỳ giám sát (thời gian lấy số liệu báo cáo từ 1.10.2011 - 30.9.2014), các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ, với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%, trong đó Cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội.
Một số địa phương để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắc (4 người), Cần Thơ (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người), Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người) và một số địa phương khác mỗi tỉnh một người.
Dùng nhục hình nghiêm trọng gây bức xúc dư luận
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra, cùng với việc để xảy ra 15 trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm bồi thường của Cơ quan điều tra thì hoạt động điều tra còn bộc lộ một số hạn chế, sai phạm trong áp dụng pháp luật, có một số vụ dùng nhục hình nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, xảy ra 78 trường hợp tự sát, 6 trường hợp chết do can phạm đánh nhau tại nơi giam giữ.
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra thực trạng đáng lo ngại: số trường hợp đình chỉ điều tra không đúng pháp luật là có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm. Trong kỳ có 4.113 vụ phải đình chỉ điều tra, chiếm 1,8% tổng số vụ khởi tố, trong đó có những trường hợp đình chỉ sai do việc phân loại, xử lý vụ việc ngay từ đầu không chính xác, do quá trình điều tra không làm rõ được bị can phạm tội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.