Thường vụ Quốc hội vẫn không đồng ý trần lãi suất 200%

23/04/2008 13:11 GMT+7

(TNO) Sáng nay 23.4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến xung quanh đề nghị của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự phần liên quan đến lãi suất huy động vốn, cho vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Trong tờ trình ngày hôm qua, Chính phủ chỉ đề nghị nâng mức trần lãi suất cho vay lên mức 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (dự thảo trình Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3 đề nghị là 300%).

Lý do để Chính phủ đề nghị điều chỉnh trần lãi suất cho vay là khoản 1, điều 476 Bộ luật Dân sự (khống chế lãi suất cho vay tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản) là quá thấp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu lý giải: “Quy định này không phù hợp với thực tế và sẽ dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng vi phạm quy định này”.

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội không đồng ý tăng trần lãi suất, thậm chí là không đồng ý sửa điều 476. “Việc để xảy ra tình trạng nhiều hợp đồng tín dụng cho vay của tổ chức tín dụng có lãi suất vượt quá sao với trần lãi suất quy định là do Ngân hàng Nhà nước không thực hiện theo đúng quy định của luật Ngân hàng Nhà nước là công bố lãi suất cơ bản để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất kinh doanh”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận chỉ ra.

Thậm chí Uỷ ban Pháp luật còn chỉ trích Ngân hàng Nhà nước rằng, đặt vấn đề sửa đổi điều này chỉ nhằm chú ý đến lợi ích của các tổ chức tín dụng và bên cho vay mà chưa chú ý đến lợi ích của bên vay, vì thế việc sửa đổi không phải vì lợi ích chung của toàn xã hội như mục tiêu của Bộ luật Dân sự đặt ra.

Với dẫn chứng là 50.000 tỷ đồng dư nợ của các tổ chức tín dụng đang vi phạm điều 476 quy định về trần lãi suất, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn đồng ý sửa đổi điều này. Nhưng ông Ngoạn cho rằng không nên theo cách đề nghị của Chính phủ là nâng biên độ (từ 150% lên 200%) mà nên thiết kế lại, trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự chỉ nên áp dụng làm cơ sở để cơ quan pháp luật đưa ra phán quyết khi có tranh chấp hoặc các hành vi cho vay nặng lãi (hụi, họ, miêu, phường...) mà không nên áp dụng với các tổ chức tín dụng. “Lãi suất của các tổ chức tín dụng là lãi suất chính thức của nền kinh tế nên thường đựoc Ngân hàng TW quản lý rất chặt bằng nhiều công cụ, thậm chí là biện pháp hành chính nên sẽ không có sự cho vay nặng lãi”, ông Ngoạn nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phản đối quyết liệt: “Nếu chúng ta chấp nhận 200% là chấp nhận bóc lột thặng dư rất nguy hiểm cho nền kinh tế”. Theo ông Hiển, vấn đề khiến cho các tổ chức tín dụng vượt rào không phải ở điều 476 mà là “Ngân hàng TW chưa làm hết trách nhiệm, chưa kịp thời điều chỉnh lãi suất cơ bản theo quy định của Luật Ngân hàng”.

Như vậy, sau 2 phiên thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu điều hành phiên họp sáng nay, đề nghị Ban soạn thảo phải thiết kế lại dự thảo sửa đổi theo hướng đưa ra nhiều phương án để trình Quốc hội quyết định.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.