Vụ bằng lái xe quốc tế: CSGT TP.HCM 'rút kinh nghiệm về thái độ cư xử'

21/03/2018 18:30 GMT+7

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết do CSGT làm việc áp lực và do thái độ phản ứng của người vi phạm nên CSGT khi xử lý đôi lúc nóng nảy, không kìm chế được và xin rút kinh nghiệm chung.

Ngày 20.3, mạng xã hội xuất hiện clip người vi phạm cự cãi với CSGT vì người này cho rằng giấy phép lái xe (GPLX) của anh cấp tại Đức được quyền sử dụng ở Việt Nam nhưng CSGT không chấp nhận.
Theo nội dung đoạn clip, khi hai bên xảy ra cự cãi, CSGT khá nóng nảy nói với người vi phạm: “Bằng lái quốc tế của anh vô giá trị đối với địa phận Việt Nam chúng tôi”. Do vậy, người đăng tải đoạn clip bày tỏ rằng không hài lòng về thái độ làm việc và kiến thức pháp luật của CSGT.
VIDEO: GPLX của Đức không dùng được ở Việt Nam: Lãnh đạo PC67 lên tiếng
Chiều 21.3, làm việc với báo chí, Thượng tá Trần Văn Thương, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) xác nhận sự việc trên xảy ra vào lúc 12 giờ 59 phút ngày 18.3.2018 trên đoạn đường Mai Chí Thọ.
Người vi phạm là anh Vũ Thanh Tùng, quốc tịch Đức đã điều khiển xe vượt quá tốc độ, cụ thể là 63/50 km/giờ nên CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Theo Thượng tá Trần Văn Thương, khi xử lý vi phạm, CSGT phải kiểm tra GPLX và kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký xe để xem người vi phạm có đủ điều điện điều khiển phương tiện hay không.
“Trường hợp này, anh Tùng điều khiển xe chỉ có GPLX quốc tế chứ không có GPLX quốc gia do Cộng hòa Liên bang Đức cấp nên CSGT đã xử lý theo đúng quy định là tạm giữ phương tiện. Tới 16 giờ, anh Tùng đến trụ sở đội CSGT Cát Lái xuất trình được GPLX quốc gia do Đức cấp nên CSGT trả phương tiện và vẫn giữ giấy tờ để xử lý lỗi chạy quá tốc độ quy định”, Thượng tá Thương nói.
Cũng theo Thượng tá Thương, PC67 sẽ tiếp tục mời người vi phạm và chiến sĩ CSGT trong clip đến làm việc để xác minh đúng bản chất câu chuyện. Sau đó, PC67 sẽ xin ý kiến Ban Giám đốc CATP để có hướng xử lý.
Về cách cư xử của chiến sĩ CSGT trong clip, Thượng tá Thương cho hay do CSGT làm việc áp lực, cộng với thái độ của người vi phạm nên đôi khi không kìm chế được mà có những lúc nóng nảy, thiếu tế nhị với người vi phạm, Phòng CSGT sẽ giáo dục, nhắc nhở thêm, rút kinh nghiệm chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.