Xử lý trách nhiệm địa phương, người đứng đầu để trẻ em bị xâm hại

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/04/2020 07:12 GMT+7

Ngày 27.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của QH, từ ngày 1.1.2015 - 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại. Trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 6.432 em (chiếm tới 75,4%); bạo lực 857 em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt 106 em; các hình thức xâm hại khác là 1.314 em. Ngoài ra, còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn. Tuy nhiên, báo cáo nhận định số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Đáng lưu ý, qua giám sát, tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng. Xâm hại trẻ em thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển. TP.HCM và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất cả nước. Báo cáo cũng đánh giá, tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới vẫn phức tạp, nghiêm trọng, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, rất nhiều vụ việc chính quyền chỉ biết khi đã được đưa lên công luận, báo chí và đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung giải thích, cơ quan quản lý nhà nước rất khó làm hết việc trong công tác bảo vệ trẻ em vì “quản lý thì ban ngày nhưng việc lại xảy ra ban đêm và trong bóng tối”. Ông Dung đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu tất cả các đơn vị để xảy ra xâm hại trẻ em.
Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát, việc để trẻ em bị xâm hại trong gia đình, trường học và cả trung tâm bảo trợ trẻ em, những nơi yên bình, và phải bảo vệ trẻ em là vấn đề rất nhức nhối. Trách nhiệm này là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, ngay cả gia đình, thầy cô giáo, người có trách nhiệm cũng chưa thực sự sâu sắc, đầy đủ. Ông Lưu cũng tán thành việc xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở và người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.