Trách nhiệm

13/02/2012 03:21 GMT+7

Hàng loạt các vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và quan trọng nhất là làm sụt giảm niềm tin của người dân nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào, không được nhắc đến.

Nóng bỏng nhất là vụ pha chế xăng dầu bẩn đã được Báo Thanh Niên điều tra thời điểm trước tết. Liên quan đến vụ này, 2 tài xế xe bồn đã tạm thời bị đình chỉ công việc, trách nhiệm của Petrolimex, công ty đầu mối cũng được mổ xẻ rất kỹ. Nhưng trách nhiệm của Bộ Công thương, bộ quản lý trực tiếp ngành xăng dầu, gần như không được nhắc tới.

Cũng thật lạ khi là cơ quan giám sát và quản lý giá hoạt động kinh doanh gas nhưng gas tăng giá vô tội vạ, liên tục tăng giá không đăng ký theo quy định, trích hoa hồng đại lý cao khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi... nhưng trách nhiệm của Bộ Công thương không hiểu vô tình hay cố ý, cũng được bỏ qua. Khi vụ việc bị khui ra, chỉ thấy nói đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, đại lý gas.

Nóng hổi và đang diễn ra là vụ miễn nhiệm chức vụ của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng với hàng loạt các sai phạm, gây lỗ hàng ngàn tỉ đồng vốn nhà nước. Vụ việc đang được tiếp tục làm việc nhưng trách nhiệm của bộ chủ quản như thế nào khi để tình trạng đầu tư tay trái, sử dụng vốn nhà nước sai mục đích... cũng chưa thấy ai đả động đến.

Rồi hàng loạt các vấn đề tác động trực tiếp tới mâm cơm của mỗi gia đình như giá sữa, giá lương thực, thực phẩm... tăng bất thường. Hiện tượng "tát nước theo mưa”, những cơn sốt giá, thổi giá, tăng giá vô tội vạ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và tác động lên lạm phát nhưng không ai truy cứu trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Chức năng, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành đều được quy định rất rõ ràng. Thật lạ lùng khi phần trách nhiệm luôn bị "quên" truy cứu mỗi khi có việc xảy ra. Đây chính là nguyên nhân, nhiều việc cứ tái đi, tái lại, việc này chưa giải quyết xong đã nơm nớp lo vụ khác tới. Niềm tin của người dân bị xói mòn khi việc xử lý chỉ dừng lại ở phần ngọn, phần gốc vẫn "phơi phới" xanh tươi. Nếu cơ quan quản lý không phải chịu trách nhiệm về việc của chính những "đứa con" mình, sẽ còn bao nhiêu vụ xăng dầu bẩn? Giá gas còn tung hoành đến bao giờ? Ai sẽ giám sát, quản lý hệ thống phân phối, giá cả các mặt hàng thiết yếu? Ai sẽ bảo vệ nồi cơm của mỗi gia đình, chung tay đẩy lùi lạm phát?

Chỉ là sự cố mất điện trong lúc tàu điện ngầm đang hoạt động cuối năm 2011 tại Singapore đã buộc bà Saw Phaik Hwa - Giám đốc điều hành Tập đoàn SMRT, đơn vị quản lý tàu điện ngầm - phải từ chức. Thật lạ lùng khi để xảy ra hàng loạt các sai phạm nhưng không thấy vị lãnh đạo nào của các bộ, ngành có liên quan đứng ra nhận trách nhiệm chứ chưa nói đến từ chức. Quy chế từ chức đang được Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng nhưng "văn hóa từ chức" thì không cần đợi bất cứ một quy chế nào. Nó phụ thuộc vào lương tri của mỗi con người.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.