Tiền gửi trong ngân hàng ‘không cánh mà bay’: Ngân hàng ‘vô tội’?

25/08/2016 12:23 GMT+7

Gần đây, liên tục xảy ra các vụ tiền gửi ở ngân hàng bỗng dưng biến mất khiến chủ tài khoản điêu đứng.

Gần đây nhất, Công ty H. (H.Củ Chi, TP.HCM), mở tài khoản tại Ngân hàng V. Tháng 7.2016, bà X. (Giám đốc Công ty H.) đến rút tiền thì ngân hàng cho biết nhiều tỉ đồng đã được rút trong khi bà không hề mua séc. Lúc này, bà mới phát hiện một nhân viên của Ngân hàng V. là người mua séc và người rút séc là chồng bà H. và một người khác.

tin liên quan

Tiền ở ngân hàng lại 'bốc hơi' hàng loạt
Tiền gửi ở ngân hàng “không cánh mà bay” khiến chủ tài khoản phát hoảng. Đặc biệt, thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến người gửi tiền.
Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng này, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo khoản 22, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Còn theo khoản 2 Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước VN thì trách nhiệm của ngân hàng là “kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký….”.
“Nếu đúng là có sự việc ký séc, chi séc diễn ra liên tục, trong khi bà X., Giám đốc Công ty H. chưa hề mua séc lần nào và chữ ký trên séc cũng không phải do bà ký ra thì trách nhiệm thuộc về ngân hàng”, LS Chánh nêu quan điểm.
Cũng theo LS này, việc bà X. đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch Mobile banking vào số điện thoại cá nhân của bà và ngân hàng cũng thu phí dịch vụ này nhưng không hề thông báo khi có giao dịch, thì lỗi thuộc về ngân hàng. LS này dẫn khoản 4 Điều 12 của Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi. Theo đó, trách nhiệm của ngân hàng là thông tin kịp thời về những giao dịch thanh toán và số dư tài khoản cho khách hàng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Vì vậy, theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi thì ngân hàng chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình. Trong trường hợp này, Công ty H., với tư cách chủ tài khoản, có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu Tòa án buộc ngân hàng bồi thường thiệt hại cho mình. Còn vụ việc hình sự của những người khác sẽ do Cơ quan điều tra tiến hành giải quyết theo luật định.
LS Nguyễn Văn Quynh (thuộc Đoàn LS Hà Nội) cũng khẳng định, trong vụ việc này trách nhiệm là của ngân hàng, và có dấu hiệu hình sự nên cơ quan công an cần phải xác minh điều tra làm rõ dòng tiền này được rút như thế nào.
“Ngoài ra, ngân hàng thoái thác trách nhiệm đổ lỗi cho người lao động nghỉ việc, không làm rõ trách nhiệm của mình thì ngân hàng đã tự làm mất niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng. Tại sao gần một năm vẫn không cùng nhau giải quyết cũng như đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết, xác minh sự việc để làm rõ, đảm bảo cho người gửi tiền? Trách nhiệm này vẫn thuộc về Ngân hàng V. khi quyền lợi người gửi tiền đã không được bảo đảm”, LS Quynh phân tích.
Còn LS Nguyễn Việt Khoa (Giảng viên Khoa Luật ĐH Luật TP.HCM), trong trường hợp này, Ngân hàng V. phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền mà Công ty H. đã mở tài khoản tại ngân hàng; ngân hàng không thể thoái thác trách nhiệm. Đây là quan hệ giữa ngân hàng và công ty. Việc một nhân viên của Ngân hàng V. thực hiện công việc cho ngân hàng (ngay cả, nếu có lỗi của nhân viên này mà thất thoát số tiền của Công ty H.) thì bên chịu trách nhiệm cũng phải là ngân hàng. LS Khoa dẫn quy định tại điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Cụ thể, ngân hàng phải bồi thường trước cho khách hàng, sau đó ngân hàng có thể yêu cầu nhân viên bồi thường lại hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xem xét các cá nhân cấu kết gây thiệt hại cho ngân hàng (nếu có).
Theo LS Khoa, đây có thể xem là lỗ hổng ở khâu kiểm soát nhân viên trong hoạt động của ngân hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.