UBTV Quốc hội: 'Lao động của phạm nhân trong trại giam không phải lao động cưỡng bức'

Vũ Hân
Vũ Hân
08/06/2020 10:11 GMT+7

Với 458/460 đại biểu nhất trí, sáng 8.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức .

Thảo luận về việc tham gia Công ước này hôm 20.5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí về sự cần thiết gia nhập công ước, cho rằng việc gia nhập công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Theo các ĐBQH, việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức, bóc lột lao động. 
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức, do đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần triển khai thực hiện Công ước số 105 có hiệu quả.
Giải trình ý kiến này, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho biết, bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều quy định cụ thể nhằm phòng, chống lao động cưỡng bức, như tại điều 17, điều 35, điều 102, điều 107, điều 124, điều 127…
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại điều 297, cũng quy định về Tội cưỡng bức lao động; điểm b khoản 1 điều 150 quy định về tội mua bán người; điểm b khoản 1 điều 151 quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với các trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận người để cưỡng bức lao động.
Việc bổ sung quy định tội danh mới trong bộ luật Hình sự đánh dấu bước tiến mới trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc loại bỏ lao động cưỡng bức.
Về chế tài hành chính, Nghị định 28/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có quy định về chế tài hành chính đối với các hành vi vi phạm cụ thể nêu trên.
UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa hơn nữa một số hành vi lao động cưỡng bức để thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và góp phần vào việc thực hiện hiệu quả tinh thần Công ước số 105.

Lao động của phạm nhân trong trại giam là một trong 5 trường hợp ngoại lệ

Qua thảo luận trước đó, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về lao động của phạm nhân trong trại giam tại điểm d khoản 2 điều 27, khoản 1 điều 33 luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Giải trình ý kiến này, UBTV Quốc hội cho biết, theo Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, lao động của phạm nhân là 1 trong 5 trường hợp ngoại lệ, không coi là lao động cưỡng bức.
Theo Công ước số 29, nghĩa vụ lao động của phạm nhân là kết quả, hệ lụy xuất phát từ phán quyết của tòa án. Nghĩa vụ lao động của phạm nhân không nhất thiết phải được quyết định tại bản án, mà có thể theo quy định của pháp luật sau khi có bản án kết tội của tòa án, trong trường hợp của nước ta là luật Thi hành án hình sự.
Về vấn đề này, theo chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, phạm nhân là những người có quyết định thi hành án của tòa án; việc lao động của phạm nhân trong trại giam được thực hiện theo quy định của luật Thi hành án hình sự và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời, họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân.
Với 3 điều kiện trên, lao động của phạm nhân là trường hợp ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 2 của Công ước số 29.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.