Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm qua

Thu Hằng
Thu Hằng
10/07/2020 14:42 GMT+7

Cả nước có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Lần đầu tiên thu nhập của người lao động giảm 5,1% trong vòng 5 năm qua; lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục - trên 2 triệu người.

Đây là những con số được Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố tại cuộc họp báo sáng 10.7 về tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020.

1,4 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Bà Thủy cho biết: “Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%”.

Đề xuất xây dựng gói hỗ trợ đặc thù cho lao động yếu thế

Đánh giá về tình hình lao động việc làm quý 2/2020, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay.
Trong khi đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là gần 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý trước và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 là 2,73%, tăng 0,51% so với quý trước và tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4,46%, tăng 1,28% so với quý trước và tăng 1,36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua. 
Đáng chú ý, số thanh niên từ 15 - 24 tuổi thất nghiệp là 410.300 người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp gần 3,6 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên).
Thu nhập bình quân tháng của lao động đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý 2 giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong phòng chống dịch, song theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn ra phức tạp với nhiều nguy cơ bùng nổ làn sóng dịch lần thứ 2 tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động tại Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.