Tình người ở Việt Nam khiến tôi trở về !

Thục Minh
Thục Minh
06/02/2020 08:00 GMT+7

Du học và lập gia đình tại Thụy Sĩ từ thập niên 1960, nhưng khi Việt Nam mở cửa, bà đã trở về làm việc và bị cái tình người ở đó níu chân giữa hai nửa bán cầu.

Năm 1966, ở tuổi 22, tiểu thư Huỳnh Thị Hồng Đào “bị” cha mẹ gửi đi Thụy Sĩ du học. Là con nhà “trâm anh thế phiệt” và đang học kinh tế tại Đại học Đà Lạt, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, Hồng Đào đã vận động bạn bè tổ chức biểu tình, và bị bắt. “Họ không giam tôi mà chỉ tạm giữ và gọi điện báo cho gia đình. Mẹ tôi phải đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt lãnh về”, bà Hồng Đào, nay đã cận kề tuổi bát thập, kể lại với người viết tại Genève, Thụy Sĩ.
Tiểu thư Hồng Đào khi ấy được chính quyền đối xử như vậy là vì cha kế của bà là ông Lương Trọng Tường, từng giữ chức Tổng trưởng Kinh tế trong nội các của Ngô Đình Diệm.
“Tôi không bị chính quyền giam ở Đà Lạt, nhưng cũng bị cấm cung tại nhà, để khỏi ra ngoài phá phách”, bà nhớ lại với một giọng kể hóm hỉnh. Rồi chính quyền nhà Ngô bị lật đổ, tình hình miền Nam Việt Nam rối ren, trường học đóng cửa, cha mẹ quyết định cho Hồng Đào đi du học “để nó đỡ phá”!
Sang Thụy Sĩ, Hồng Đào tiếp tục học kinh tế, chuyên ngành ngân hàng, có thời gian học thêm ở Anh và Mỹ. Rồi bà lập gia đình, sinh con, và làm chuyên viên phân tích tài chính cho chi nhánh tại Genève của các ngân hàng Royal Bank (Canada), Close Brothers (Anh) và BNP (Pháp). Chồng bà là một luật sư có tiếng, một nghị sĩ của tiểu bang Genève.

Quay về

Khi Việt Nam thực thi chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế vào cuối thập niên 1980, bà Đào đã được người thầy cũ ở Đại học Đà Lạt là Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh liên lạc, mời gọi tham gia đóng góp cho quê hương, cải cách ngành ngân hàng.
Hưởng ứng lời mời gọi của người thầy khả kính, bà Đào nghỉ việc ở Thụy Sĩ, tạm xa chồng con để về Việt Nam làm việc cho Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. “Thầy Oánh là người tôi quý mến. Nhưng tôi nghĩ ở đâu cũng là quê hương. Nếu quê hương cần mà mình có thể đóng góp được thì mình về thôi”, bà Đào nói.
Bà Đào đã làm việc cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khoảng 2 năm, nhưng “không đóng góp được gì nhiều” nên xin nghỉ. Bà giải thích lý do: “Tôi là người chuyên phân tích tài chính để tư vấn cho các nhà đầu tư nên bỏ tiền vào đâu. Nhưng vào thời điểm đó, các ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam không có nhiều dữ liệu để phân tích. Các công cụ tài chính tôi cần cho công việc cũng không có, nên tôi có làm được gì đâu!”.
Công việc là như vậy. Nhưng đổi lại, cuộc sống của bà những năm tháng ở Hà Nội ấy chất chứa bao nhiêu tình cảm mến thương. “Hồi đó tôi có một cô giúp việc nhà. Cô ấy là giáo viên nhưng lương ít lắm, nên đến giúp tôi ít việc lặt vặt để kiếm thêm. Một lần tôi về Thụy Sĩ, cô ấy đến lau dọn nhà và thấy đồ nữ trang, hột xoàn tôi cởi để trên bàn. Cô ta rất lo lắng và sợ mất dù chẳng biết là đồ thật hay giả. Cô ta đã may một cái dây vải, luồn mấy món nữ trang vào trong và đeo quanh bụng. Đến khi tôi quay lại, cô ấy mới cởi cái dây ra, lần lấy từng món đưa lại cho tôi. Cái tính thật thà, trách nhiệm và tình cảm đó khiến tôi cảm động vô cùng”, bà kể và nói đó là một trong những điều khiến bà thấy gắn bó với Việt Nam.
Tình người ở Việt Nam khiến tôi trở về !1

Bà Đào thời trẻ

Ảnh: Gia đình cung cấp

Đừng gọi tôi là doanh nhân !

Sau khi nghỉ làm Ngân hàng Nhà nước, bà Đào đã liên kết với Tập đoàn Intershop của Đức mở cửa hàng thời trang và xa xỉ phẩm đầu tiên tại Hà Nội. Áo quần, giày dép, đồng hồ, nữ trang cao cấp, rượu ngoại… là những thứ bà chọn mua ở Thụy Sĩ và đưa về bày bán ở cửa hàng có cái tên tiếng Anh dài ngoằng “Wilhelm Tell of Switzerland” ở phố Tràng Tiền. Bà lấy tên Wilhelm Tell như một cách ghi nhớ công lao của vị anh hùng huyền thoại có công thống nhất các vùng lãnh thổ phân tranh tạo nên Liên bang Thụy Sĩ hồi thế kỷ 13.
Bà cũng thừa nhận là nhờ có các mối quan hệ ở Hà Nội mà việc kinh doanh của cửa hàng rất thuận lợi. Thậm chí, “hồi đó quy định là hàng quán phải mang tên tiếng Việt hết, nhưng tôi chọn tiếng Anh cho cửa hàng của mình và cũng được chấp nhận”.
Cửa hàng hoạt động được 4 năm, từ 1997 - 2001, thì bà có việc phải về Thụy Sĩ, nên nhượng lại cho Intershop. Nhưng bà lại tiếp tục nhập các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và bày bán ở gần nhà ga trung tâm Genève.
Được vài năm, bà lại trở về Việt Nam mua đất ở Phan Thiết dự tính xây nhà ở, nhưng chính quyền yêu cầu nơi đó phải xây khách sạn để phát triển du lịch. Nhận thấy tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn, bà quyết định đầu tư, mua thêm đất xung quanh. Sau nhiều năm xây dựng, mảnh đất hơn 10.000 m2 khô cằn mọc toàn cây xương rồng ở phường Phú Hài trở thành một khu nghỉ dưỡng 4 sao với hơn 30 căn villa sang trọng và biệt lập mang tên Takalau, trong ngôn ngữ Chămpa là một loài hoa tím ưa nở giữa mùa hè.
Không chỉ dành cho du khách, Takalau cũng là nơi bà Đào và người mẹ già sinh sống nhiều năm. Khách lưu trú nơi đây vì thế nhận được sự phục vụ chu đáo và nụ cười thường trực không chỉ của nhân viên mà cả của bà chủ resort. Trên chuyên trang tư vấn du lịch và đặt phòng khách sạn TripAdvisor, nhiều du khách đã để lại những lời ngợi khen bà chủ Takalau niềm nở và nhiệt tình.
Sau khi mẹ qua đời, năm 2017, bà Đào đã bán Takalau và chuyển về sống tại Sài Gòn trong hành trình qua lại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Hỏi về chuyện kinh doanh, bà xua tay cười ngượng: “Nói kinh doanh có nghĩa là phải làm ra tiền, đẻ ra lợi nhuận. Xét trên phương diện đó, tôi không thành công đâu. Vậy nên, đừng gọi tôi là doanh nhân”.
Tình người ở Việt Nam khiến tôi trở về !

Gia đình bà Đào

Ảnh: Gia đình cung cấp

Cái tình nó quý hơn tiền

Bà Đào tâm sự rằng bao nhiêu tiền dành dụm từ thời đi làm cho các ngân hàng ở Thụy Sĩ được đổ vào Takalau không đem lại kết quả về tiền bạc.
“Bởi nếu để kinh doanh tạo lợi nhuận, không có ai quản lý như tôi cả. Có thể là tôi dở, tôi có kiến thức và kinh nghiệm làm ngân hàng, nhưng không có kinh nghiệm làm kinh doanh. Nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm. Điều tôi làm được là tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định trong nhiều năm cho khoảng 50 - 60 con người ở một miền quê nghèo của Việt Nam. Tôi coi họ như con em của mình. Nên tôi nghĩ cứ coi như tiền làm được ở Thụy Sĩ, mình mang về chia sớt cho người dân quê mình vậy thôi”.
Bà cũng tin rằng giàu có về tiền bạc không so được với sự giàu có bằng những trải nghiệm mà bà có được khi làm việc với những con người thật thà, chân chất và có cảm giác giúp được, che chở được họ phần nào vậy.
Giờ đây con cái đã yên bề gia thất, vợ chồng cũng quá ngưỡng thất thập cổ lai hy, bà Đào chọn về Việt Nam sinh sống và chỉ về Thụy Sĩ để chăm sóc sức khỏe hay sum vầy với con cháu trong những dịp lễ của phương Tây.
“Bạn bè tôi, những người ngày xưa cũng sang đây du học như tôi, giờ trở về Việt Nam sống gần hết. Chỉ còn một vài người vẫn ở đây. Cho nên ở Việt Nam bây giờ tôi có nhiều bạn bè hơn, sống vui hơn. Ở đây (Thụy Sĩ - TN), người ta cư xử rất đúng mực và có phần lạnh lùng”, bà chiêm nghiệm.
Không chỉ bà gắn bó với quê hương, mà chồng bà - một người Thụy Sĩ chính hiệu - cũng rất yêu thích và đến Việt Nam mỗi năm 3 - 4 lần. Còn các con bà dù sinh trưởng ở Thụy Sĩ, nhưng vẫn mang cả quốc tịch Việt Nam. “Con trai tôi cưới vợ người Đức, nhưng tiệc cưới tổ chức ở Việt Nam và hoàn toàn theo phong tục quê mẹ, cũng áo dài khăn đóng, bái lễ ông bà chớ không làm phép ở nhà thờ. Còn thằng con của đứa con gái út tôi mới 3 tuổi mà cứ hỏi “Mẹ con người gì?” là nó chỉ tay vô chỗ Việt Nam trên bản đồ thế giới và nói “Má mi Má mi”, bà kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.