Yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân và tàu cá Việt Nam

22/03/2012 03:22 GMT+7

“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam”.

Đó là trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khi các phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN trước việc Trung Quốc đã bắt, hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của VN mang số hiệu QNg-66101TS và QNg-66074TS. “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam” - ông Nghị khẳng định.

Ông Lương Thanh Nghị cũng cho biết, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.

 

Theo báo cáo UBND huyện đảo Lý Sơn, vào cuối tháng 2 vừa qua, tàu cá QNg-96197 TS, công suất 260 CV, do ông Phạm Mỹ (41 tuổi, ở xã An Vĩnh) là chủ tàu và thuyền trưởng, trên tàu có 15 ngư dân khi đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa bị tàu của Trung Quốc vây bắt, đập phá tài sản, gây thiệt hại hơn 60 triệu đồng.

Bắt người, tống tiền

Theo kết quả xác minh của Đồn biên phòng 328 Lý Sơn (Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi), ngày 1.3, tàu cá QNg-66074 TS do ngư dân Trần Hiền (32 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh) là chủ tàu và cũng là thuyền trưởng, trên tàu có 11 ngư dân rời đảo Lý Sơn ra quần đảo Hoàng Sa hành nghề. Sau khi lặn bắt được khoảng 3 tấn cá thì ngày 3.3 đã bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, đưa tàu cá và 11 ngư dân về đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) giam giữ. Cũng trong ngày 3.3, Trung Quốc tiếp tục bắt tàu cá QNg-66101 TS của ông Lê Vinh (46 tuổi, cũng ở xã An Vĩnh) làm chủ và ông Bùi Thu (46 tuổi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân khi đang đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sau đó cũng đưa về đảo Phú Lâm giam giữ.

Mãi đến 17 giờ ngày 12.3, chị Lê Thị Phúc bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy “lạ” 8689866835903, hốt hoảng nhận ra giọng nói của chồng mình là thuyền trưởng Trần Hiền báo tin: “Tàu cá của gia đình và tàu cá của ngư dân Lê Vinh đã bị Trung Quốc bắt rồi. Họ yêu cầu mỗi phương tiện phải nộp 70.000 nhân dân tệ thì mới được thả về”. Chưa hết, đến ngày 13.3, cũng với số điện thoại trên, ngư dân Trần Hiền tiếp tục điện thoại về cho vợ thúc giục gia đình chuyển tiền nộp phạt gấp.

Theo lời chị Phúc, suốt 10 ngày qua, ngư dân Trần Hiền đã 3-4 lần gọi điện nhắc chuyện nộp tiền vào số tài khoản 220101240902195037 mới thả tàu, thả người và phía Trung Quốc còn yêu cầu gia đình tìm người biết tiếng Trung Quốc để trực tiếp “đàm phán” chuyện tiền nong. Tối 20.3, một người nói tiếng Trung Quốc tiếp tục điện thoại nên gia đình chị Phúc nhờ một người quen biết tiếng Trung Quốc trực tiếp nói chuyện. Dẫu đưa ra hoàn cảnh gia đình các ngư dân rất khó khăn không có tiền nộp nhưng họ vẫn cứ khăng khăng không chịu. “Tui nghĩ rằng, việc họ (Trung Quốc - PV) bắt tàu cá, giam giữ ngư dân và liên tục hối thúc nộp tiền chẳng khác nào hành động tống tiền”, chị Phúc bức xúc.


Sau khi được hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên, thuyền trưởng Trần Hiền mua sắm ngư cụ tiếp tục ra khơi bám biển - Ảnh: hiển cừ

Ngóng chờ người thân

Dù vợ sắp đến ngày sinh nở, nhưng thuyền trưởng Trần Hiền vẫn phải tranh thủ ra khơi. Nào ngờ, anh Hiền bị bắt, bị giam giữ chưa biết ngày nào được đoàn tụ với gia đình, trong khi đó cách đây 5 ngày, chị Phúc đã một mình “vượt cạn”, gửi 2 đứa con thơ dại cho ông bà nội nuôi nấng. “Giờ nỗi lo lớn nhất là lấy đâu ra tiền mà nộp để chồng và tàu cá trở về nhà. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời của ngư dân Lý Sơn nhưng phía Trung Quốc lại ngang ngược bắt giữ. Thật phi lý”, chị Phúc nói.

Đây không phải là lần đầu tiên mà trong năm 2011, tàu cá QNg-66074 TS của gia đình thuyền trưởng Trần Hiền đã 2 lần bị phía Trung Quốc tấn công, lấy tài sản gây thiệt hại gần 200 triệu đồng. Trong lúc khó khăn, nợ nần, chương trình Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên đã hỗ trợ cho gia đình anh 60 triệu đồng để mua sắm thêm ngư cụ đưa tàu ra khơi giữ ngư trường. Nhưng “nhân tai” lại ập đến, khiến người thân ở đất đảo ngày đêm lo lắng, ngóng trông. 

Sớm can thiệp, yêu cầu Trung Quốc thả người

Sáng 21.3, tiếp xúc với PV Thanh Niên, ngư dân Lê Vinh - chủ tàu cá QNg-66101 TS, cho biết trước đây đã 2 lần nộp phạt cho phía Trung Quốc số tiền 100.000 nhân dân tệ mới được thả tàu về khiến gia đình trắng tay, nợ nần nên ông đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi yêu cầu can thiệp với phía Trung Quốc trả tàu cá và ngư dân sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết sau khi nhận được báo cáo xác minh của lực lượng biên phòng, UBND huyện lập tức có văn bản gửi các các cơ quan chức năng can thiệp, yêu cầu phía Trung Quốc sớm thả tàu, ngư dân đồng thời không được bắt giữ, xua đuổi, đập phá tài sản của ngư dân Lý Sơn khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. “Vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa đây là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Lý Sơn. Do vậy việc lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt giữ 2 tàu cá cùng 21 ngư dân Lý Sơn khi đang hành nghề ở vùng biển này là trái phép. Chính quyền địa phương yêu cầu gia đình các ngư dân kiên quyết không nộp tiền phạt và yêu cầu phía Trung Quốc phải thả vô điều kiện”, bà Hương nói.

Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi cũng đã có văn bản đề nghị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao phản kháng việc Trung Quốc bắt giữ, xử phạt ngư dân khi đang hành nghề tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và yêu cầu phía Trung Quốc thả vô điều kiện 2 tàu cá và 21 ngư dân Quảng Ngãi.

Hiển Cừ - Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.