Tưởng niệm người giữ biển - Kỳ 1: Chuyện truyền kiếp Gạc Ma

12/03/2015 19:40 GMT+7

(TNO) Ngày 14.3.1988, máu của 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng đổ xuống tại Gạc Ma, quần đảo Trường Sa trong tâm nguyện của những người gìn giữ biển Tổ quốc thiêng liêng.

(TNO) Ngày 14.3.1988, máu của 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng đổ xuống tại Gạc Ma, quần đảo Trường Sa trong tâm nguyện của những người gìn giữ biển Tổ quốc thiêng liêng.
Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ ngày 14.3.1988 - Ảnh: Mai Thanh Hải chụp tháng 4.2013

Những ngày này khi Trung Quốc mở rộng Gạc Ma, biến bãi đá ngầm cưỡng chiếm của Việt Nam thành một công trình kiên cố, những người lính sống sót trong cuộc hải chiến năm xưa lại bồi hồi đau xót…
Rưng rưng nghĩa tình đồng đội
Đầu tháng 3.2015, chúng tôi trở lại Hòa Xuân, thăm anh Dương Văn Dũng (49 tuổi) ở đường Trần Lựu, Q.Cẩm Lệ TP.Đà Nẵng, ngôi nhà 2 tầng mà anh xây lúc cậu con trai đầu tử nạn giao thông mấy năm trước vẫn vậy, trống huơ trống hoác.
Anh Dũng là cựu binh sống sót và bị giam giữ tại Trung Quốc sau sự kiện Gạc Ma, 14.3.1988, cũng là người duy nhất trở về trong lứa thanh niên ở khu vực Hòa Cường (cũ) TP.Đà Nẵng lên đường nhập ngũ bảo vệ Gạc Ma năm ấy. 27 năm đã trôi qua, nhưng ký ức anh vẫn nặng mang chuyện về liệt sĩ Phan Văn Sự, người bạn nối khố từ nhỏ và cũng là đồng đội tại Trường Sa.
Anh Dương Văn Dũng và tấm hình cột mốc chủ quyền biển đảo nước ta được anh đặt ở góc trang trọng trong nhà - Ảnh: Nguyễn Tú
“Sự tâm sự với tui là có bà chị ở Sài Gòn bấy giờ rủ Sự vào làm ăn với chị chứ đừng đi bộ đội nguy hiểm, tui khuyên Sự, tui nói không được đâu, sống chết có số rồi, mi cứ yên chí đi với ta đi, sống chết chi cũng phải đi”, anh Dũng kể. Thật ra, lúc ấy, anh Sự cũng đã quyết tâm rồi: “Thôi ra bảo vệ đảo đi, mình đã xung phong thì phải giữ danh dự người lính”. Khi anh Sự tử trận tại Gạc Ma, anh Dũng bứt rứt khôn nguôi. “Tới chừ tui vẫn còn nhớ rõ nét mặt vuông của hắn, tính tình hiền lành, anh em nhường nhau từng miếng cơm, thay nhau làm nhiệm vụ…”, anh Dũng nghẹn ngào.
Còn liệt sĩ Trương Quốc Hùng, Phạm Văn Lợi là hàng xóm với anh Dũng ở xóm Hòa Cường cũ, ăn chung mâm, ngủ chung giường và cùng chung nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Bao nhiêu năm rồi nhưng anh Dũng vẫn nhớ như in gương mặt, nụ cười cũng như tính cách từng đồng đội, đồng hương suốt 6 tháng huấn luyện cũng như những ngày đóng quân ở Cam Ranh chờ ra Trường Sa làm nhiệm vụ.
“Hồi mới nhập ngũ huấn luyện ở Hội An, anh em hay buồn, Trần Tài chạy về nhà lấy đờn, hắn đờn ca, hát rất hay, có hắn là anh em xúm lại vui lắm. Còn với Lê Văn Xanh vui tính và lanh trí, trong số bọn tui, không ai tin Xanh tử trận, vì Xanh vốn nhà ngay bến sông Đò Xu (nay là P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) nên bơi lặn rất giỏi. Hồi đó anh em đi làm hồ tôm với nhau, có lúc hắn lặn một hơi xa tới 50 m, ai cũng kinh nể, vậy mà…”.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Ảnh: Trung Hiếu
Sinh năm 1966, anh Dũng nhập ngũ khi đã 22 tuổi, lớn hơn lứa anh em Hòa Cường khi đó 4 tuổi nên được xem là đàn anh. Xóm Hòa Cường xưa có 9 anh em cùng nhập ngũ Trung đoàn Công binh 83 Hải quân (nay là Lữ đoàn), nhưng chỉ có mỗi anh Dương Văn Dũng trở về. “Tui là anh lớn mà không bảo vệ được các em, đến chừ gặp lại gia đình bọn hắn tui đều bứt rứt”, anh Dũng trăn trở. Ngày đó, cả nhóm có chung mẹ nuôi là bà Mười Bánh, ở đội 7, xã Cẩm Châu, TP.Hội An gần đơn vị đóng quân. Năm nay bà ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhớ từng anh em ngày xưa ăn cơm do bà nấu. “Hồi còn huấn luyện ở Hội An, nếu thấy anh em lâu không về thăm, mẹ Mười đều gửi tiền cho tui và giao nhiệm vụ dắt anh em đón xe về với mẹ, đến chừ tui vẫn ám ảnh khi mẹ hỏi, mấy đứa kia đâu răng không về thăm mẹ”, anh Dũng rưng rưng.
Âm mưu độc chiếm lâu dài
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta không cổ xúy chủ nghĩa dân tộc làm mất tình đoàn kết của nhân dân hai nước nhưng cũng phải tỏ rõ sự kiên quyết phản đối việc bành trướng, độc chiếm biển Đông của chính quyền Trung Quốc”.
Bức ảnh chụp thượng tướng Nguyễn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm chiến sĩ tàu HQ 931, là đơn vị có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự kiện ngày 14.3.1988, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh (chụp lại tư liệu tại Bảo tàng Hải quân VN)
Ông phân tích, sau khi chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự ở biển Đông. Đầu 1988, Trung Quốc chiếm Chữ Thập, Châu Viên; tháng 3.1988 thì cưỡng chiếm Gạc Ma. Các nước lớn làm cái gì đều tính toán rất kỹ. Hãy nhìn trên bản đồ, đảo Chữ Thập cách Cam Ranh 255 hải lý, và cách đảo Phú Quý 240 hải lý. Chữ Thập cùng với Gạc Ma, Châu Viên trở thành một tam giác liên hoàn nằm ở giữa quần đảo Trường Sa. Năm 1995, Trung Quốc tiếp tục chiếm Vành Khăn ở gần phía Phlippines. Nếu nối ba điểm Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn sẽ thấy đây là đường thẳng gần như chia cắt làm đôi phía nam biển Đông.
Bức thư của con gái anh hùng, liệt sĩ Trần Đức Thông, Phó chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh
Theo vị tướng: “Hiện họ đang tập trung xây dựng ở các bãi đá ngầm này thành các đảo lớn với mục đích quân sự, kinh tế. Khi Trung Quốc biến Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn thành căn cứ quân sự liên hợp thì đó là sức mạnh. Lúc này những căn cứ trên vừa hỗ trợ, bảo vệ cho nhau, vừa khống chế cả tuyến hàng hải rộng lớn ở phía nam biển Đông, đồng thời khống chế được cả vùng biển phía đông của Việt Nam. Từ Chữ Thập đến Cam Ranh chỉ có 255 hải lý. Chữ Thập đủ diện tích để cho Trung Quốc xây dựng căn cứ lớn. Với tiềm lực kinh tế hiện nay, có thể trong vòng 3-5 năm nữa Trung Quốc sẽ xây dựng ở đây những căn cứ lớn. Khi ở đây đã thành những căn cứ quân sự liên hợp rồi thì không những khống chế Việt Nam mà Trung Quốc còn có thể khống chế Philippines, Malaysia, Indonesia, sang cả Ấn Độ Dương. Đó chính là ý đồ để Trung Quốc tăng cường xây dựng các đảo mà họ chiếm đóng”.
Thả hoa tưởng niệm
Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa TP.Đà Nẵng giai đoạn 1984 - 1988 cho hay ngày 14.3.2015 tại cầu cảng bán đảo Sơn Trà TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma, quần đảo Trường Sa. Thành phần tham gia gồm hơn 20 người đại diện Ban liên lạc, kết hợp những người đã và đang công tác ở Lữ đoàn Công binh 83. Sau phần tưởng niệm, mọi người sẽ thả vòng hoa, hoa đăng. Ngày 15.3, Ban liên lạc sẽ đến thắp hương cho 10 liệt sĩ (9 tại Đà Nẵng, 1 tại Quảng Nam), thăm hỏi thân nhân liệt sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.