'Bà cụ non' gặp bà cụ già nhất thế giới

25/01/2016 09:11 GMT+7

Bất chợt, cụ Trù nắm tay tôi rồi cười: “Tui biết chị thương tui lắm nên mới đến đây thăm tui, tui quý lắm, tui sẽ nhớ suốt đời”. Nghe câu nó đó lòng tôi không khỏi nghẹn ngào.

Đầu tháng 4.2015, tôi chập chững bước vào Báo Thanh Niên với tờ giấy giới thiệu thực tập. Chưa từng qua lớp nghiệp vụ báo chí, tôi chậm chạp hẳn so với các bạn cùng lứa.
Suốt hơn một tháng đầu, mỗi khi được giao đề tài mới, tôi vừa mừng vừa lo, chạy xe trên đường cứ tranh thủ gọi điện thoại hỏi hết người này đến người khác. May mắn là dù tôi hỏi giờ nào các anh chị cùng cơ quan đều tận tình trả lời và định hướng bài viết giúp tôi tránh lạc đề. Cũng vì cái bệnh lo nhiều, nghĩ nhiều của tôi trước mỗi đề tài như vậy mà một anh biên tập gọi tôi là “bà cụ non”.
Cuối tháng 4.2015, khi cụ Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893) được Hiệp hội Kỷ lục Thế giới công nhận là Cụ bà cao tuổi nhất thế giới, tôi được giao xuống tìm hiểu về cuộc sống của cụ. Tới nơi, tôi ngồi tại quán nước gần đó, chưa dám vào nhà vì không biết sẽ phải làm sao. Tôi gọi cho anh biên tập, anh bảo tôi bình tĩnh, rồi dặn tôi phỏng vấn những người này, hỏi những câu như thế này, chụp hình như thế này, quay phim thế này. Tôi cẩn thận ghi chú rồi mới bước vào nhà của cụ.
Cụ Trù vừa giơ tay ra vừa nói: “Cho tui nắm tay chị cái nha!”
Khi tôi đến, cụ Trù ngồi co ro trên giường, nói chuyện bâng quơ một mình. Thấy người lạ, cụ ngước lên nhìn rồi lại cúi xuống xếp mền, xé vài cọng chiếu cho khỏi buồn tay. Tôi ngồi nói chuyện với người nhà của cụ được tầm 5 phút thì cụ… đi ngủ. 
Một dịp khác tôi trở lại, cụ Trù vẫn ở nhà dưới, căn nhà dành riêng cho cụ, chẳng có gì ngoài cái giường và chiếc võng đặt sát nhau. Thấy tôi bước vào, cụ móm mém cười mời chúng tôi ngồi.
Có khách đến thăm, cụ Trù hôm ấy mừng lắm. Cụ cho tôi nghe rất nhiều chuyện về ngày cụ còn trẻ, cả câu chuyện từ thời nhà cụ còn ở ven sông cho đến chuyện hai vợ chồng cụ gặp nhau. Tất cả những câu chuyện của người hơn trăm tuổi rời rạc, chẳng chuyện nào liên quan đến nhau, nhưng nhìn cụ hào hứng kể, tôi chẳng nỡ cắt ngang.
Cụ Trù vui mừng khi có người đến thăm và nghe cụ kể chuyện 
Bất chợt, cụ Trù nắm tay tôi rồi cười: “Tui biết chị thương tui lắm nên mới đến đây thăm tui, tui quý lắm, tui sẽ nhớ suốt đời”. Nghe câu nó đó của cụ Trù mà lòng tôi không khỏi nghẹn ngào. Chẳng bao giờ tôi dám tin đó là lời nói của một cụ bà bị đãng trí đã lâu.
Nhìn sâu vào mắt cụ, tôi tin những gì cụ nói là xuất phát từ đáy lòng, có lẽ đã lâu lắm rồi, không có ai lắng nghe cụ nói chuyện và tâm sự. Tôi càng thấy thương cụ hơn khi cảm nhận được sự cô đơn, cảm nhận được những khoảng trống trong lòng cụ. Bao nhiêu khổ cực của một đời lam lũ dường như vẫn còn in hằn trên khuôn mặt, tất cả cuộc đời gom góp cho con cho cháu, nhưng đến giờ, mấy người hiểu được điều cụ mong muốn là gì.
“Có miếng bánh bằng ngón tay cái à mà chị cứ dọi vào chụp hoài”
Lúc cụ Trù đang ăn bánh, thấy tôi chụp hình tác nghiệp, cụ vừa cười vừa nói: “Có miếng bánh bằng ngón tay cái à mà chị cứ dọi vào chụp hoài. Chụp xong rồi có cho tui ăn nữa không?”. Tôi tiến lại gần, nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc nhỏ bé rồi trả lời: “Bà muốn ăn bao nhiêu cũng được hết, con có chuẩn bị cho bà nhiều quà lắm!”. Cụ Trù cười khoái chí, nắm chặt lại tay tôi rồi cười móm mém: “Vậy khi nào ăn hết tui kêu chị mua cho tui nữa nha!”
Hôm đó là lần thứ tư tôi đến thăm cụ nhưng là lần đầu tiên mà cụ nói chuyện và cười với tôi nhiều đến như vậy. Khi tôi chào cụ ra về, cụ níu tôi lại và dặn: “Lần sau chị đến nhớ mua cho tui nải chuối sứ nha, tôi sẽ cất để ăn dần dần.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.