Tiểu thương bị 'răn đe' nếu chuyển khỏi chợ Kế Xuyên cũ ở Quảng Nam

05/12/2016 18:45 GMT+7

Ông Phan Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình (Quảng Nam), cho biết một số người ở gần chợ cũ đã 'răn đe' những tiểu thương nếu họ chuyển xuống chợ mới.

Ngày mai (6.12) là thời hạn chấm dứt hoạt động của chợ cũ Kế Xuyên ở Quảng Nam, nhưng chiều 5.12 chính quyền địa phương đã phải mở cuộc họp báo thông tin về chủ trương di dời do có nhiều vấn đề 'nóng'…
Tại buổi họp báo, UBND H.Thăng Bình khẳng định chủ trương di dời tiểu thương từ chợ Kế Xuyên cũ tại xã Bình Trung đến khu chợ mới cách đó 500 m là phù hợp. Tuy nhiên, quá trình di dời chợ đang diễn biến ngày càng “nóng”.

tin liên quan

Tiểu thương phản đối di dời chợ
Tổ công tác của chính quyền địa phương tiếp tục đến từng nhà vận động các hộ tiểu thương chấm dứt buôn bán tại chợ cũ để chuyển sang chợ mới.
Cụ thể, theo phản ánh từ UBND H.Thăng Bình, trong quá trình triển khai các văn bản về chủ trương di dời chợ và chấm dứt hoạt động kinh doanh tại chợ Kế Xuyên cũ, vẫn còn một số tiểu thương chưa đồng tình và gửi đơn kiến nghị, tố cáo đến các cấp ở trung ương, tỉnh, huyện.
Tại cuộc họp báo chiều nay (5.12), ông Phan Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình, cho biết một số người ở gần chợ cũ đã “răn đe” những tiểu thương nếu họ chuyển xuống chợ mới.
Theo ông Hòa, đã có 60% tiểu thương đến chợ mới, nhưng sau đó đã bị các tiểu thương khác “lôi kéo” trở lại chợ cũ, khiến cho công tác tuyên truyền vận động hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Khu vực chợ cũ Kế Xuyên MẠNH CƯỜNG
Theo ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, trong 116 lô ở chợ mới đã có tiểu thương hợp đồng đến buôn bán. Tính đến ngày 4.12, có 52 hộ tiểu thương (trong tổng số 125 hộ đang kinh doanh trong khuôn viên chợ Kế Xuyên cũ) đã đến nhận tiền hỗ trợ theo phương án đã được duyệt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7 hộ tiểu thương có nhà xung quanh chợ cũ không muốn di dời.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các tiểu thương về buôn bán ở khu chợ Kế Xuyên mới. Nếu không được, bước cuối cùng thì phải dùng biện pháp mạnh là cưỡng chế, để tiểu thương vào chợ mới hoạt động trước Tết nguyên đán”, ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND H.Thăng Bình nói.
Tại buổi họp báo chiều 5.12, UBND H.Thăng Bình đã nêu rõ thực trạng của chợ cũ, xây dựng từ trước 1975: nhà lồng chợ đã xuống cấp trầm trọng, khu vực buôn bán chật hẹp, hệ thống cống rãnh thoát nước quanh chợ không có, gây ô nhiễm môi trường nặng, khu vực vệ sinh công cộng không đảm bảo, hệ thống phòng cháy chữa cháy không có, các tuyến đường vào chợ chật hẹp…
Chợ cũ cũng nằm gần sát Quốc lộ 1A, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và không đảm bảo cho việc hội họp buôn bán. Chưa kể, chợ Kế Xuyên cũ (diện tích 700m2) cũng không còn nằm trong quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2025. Phần diện tích đất tại chợ cũ đã được quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.