Xét xử đại án OceanBank: ‘Đưa quà nhỏ là không tương xứng’

01/09/2017 07:44 GMT+7

'Được đến tặng quà là đã phấn khởi lắm rồi. Bị cáo cũng hay đi chúc tết và được đến chúc tết đã là mừng rồi chứ đừng nói là to, là nhỏ. Đưa quà nhỏ tự thấy như thế không tương xứng!', bị cáo Sơn trình bày.

Hôm qua, ngày làm việc thứ 4 xét xử Hà Văn Thắm cùng 50 đồng phạm, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (55 tuổi), nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN).
Tài sản “khủng” của Nguyễn Xuân Sơn
Chủ tọa đã đặt câu hỏi với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về nguồn gốc khoản tiền nhờ Nguyễn Thị Minh Phương (42 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank) gửi tiết kiệm hộ.
“Bị cáo là người đầu tư tài chính và có thời kỳ bị cáo đưa ra nhận định nổi tiếng thị trường chứng khoán. Bị cáo đầu tư vào chứng khoán. Khi định thành lập Ngân hàng Hồng Việt, bị cáo “cắm” nhiều tiền ở đó. Sau khi không thành lập được ngân hàng này, bị cáo rút tiền ra. Bị cáo đầu tư nhiều dự án thu được 20 tỉ đồng, gồm 5 tỉ tiền gốc và 15 tỉ tiền lãi. Bị cáo ủy thác cho nhiều người đem tiền đi đầu tư. Ngoài ra, bị cáo còn đầu tư sàn vàng, đầu tư vào Ngân hàng Liên Việt, đầu tư căn hộ”, bị cáo Sơn khai.
Chủ tọa hỏi tiếp: “Bị cáo khai tiền có được từ đầu tư, có thời điểm tới hơn 100 tỉ đồng thì nó đi đâu rồi? Ngoài tài sản đã thống kê phong tỏa, bị cáo còn tiền ở đâu không?”. “Không. Bị cáo không còn tiền. Khi về làm Phó tổng giám đốc PVN, bị cáo đã phải thanh lý hết khoản đầu tư của mình”, Sơn trả lời.
Theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận đã nhờ bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (38 tuổi, nguyên Phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược OceanBank) đến hội sở để lấy số tiền khoảng 200 tỉ đồng. Số tiền này sau khi chuyển cho Ninh Văn Quỳnh là nguyên Kế toán trưởng PVN, Sơn giữ lại khoảng 80 tỉ đồng, sau đó nhờ Nguyễn Thị Minh Phương gửi tiết kiệm hộ. Đầu năm 2015, Phương đã đưa lại cho Sơn và Sơn đã sử dụng vào mục đích cá nhân.
“Theo luật Phòng, chống tham nhũng, quà biếu trên 500.000 đồng đã bị cấm, đây là quà biếu tết mà đến 200 triệu thì còn mang ý nghĩa quà biếu tình cảm nữa không?”, tòa hỏi Nguyễn Xuân Sơn về việc chi tiền các dịp lễ tết. “Bị cáo có lẽ cũng thấy được chuyện theo truyền thống chi quà lễ tết, hiếu hỷ đã bị nền kinh tế thị trường làm cho méo mó. Đó là nỗi khổ của doanh nghiệp. Nhưng được đến tặng quà là đã phấn khởi lắm rồi. Bị cáo cũng hay đi chúc tết và được đến chúc tết đã là mừng rồi chứ đừng nói là to, là nhỏ. Đưa quà nhỏ tự thấy như thế không tương xứng!”, bị cáo Sơn trình bày.
Ngân hàng Nhà nước đã ở đâu?
Theo cáo trạng được công bố tại tòa, từ năm 2010 - 11.2014, tổng số tiền mà OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng gửi tiền là 1.576 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Hà Văn Thắm (45 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, là người giữ vai trò chính, đề ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi trên toàn hệ thống.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nga (37 tuổi, nguyên Kế toán trưởng OceanBank) khai bị cáo không tham gia họp việc chi lãi ngoài, chỉ nhận lệnh từ cấp trên. Với vị trí ở thời điểm đó, bị cáo là kế toán, chỉ làm đúng nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp của mình. “OceanBank là ngân hàng nhỏ, không còn cách nào khác, buộc phải làm như vậy (chi lãi suất ngoài - PV). Nhưng lúc đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở đâu, để khiến cán bộ ngân hàng trở thành tù nhân dự bị? Bị cáo rất đau lòng”, bị cáo Nga khai.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (44 tuổi, nguyên Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ OceanBank) cũng cho rằng có biết OceanBank chi trả lãi ngoài nhưng đó là phản ứng bắt buộc trong bối cảnh thị trường khó khăn để cứu ngân hàng, đảm bảo thanh khoản. “Năm 2011, lạm phát 18% trong khi huy động áp trần 14%. Người dân đòi hỏi không hề vô lý, tuân theo nguyên tắc thị trường. Do mất thanh khoản nên các ngân hàng bắt buộc tham gia vào do yêu cầu của thị trường”, bị cáo Thu Ba khai.

tin liên quan

Xét xử đại án Oceanbank: “Đi tết” từ 50 - 200 triệu đồng
Hôm qua 30.8, trong ngày làm việc thứ 3 xét xử Hà Văn Thắm (45 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cùng 50 đồng phạm khác, TAND TP.Hà Nội tập trung xét hỏi nhằm làm rõ khoản tiền hàng chục tỉ đồng chi chăm sóc khách hàng.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Hà Văn Thắm khai: “Mức chênh lệch giữa lãi suất đi vay và lãi suất cho vay của ngân hàng từ 4 - 4,5% nên ngân hàng có đủ tiền để trả và không có khoản nào bị lỗ cả. Trong cáo trạng có nêu hoạt động chi lãi suất ngoài của OceanBank ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN, bị cáo không đồng ý. Lúc đó NHNN có thành lập nhóm G14, OceanBank không được tham gia. Khi đó bị cáo mới biết G14 nắm 80% tổng huy động vốn, OceanBank không nằm trong nhóm này, chỉ nằm trong nhóm 20% còn lại nên dù OceanBank có làm gì cũng không ảnh hưởng tới huy động vốn của thị trường. Thống đốc cũng chỉ đạo không vượt trần với hội G14”.
Bị cáo Thu Ba khai: “Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình (bao gồm chi lãi suất ngoài), bị cáo không nhận được bất kỳ cảnh báo, yêu cầu nào của đơn vị kiểm soát, các cơ quan thanh tra NHNN, cơ quan kiểm tra thuế, không hề nhận được cảnh báo phải dừng”.
Vẫn theo lời khai của bị cáo Thu Ba, Trưởng ban Kiểm soát OceanBank thời kỳ đó là Bùi Văn Hải. Sau khi NHNN mua lại OceanBank, Hải tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng ban Kiểm soát OceanBank. Hội đồng xét xử lập tức yêu cầu thư ký phiên tòa làm giấy triệu tập Bùi Văn Hải để làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người này khi giữ chức Trưởng ban Kiểm soát OceanBank.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.