Xét xử phúc thẩm 'đại án' Vinalines: Đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

24/04/2014 03:25 GMT+7

Tiếp phiên xét xử 9 bị cáo trong “đại án” tham nhũng tại Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines), chiều 23.4, đại diện Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án, xem xét tăng mức bồi thường đối với các bị cáo phạm tội “tham ô tài sản”, đồng thời xem xét giảm nhẹ mức án cho một số bị cáo phạm tội "cố ý làm trái".

Tiếp phiên xét xử 9 bị cáo trong “đại án” tham nhũng tại Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines), chiều 23.4, đại diện Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án, xem xét tăng mức bồi thường đối với các bị cáo phạm tội “tham ô tài sản”, đồng thời xem xét giảm nhẹ mức án cho một số bị cáo phạm tội "cố ý làm trái".

Xét xử phúc thẩm 'đại án' Vinalines: Đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

Đại diện Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc - Ảnh: Hoàng Trang

Không chấp nhận kháng cáo

Theo đại diện Viện KSND tối cao, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đã có cơ sở xác định các bị cáo thực hiện hành vi tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có quyết định phê quyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng các bị cáo vẫn tiến hành triển khai dự án và xúc tiến mua ụ nổi 83M. Các bị cáo biết ụ nổi do công ty ở Nga đưa ra giá bán là 5 triệu USD nhưng đã hợp thức hóa các thủ tục để mua thông qua môi giới là Công ty AP (Singapore) với giá 9 triệu USD. Việc mua ụ nổi đã cũ, hư hỏng, sau đó đưa về sửa chữa nhưng vẫn không sử dụng được đã gây thiệt hại cho nhà nước gần 367 tỉ đồng.

“Hành vi của các bị cáo thỏa mãn dấu hiệu tội "cố ý làm trái". Cấp sơ thẩm xét xử với các bị cáo đúng người đúng tội nên kháng cáo kêu oan của các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không có cơ sở để xem xét”, đại diện cơ quan công tố nói.

Đối với tội "tham ô tài sản", dù các bị cáo không nhận tội nhưng dựa vào nhiều chứng cứ trong hồ sơ vụ án có thể khẳng định các bị cáo phạm tội, trong đó có biên bản thỏa thuận chia số tiền giữa Công ty AP, công ty của Nga và bên thứ 3 (sau này xác định được là phía VN) sau khi mua ụ nổi. Các bị cáo Dũng và Phúc khai nhận chỉ có hai người này mới có quyền quyết định mua hay không mua ụ nổi, dù biết rõ tình trạng xấu của ụ nổi nhưng các bị cáo vẫn quyết mua để nhận được khoản “lại quả” hơn 1,66 triệu USD. Số tiền này là của nhà nước do Vinalines đại diện quản lý. “Các bị cáo là người có trách nhiệm cao nhất để quản lý nhưng dùng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt chia chác với nhau, đã thỏa mãn dấu hiệu tham ô tài sản”, vị đại diện Viện KSND nói và cho rằng đối với các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, dù gia đình đã nộp một phần tiền khắc phục hậu quả nhưng với tính chất phạm tội nguy hiểm, cấp sơ thẩm tuyên án tử hình là phù hợp. Đối với các bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn khai báo thành khẩn nhưng mức án cấp sơ thẩm là phù hợp nên không có cơ sở xem xét kháng cáo.

Từ nhận định trên, đại diện Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên và tăng mức bồi thường với các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, ghi nhận quyền lợi của một số người liên quan khi kê biên chưa thể hiện rõ tài sản chung hay riêng. Đồng thời đề nghị giảm nhẹ mức án đối với 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tại Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) gồm Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Nguyễn Ngọc Triện do khai báo thành khẩn tại phiên phúc thẩm.

Bằng chứng từ nước ngoài nói gì ?

Trong phần tranh luận chiều qua, luật sư Trần Đình Triển, bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, đã công bố nhiều tài liệu thu thập từ Singapore về vụ án, trong đó lời tuyên thệ của ông Goh, Giám đốc Công ty AP, đã được công chứng mà theo ông Triển, đây sẽ là tình tiết, chứng cứ mới của vụ án.

Lời tuyên thệ của ông Goh thể hiện: “Tôi biết ông Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch”. Từ nội dung này, luật sư Triển cho rằng phù hợp với lời khai của Dương Chí Dũng trong quá trình điều tra. Mặt khác, lời khai của ông Goh thể hiện việc thương thảo ụ nổi được tiến hành giữa ông ta và đại diện Vinalines là Trần Hải Sơn. Số tiền hơn 1,66 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi và chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng hay Phúc.

Từ các thông tin này, luật sư Triển đề nghị đánh giá lại vai trò các bị cáo trong việc thương thảo mua ụ nổi và khả năng "đổ tội” của bị cáo Trần Hải Sơn.

Luật sư đồng loạt đề nghị hủy án sơ thẩm

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng trong vụ án này đã có sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, khi VN đã có Hiệp định tương trợ tư pháp với Nga nhưng đến nay chưa có kết quả tương trợ tư pháp đã kết tội các bị cáo. Mặt khác, vụ án có sự hiểu khác về ụ nổi mà trong điều 2, bộ luật Hàng hải quy định nếu quy định trong bộ luật này trái với quy định của công ước quốc tế thì sẽ áp dụng theo công ước quốc tế. Nếu hiểu khác thì Ủy ban Thường vụ QH là cơ quan giải thích luật, nhưng đến nay chưa làm rõ được điều này.

Về nội dung Viện KSND tối cao đề nghị nâng mức bồi thường đối với Dương Chí Dũng, ông Triển nhắc lại nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, "phiên tòa này cũng không có kháng cáo, kháng nghị về việc nâng hình phạt, trách nhiệm bồi thường", ông Triển nói và đề nghị HĐXX hủy án, điều tra lại.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy khẳng định bị cáo Dương Chí Dũng không phạm tội tham ô tài sản, bởi cho đến thời điểm này chưa có bất cứ bằng chứng nào chứng minh ông Dũng có thỏa thuận với Công ty AP về khoản tiền lại quả. Việc bị cáo Dũng nhận 10 tỉ đồng chỉ từ lời khai một phía của Trần Hải Sơn và các nhân chứng đều là người thân của Sơn. Trong trường hợp này, có thể họ khai theo hướng có lợi cho Sơn nếu không bị cáo này phải đối mặt với nhiều bất lợi. Ông Thủy đã đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại.

Cùng bào chữa cho Dương Chí Dũng, luật sư Trần Đại Thắng cho rằng có sự mâu thuẫn rất lớn trong lời khai của Sơn về những lần đưa tiền. Trong đó, lần đưa 5 tỉ đồng tại khách sạn Victory ở TP.HCM, Sơn khai khoảng 4 giờ gọi điện hẹn Dũng tới đưa tiền nhưng thời gian này Dũng đang trên máy bay, không thể nghe được điện thoại. Luật sư Thắng cũng thống nhất đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

Bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng lời khai của Sơn về việc đưa tiền có nhiều mâu thuẫn nhưng không hiểu sao vẫn được chấp nhận. Ông Được trình tại tòa một số tấm hình thể hiện ngôi nhà của Mai Văn Phúc tại xã An Hồng, H.An Dương, Hải Phòng là nhà cấp 4, mái tôn cũ nát xuống cấp nhưng lời khai của Sơn thể hiện mang 5 tỉ đồng đến đây cho Phúc ở phòng khách nằm ở… lầu 1. Các luật sư bào chữa cho bị cáo này chỉ trích đại diện cơ quan công tố đã không sử dụng thông tin diễn biến tại tòa mà theo hồ sơ, nhưng lại bỏ đi nhiều chứng cứ quan trọng để phán quyết các bị cáo và đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Phiên tòa tạm nghỉ khi chưa có phần đối đáp của Viện KSND.

Thái Sơn - Hoàng Trang

>> Đề nghị giữ nguyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc
>> Xét xử phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: Tiền lại quả là mặc nhiên
>> Dương Chí Dũng 'thề độc' trước tòa
>> Vợ Dương Chí Dũng khai vay hơn 10 tỉ đồng của thượng tá công an
>> Bạn gái Dương Chí Dũng đề nghị tòa xử vắng mặt
>> Dương Chí Dũng thề sống thề chết không nhận 10 tỉ đồng ‘lại quả’
>> Dương Chí Dũng chỉnh tề trong trang phục áo sơ mi trắng, quần âu tại tòa  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.