Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc

03/03/2015 13:28 GMT+7

(TNO) Ít ai biết ngay sau khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, những người lính Biên phòng Hà Giang vừa phải cầm súng giữ đất biên cương, vừa đập tan các cụm phỉ do Trung Quốc nuôi dưỡng, huấn luyện nhằm gây căng thẳng, phức tạp tình hình vùng biên.

(TNO) Ít ai biết ngay sau khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, những người lính Biên phòng Hà Giang vừa phải cầm súng giữ đất biên cương, vừa đập tan các cụm phỉ do Trung Quốc nuôi dưỡng, huấn luyện nhằm gây căng thẳng, phức tạp tình hình vùng biên. 

Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc'Cuộc sống của người dân Mỏ Phàng đã ấm no, đủ đầy
Một trong những điểm nóng về nạn phỉ những năm 1980-1988 ấy là địa bàn hiểm trở Mỏ Phàng (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang).
Náo loạn vùng biên
Ông Thào Chá Sính, năm nay 70 tuổi nhưng vẫn còn tinh nhanh và rành mạch những câu chuyện xưa của địa đầu Mỏ Phàng kể: cuối tháng 3.1979, sau khi rút quân xâm lược khỏi Việt Nam, phía Trung Quốc tiếp tục tập hợp những phần tử phản động, phỉ cũ để nuôi dưỡng, huấn luyện và buộc chúng xâm nhập, chiếm đất, lập căn cứ hoạt động phá hoại, tiến tới lập chính quyền ngụy tạo ở vùng cao biên giới nước ta.
Nặn ra các tổ chức này, phía Trung Quốc tuyên truyền, kích động, lừa bịp: “Giúp Việt Nam làm lại cách mạng ở vùng biên giới” và đặt tên cho các nhóm thổ phỉ này là: “Các đội du kích Hoàng Văn Hoan”.
Trong 9 cụm phỉ đóng dọc biên giới Việt - Trung, đáng chú ý nhất là cụm phỉ Lý Nhè Lùng ở khu vực xóm Mỏ Phàng.
Lý Nhè Lùng nguyên là trùm phỉ năm 1959 đã bị ta bắt đi tập trung cải tạo. Được tha về, hắn chạy sang Trung Quốc, tiếp tục gây phỉ hoạt động và lợi dụng tình hình Đồn Săm Pun chuyển địa điểm đóng quân vào phía sau, số đông nhân dân sơ tán vào nội địa, Lý Nhè Lùng nhận lệnh từ phía Trung Quốc, tổ chức cho gần 70 đàn em (do tên Lý Sé Mua cầm đầu) vượt biên xâm nhập Mỏ Phàng.
Đặt chân vào địa phận ta, việc đầu tiên là chúng dùng tiền, gạo, nhu yếu phẩm do phía Trung Quốc chu cấp để mua chuộc, lôi kéo nhân dân, cán bộ xã bản, dân quân theo chúng làm phản và thời gian ngắn đã biến Trưởng bản và dân quân xã Mỏ Phàng thành cơ sở của chúng.
Bên cạnh đó, nhóm phỉ Lý Nhè Lùng tăng cường vũ trang phong tỏa Mỏ Phàng, ngăn cản Bộ đội biên phòng (BĐBP), cán bộ các ngành đến bản biên giới Mỏ Phàng công tác. Ngoài ra, chúng còn nuôi giấu, chỉ điểm cho thám báo Trung Quốc xâm nhập tập kích vào các Tổ công tác Biên phòng, các chốt của bộ đội, gài mìn phục kích BĐBP làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ các xóm bản...
Đặc biệt, kết hợp với các cụm loa có công suất lớn cắm dọc biên giới Việt - Trung liên tục phát tiếng H'Mông, tiếng Kinh, ra rả ngày đêm tiến hành chiến tranh tâm lý; bọn phỉ Lý Nhè Lùng cũng trực tiếp tuyên truyền các luận điệu tâm lý chiến theo sự chỉ huy, chỉ đạo từ Trung Quốc.
“Năm 1980, bọn phỉ Lý Nhè lùng gài mìn phục kích làm cháy một xe chở khách từ Đồng Văn đi Mèo Vạc trên đỉnh Mã Pí Lèng, gây thương vong lớn cho người dân. Năm 1981, chúng lại gài mìn 1 xe quân sự làm 4 bộ đội hy sinh”, ông Thào Chá Sính rành mạch mốc thời gian và lắc đầu: "Bọn phỉ còn lên kế hoạch đặt mìn phá cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ".
BĐBP Đồn Săm Pun phục kích bắt gọn 2 tên phỉ, khi chúng đang đặt mìn vào mố cầu. Đặc biệt, năm 1985, khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên chuẩn bị khai mạc, phía Trung Quốc đã chỉ đạo bọn phỉ đặt mìn trên đường đèo Mèo Vạc - Đồng Văn hòng phục kích xe, giết hại đại biểu, nhưng BĐBP và Công an huyện Mèo Vạc đã phát hiện âm mưu, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đại biểu về dự Đại hội.
Ly gián để diệt phỉ
Nhiệm vụ tiêu diệt nhóm phỉ, ổn định tình hình Mỏ Phàng được đặt ra cấp bách trong các cuộc họp của tỉnh, huyện. Tuy nhiên, trên thực tế lại không hề đơn giản: tháng 10.1985, bộ đội đặc công của Quân khu 2 đã thâm nhập Mỏ Phàng, nhưng do vào rất hiểm trở, trong tầm quan sát, khống chế của bọn phỉ, nên bộ đội ta bị phát hiện và phỉ cho nổ mìn khiến đội hình thương vong, phải rút ra ngoài. Tháng 11.1985, trinh sát BĐBP Hà Tuyên cùng lực lượng của Cục Trinh sát Bộ Tư lệnh BĐBP thâm nhập nắm tình hình mỏ Phàng, nhưng cũng bị gài mìn phục kích khiến 3 cán bộ hy sinh.
Với vai trò là đơn vị quản lý địa bàn, Đồn Biên phòng Săm Pun xây dựng quyết tâm tiễu trừ thổ phỉ nguy hiểm ở Mỏ Phàng với các phương án hết sức chu đáo. Ngày 5.12.1985, tổ công tác biên phòng của đồn gồm 3 người thâm nhập vào xóm Mỏ Phàng và buổi tối nghỉ lại ở một nhà dân bỏ hoang. Đêm khuya, cả tổ đã bí mật chuyển chỗ và gài mìn ở lối vào nhà. Toán phỉ mò tới định đánh úp bị vướng mìn khiến 2 tên bỏ mạng, nhiều tên khác bị thương nặng.
Hoàn thành công tác trinh sát, ngay cuối tháng 12.1985, Đồn trưởng Đồn biên phòng Săm Pun Hoàng Xuân Hồng (sau là Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang) thực hiện kế hoạch phân hóa, điều tên chỉ huy Lý Sé Mua rời khỏi hang ổ tới chỗ hẹn gặp đại biểu ta với thỏa thuận: “Mỗi bên chỉ có 3 người, không mang theo vũ khí” và thực hiện các phương án phòng ngừa. Với bản chất ngoan cố và có sự chỉ đạo của Trung Quốc, trùm phỉ Lý Sé Mua cho 10 tên mang theo vũ khí, luồn theo lối mòn đến điểm hẹn hòng bắt cóc đại biểu ta. Tuy nhiên, tốp này bị vướng mìn khiến 2 tên chết tại chỗ, 4 tên bị thương.
Nghe tiếng nổ, Lý Sé Mua hốt hoảng quay trở lại sào huyệt và bị phía Trung Quốc bắt giữ, sau này tự vẫn ngay trong nhà giam của nơi chu cấp, chỉ huy.
Sau khi Lý Sé Mua tự vẫn, thấy bọn phỉ Lý Nhè Lùng kém tác dụng, hoạt động cầm chừng, phía Trung Quốc không cung cấp lương thực, thuốc men khiến nhiều tên phải đi ăn trộm, cướp bóc. Nắm được điều này, Đồn Biên phòng Săm Pun tập trung đẩy mạnh giáo dục, cảm hóa bọn phỉ, kêu gọi chúng ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng. Thực tế, một số tên phỉ đã rủ nhau sang phía Trung Quốc tháo gỡ cụm loa tâm lý chiến đem về nộp cho đồn; một số tên được Trung Quốc giao cho thuốc độc, đem bỏ vào nguồn nước để đầu độc cán bộ chiến sĩ những đã mang nộp cho Đồn Biên phòng...
Tính đến tháng 3.1988, đã có 27 tên phỉ ra đầu thú. Trùm phỉ Lý Nhè Nùng hoảng sợ, dẫn theo một số tên tay sai chạy sang lại Trung Quốc. Tình hình Mỏ Phàng từ đây hoàn toàn ổn định, được củng cố và xây dựng vững mạnh.
Thầm lặng
Tổ công tác Mỏ Phàng thuộc Đồn Biên phòng Săm Pun nằm ngay giữa xóm, với đơn sơ mái nhà cấp 4 giữa bời bời hoa đào hồng, mận trắng tinh khôi. Thượng úy Mua Mí Cáy, Đội trưởng vận động quần chúng của đồn đưa tôi vượt qua 8 km đường biên len lỏi qua dày đặc sương mù, căm căm rét và kéo ngay xuống bếp, hơ tay trên đống lửa góc bếp, lập cập cười: “Hôm nay còn đỡ, bình thường trên này toàn đóng băng và mỗi năm mấy trận mưa đá” và khoe: “Bây giờ còn đỡ vì có đường, ngày xưa toàn đi bộ vượt núi”.
Ngồi nói chuyện, tôi không thể tưởng tượng nổi, tổ công tác chỉ vài con người, nhưng quản lý tới 20 km đường biên và 31 mốc giới nằm ở 6 xóm của xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang).
Trung úy Lò A Nhẹo (quê ở xã Tát Ngạt, Mèo Vạc) mặt hiền khô như con gái vừa tẩn mẩn buộc quai ba lô vừa kể: “Xa nhất là xóm Khai Hoang 2 giáp huyện Đồng Văn, cách Trạm hơn 50 km đường chim bay và mỗi chuyến “đi bản” khắp địa bàn, anh em khoác ba lô hành quân cả tuần lễ, tối ngủ nhờ nhà đồng bào hoặc lán trại dọc đường”, rồi cười: “6 năm ở với địa bàn, dẫu rất vất vả nhưng thành quen thân với đồng bào. Đất của mình, dân của mình thì phải gắng giữ thôi”...
Tôi nhìn trong ánh mắt của Cáy, Nhẹo và những anh em của tổ công tác được xem là vất vả, xa xôi nhất trong toàn lực lượng BĐBP Hà Giang, thấy sáng lên những đốm lửa cương nghị, trong buổi chiều biên giới ùn ùn mây mù tràn sang từ phía bên kia. Lại nhớ đến câu bộc bạch của người già nhất thôn Thào Chá Sính: “Đất Mỏ Phàng giữ được tới nay, cũng phải trả bằng máu của BĐBP. Chuyện ở Mỏ Phàng, còn hơn chuyện cổ tich!”.
Ừ! Ở nơi biên cương núi cao này, có huyền thoại nào hơn chuyện giữ đất, giúp dân của những người lính biên phòng...
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 2Thượng úy Mua Mí Cáy, Đội trưởng Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Săm Pun) kiểm tra hành chính người dân ở địa bàn khác đến khu vực vùng biên Mỏ Phàng
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 3Người dân Mỏ Phàng vui chơi ngày tết
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 4Mốc 456 do Tổ công tác Biên phòng Mỏ Phàng quản lý, bảo vệ
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 5Chợ vùng biên Săm Pun nằm ở thôn Mỏ Phàng
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 6Trung tâm thôn Mỏ Phàng
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 7Cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế. Năm 1982, cụm phỉ Lý Nhè Lùng đặt mìn định đánh sập nhưng bị BĐBP Đồn Săm Pun phát hiện, ngăn chặn kịp thời
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 8Đèo Mã Pí Lèng, nơi cụm phỉ Lý Nhè Lùng chọn để gài mìn phục kích các xe khách, xe quân sự, xe chở cán bộ đi công tác làm nhiều người dân chết và cán bộ, bộ đội hy sinh, từ 1981-1985
Cổ tích ở Mõ Phàng thành 'Tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc' 9Địa hình đèo dốc hiểm trở ở khu vực Xín Cái, Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang) là nơi các đối tượng phỉ lợi dụng làm địa bàn hoạt động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.