Về giai đoạn Bác Hồ dạy học ở Phan Thiết

19/05/2011 00:50 GMT+7

Đoàn chủ tịch hội thảo “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học ở Phan Thiết” (do Bộ VH-TT-DL và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp) vừa đưa ra một số kết luận về giai đoạn Người dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh.

Trước đó, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Bình Thuận đặt ra nhiều vấn đề về giai đoạn thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học ở Phan Thiết như: thời điểm đến Phan Thiết; rồi từ Phan Thiết vào Sài Gòn; dạy các môn học gì ở trường Dục Thanh... Theo tham luận của TS Nguyễn Viết Lưu (Ban Tuyên giáo T.Ư) thì việc dạy học của Người ở trường Dục Thanh không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

 
Cây khế, giếng nước trong trường Dục Thanh là những kỷ vật gắn liền với Bác Hồ khi Người dạy học nơi đây - Ảnh: Quế Hà

Tài liệu của bà Ngô Thị Mùi, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Bình Thuận), cho biết các học trò của Bác là cụ Nguyễn Quý Phầu và Nguyễn Đăng Lầu khi còn sống nói rằng thầy giáo Thành dạy Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn và Thể dục. Còn  tài liệu của PGS-TS Trần Thị Thu Hương (Viện Lịch sử Đảng) thì nghiêng về khả năng Người dạy Quốc ngữ và Hán Văn. Về vấn đề này, Đoàn Chủ tịch hội thảo đã đưa ra kết luận: “Thầy Thành dạy Thể dục là chính và dạy thay các thầy khác, trợ giảng ba môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn”.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, nhà thơ Đỗ Quang Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL Bình Thuận), cho biết nhân ngày sinh Bác năm nay, Sở đã hoàn thành quyển sách Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh. Sách gồm ba phần, quy tụ các bài viết nói về hoạt động của thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh; những bài hát, bài thơ tiêu biểu về Bác với Dục Thanh - Phan Thiết, đồng thời, chọn  lọc các ý kiến, cảm nghĩ của du khách về mái trường Dục Thanh.

Liên quan đến thời gian Bác Hồ đến Phan Thiết, theo bà Ngô Thị Mùi, khoảng tháng 8.1910, sau khi rời Bình Định vào Phan Rang, anh Nguyễn Tất Thành vào Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để gặp cụ Trương Gia Mô (một người bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc). Cụ Trương Gia Mô bố trí cho anh Nguyễn Tất Thành ở chùa Phước An vào ban ngày, ban đêm đưa về nhà mình. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào nói rõ ngày tháng thầy giáo Thành từ Duồng vào Phan Thiết.

Bà Ngô Thị Mùi cũng cho biết khi còn sống, nhiều học trò của thầy giáo Thành cũng không nhớ rõ thời gian Bác vào Phan Thiết. Đoàn Chủ tịch hội thảo đã thống nhất và đề nghị "các Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích về Hồ Chủ tịch lấy thời điểm thầy Thành đến Phan Thiết là tháng 8.1910 và rời Phan Thiết vào Sài Gòn tháng 2.1911”.

Vấn đề thẻ căn cước của Bác với tên là Văn Ba khi lên tàu ở cảng Nhà Rồng đi Pháp, được làm tại Phan Thiết hay Sài Gòn? Nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết Bác làm thẻ căn cước này tại Phan Thiết, chứ không thể vào Sài Gòn mới làm.

Vấn đề này, Đoàn Chủ tịch hội thảo vẫn để ngỏ. Kết luận chỉ định hướng “Chúng ta cùng suy nghĩ mối quan hệ của cụ Hồ Tá Bang (một trong sáu người sáng lập Trường Dục Thanh - PV) với Công sứ Pháp Denier”. Có thể mối quan hệ này là cơ sở để đặt ra giả thiết rằng thẻ căn cước được làm tại Phan Thiết. Vì khi đó ông Hồ Tá Bang có mối quan hệ khá tốt với Công sứ Pháp tại Bình Thuận và nhờ giúp cho những người dạy học ở trường mình.

Quế Hà - Hải Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.