Tìm cách giữ chân người lao động

06/02/2017 13:00 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã biết cách giữ chân người lao động sau dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 3.2 (tức mùng 7 Tết Nguyên đán), Công ty Pouchen VN (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) đã đi vào hoạt động trở lại sau những ngày nghỉ Tết Đinh Dậu.
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen VN cho biết: “Trong ngày đầu, có khoảng 93% trong tổng số 21.000 công nhân của công ty có mặt tại xưởng. Tất cả các xưởng, dây chuyền của công ty đều hoạt động bình thường, người lao động bắt nhịp ngay với công việc. Số ít công nhân còn lại do ở quê xa nên xin nghỉ phép trước, đến ngày 6.2 sẽ có mặt đầy đủ”.
Cũng theo ông Quang, nếu một số công nhân không trở lại làm việc đúng thời hạn, công ty ít nhiều bị ảnh hưởng nên cũng phải tuyển dụng thêm lao động.

Chúng tôi phải thay đổi chính sách tuyển dụng, tiền lương, thưởng… theo hướng cạnh tranh cao thì mới đủ sức thu hút người lao động, từ đó đảm bảo được sự ổn định nguồn nhân lực phục vụ sản xuất

Trưởng phòng tổ chức một DN đóng tại TP.Biên Hòa


Còn tại Công ty PouSung VN (H.Trảng Bom, Đồng Nai), hơn 92% trên tổng số 25.500 lao động có mặt tại công ty trong ngày đầu làm việc (3.2). Trong số gần 2.600 người chưa trở lại làm việc (có khoảng 1.100 người đang nghỉ thai sản), số còn lại đều có đơn xin nghỉ đến ngày 6.2, tất cả sẽ đến công ty làm bình thường.
DN biết giữ chân người lao động
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán luôn ở mức cao (đạt trên 98%), giúp DN ổn định sản xuất vào những ngày đầu năm. Điều này có được là do các DN áp dụng chính sách tăng lương hàng năm cho công nhân, người làm lâu năm thì lương cơ bản càng cao nên công nhân gắn bó với công ty, hạn chế tình trạng “nhảy việc”.
Một số cán bộ tuyển dụng có kinh nghiệm của nhiều DN cho hay, cứ vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán không ít lao động ngoài tỉnh đều có xu hướng trở về quê, do ở nhiều địa phương nay cũng đã có khu công nghiệp, trong khi chi phí sinh hoạt ở quê nhà lại thấp hơn. Đó là chưa kể nhiều DN ở TP.HCM, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút lao động ở Đồng Nai.
“Do đó, chúng tôi phải thay đổi chính sách tuyển dụng, tiền lương, thưởng… theo hướng cạnh tranh cao thì mới đủ sức thu hút người lao động, từ đó đảm bảo được sự ổn định nguồn nhân lực phục vụ sản xuất”, trưởng phòng tổ chức một DN đóng tại TP.Biên Hòa cho hay.
Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, cho biết thêm: “Phần lớn DN hiện nay trả lương công nhân cao hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định, đồng thời có nhiều chế độ phụ cấp hơn. Người lao động đã ý thức được việc lựa chọn công việc không chỉ là tiền lương bao nhiêu mỗi tháng, mà còn là môi trường làm việc và sức khỏe đảm bảo ra sao, nên DN nào không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của người lao động sẽ tự “làm khó” mình”.
Còn ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho rằng tình hình các DN tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động ở mức cao từ cuối năm ngoái sang tới thời điểm hiện tại là một tín hiệu khả quan của nền kinh tế.
“Số người đi tìm việc mới ít đi, không có nhiều lao động “nhảy việc” từ nơi này sang nơi khác cũng cho thấy tình hình việc làm của người lao động đã và đang ổn định. Mặt khác tình trạng này cũng phản ánh DN đã có chính sách giữ chân người lao động tốt hơn. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để cải thiện thu nhập và đời sống của người lao động”, ông Cộng cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.