Vì sao chủ đầu tư chợ trung tâm Bảo Lộc bị bắt giam?

01/12/2013 03:25 GMT+7

Việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố và bắt tạm giam bà Trần Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng - dịch vụ - thương mại V.A.T (Công ty VAT), chủ đầu tư chợ trung tâm Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang thu hút sự quan tâm dư luận, đặc biệt là giới tiểu thương.

Vì sao chủ đầu tư chợ trung tâm Bảo Lộc bị bắt giam?

Chợ trung tâm Bảo Lộc do Công ty VAT làm chủ đầu tư - Ảnh: Minh Sơn

Trao đổi với Thanh Niên hôm 29.11, đại tá Phạm Văn Lộc, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Lâm Đồng cho biết cũng vừa ra quyết định gia hạn tạm giam thêm 4 tháng đối với bà Liên.

Trước đó, ngày 2.8.2013, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Thị Bích Liên về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đồng thời đề nghị Viện KSND cùng cấp phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can 4 tháng để tiến hành điều tra. Đến ngày 5.8, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của bà Liên được thực hiện. Cơ quan CSĐT cũng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án. “Do vụ án còn nhiều vấn đề phải làm rõ, để phục vụ việc điều tra chúng tôi gia hạn tạm giam thêm 4 tháng đối với bà Liên”, ông Lộc cho biết.

Lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký...

Theo thông tin ban đầu, ngày 10.4.2009, Công ty VAT được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép làm chủ đầu tư dự án chợ trung tâm Bảo Lộc, với vốn đầu tư trên 78 tỉ đồng. Theo điều lệ công ty và biên bản họp Hội đồng thành viên (HĐTV), bà Liên là Giám đốc đại diện pháp luật Công ty VAT, được ký và thực hiện các hợp đồng kinh tế với các tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên, bà Liên đã lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký của ông Phạm Ngọc Bình và bà Lê Tân Hồng (là 2 thành viên góp đến 80% vốn xây dựng chợ) trên biên bản họp HĐTV Công ty VAT và giấy cam kết về việc trả nợ ngày 23.5.2011, để thế chấp toàn bộ hồ sơ pháp lý của chợ trung tâm Bảo Lộc vay 40 tỉ đồng tại Ngân hàng SCB chi nhánh Đồng Nai. Số tiền vay này không được đưa vào sổ sách kế toán của công ty để hạch toán theo quy định của pháp luật kế toán. Vụ việc chỉ “đổ bể” khi ông Bình và bà Hồng nhận được yêu cầu trả khoản nợ gần 20 tỉ đồng từ Ngân hàng SCB.

Sau khi trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết, ngày 26.4.2013, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Đồng Nai) đã kết luận giám định các văn bản bà Liên tự làm để vay vốn có tên ông Phạm Ngọc Bình nhưng không phải do ông Bình ký và viết.

Chưa hết, khi Công ty VAT thống nhất giao con dấu của công ty cho ông Bình giữ thì bà Liên tự ý làm đơn lấy cớ mất con dấu Công ty VAT để được cấp con dấu mới, nhằm hợp thức hóa hành vi gian dối khi bán quầy sạp chợ trong thời kỳ đang xây dựng. Ngoài ra, bà Liên tùy tiện bán quầy sạp thu hơn 50 tỉ đồng không thông qua các thành viên góp vốn. Sau khi thu số tiền này, bà Liên không trả tiền vay ngân hàng và cũng không tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện chợ mà sử dụng cho mục đích cá nhân.

Vụ việc này bị phanh phui khi có hàng chục tiểu thương đóng tiền mua quầy sạp cho bà Liên nhưng khi dò danh sách tại Công ty VAT lại không có tên. Sau khi Phòng Kinh tế TP.Bảo Lộc đối chiếu với các tiểu thương đã đăng ký nộp tiền mua quầy sạp với bà Liên thì phát hiện số quầy sạp bà Liên đã bán tăng hơn 82 quầy so với danh sách bà Liên thừa nhận với các thành viên theo biên bản họp HĐTV ngày 5.12.2012. Một số giấy tờ mua bán được đóng bằng con dấu mới (mà bà Liên đã khai man và giả chữ ký các thành viên để xin cấp dấu mới).

Đại tá Phạm Văn Lộc khẳng định: “Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Liên là có cơ sở, tuy nhiên số tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu thì cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ”.

Cũng theo ông Lộc, với những chứng cứ thu thập được nếu bà Liên là giám đốc doanh nghiệp nhà nước thì sẽ bị khởi tố tội danh tham ô tài sản. 

Lâm Viên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.