Văn hóa quà tết

02/01/2018 09:09 GMT+7

Thủ tướng vừa yêu cầu chấm dứt ngay câu chuyện biếu xén quà tết. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người đứng đầu Chính phủ đưa ra chỉ đạo này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ xung quanh câu chuyện này với báo chí.
Thủ tướng đã có chỉ đạo các nơi không về Hà Nội chúc tết cán bộ T.Ư đã tạo hiệu ứng rất tốt. Nhưng cũng có dư luận cho rằng có thể biến tướng, thực hiện không nghiêm chỉ đạo. Ông đánh giá sao về ý kiến này?
Đúng là người ta vẫn cho rằng, mặc dù cấm như thế nhưng việc thực hiện chỗ này, chỗ khác chưa nghiêm. Cho nên, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Thủ tướng cũng nói doanh nghiệp không được đến hối lộ chính quyền. Tác động này là tác động từ hai phía, anh nhận hối lộ và anh đưa hối lộ. Tết cũng thế thôi, phải chấp hành nghiêm.
Trong quá trình làm việc, ta luôn luôn minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi thì người ta không phải đến. Thủ tướng cũng nói Văn phòng Chính phủ là không cần biết đó là doanh nghiệp nào mà chỉ biết rằng, văn bản hồ sơ đến đây mà thẩm quyền giải quyết đúng thì phải xử lý ngay cho người dân, doanh nghiệp. Đương nhiên, không thể làm ngay một lúc được và quan trọng nhất là chuyển từ tư tưởng.
Tất nhiên, ngoài quy định của Đảng, quy định của luật Công chức, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cũng cần phải xem xét điều chỉnh những bất cập mà chúng ta đang gặp phải. Ví dụ, ngay cả vấn đề chính sách nhà ở, chính sách tiền lương để tạo ra sự ổn định, để tốt thì sẽ có những chuyển biến tốt hơn. Cuộc sống ai chả có gia đình, có vợ, con. Ai chả muốn có cuộc sống tốt đẹp. Tức là ở đây ý tôi muốn nói, nếu như không có những chính sách tạo đồng bộ thì sẽ dẫn đến tiêu cực ngoài mong muốn ở đâu đó.
Vậy Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về văn hóa quà tết đang trở thành thông lệ như lâu nay?
Văn hóa quà tết là văn hóa tốt đẹp chứ không có gì xấu. Tết đến, xuân về, con cái tặng quà bố mẹ, cháu chắt tặng quà ông bà, cô chú. Người lớn mừng tuổi trẻ con. Trò đến thăm thầy, những người đã giúp mình khôn lớn...
Để chuẩn bị đón tết, Thủ tướng cũng hết sức quan tâm đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, đối tượng cơ nhỡ cô đơn, gia đình nghèo. Yêu cầu các bộ, ngành địa phương theo chức năng của mình quan tâm đến đối tượng đặc biệt để tết đến mọi nhà, mọi người với phương châm không gia đình nào, không ai không có tết. Không để đói kém ở bất kỳ chỗ nào.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xã hội thì quà tết không hoàn toàn nghĩa tốt như thế. Đôi khi có chuyện lợi dụng quà tết, tranh thủ nọ kia, đó là tiêu cực chứ không phải quà tết. Tư tưởng của Thủ tướng là ngay từ tết 2017 đã chỉ đạo nghiêm cấm các bộ ngành địa phương cứ tết lên Hà Nội chúc tết, lãnh đạo không được nhận quà tết. Đây là quà lợi dụng biếu xén để tranh thủ cơ hội, có động cơ không tốt chứ không phải quà văn hóa nữa. Vừa qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo nghiêm cấm nhận xe biếu tặng của doanh nghiệp, cấp biển xanh cho doanh nghiệp không đúng đối tượng. Tết năm nay, Thủ tướng cũng giao cho Văn phòng Chính phủ tiếp tục xây dựng chỉ thị của Thủ tướng để ban hành sớm từ việc cấm đốt pháo, sử dụng phương tiện công phục vụ tư, dự lễ hội, cấm tặng quà tết cho cấp trên.
Vậy theo ý nghĩa truyền thống, thì dịp tết đến Bộ trưởng thường tặng quà cho những người nào?
Mỗi năm tết đến, tôi rất cảm ơn những người cộng sự của mình. Đó không phải chỉ là cấp cao mà còn là anh em cấp dưới, ngay những người lao công, bảo vệ. Người ta làm tốt cũng chính là giúp mình hoàn thành công việc. Rồi thì thầy cô, bạn bè. Nhưng “quà” đôi khi chỉ là lời cảm ơn chứ không phải cứ có tiền mới là món quà. Văn hóa Việt thì không gì bằng lời nói. Lời nói không mất tiền mua, làm sao mà nói cho vừa lòng nhau, đây mới là quan trọng.
Năm 2018, kỳ vọng giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Trong năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết yêu cầu quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.