Bao giờ Việt Nam có trung tâm xử lý khủng hoảng cho nạn nhân bị cưỡng dâm?

28/12/2016 08:22 GMT+7

Bị cưỡng dâm là những đau đớn thể xác và tủi nhục tâm hồn. Có người đã tìm đến cái chết để kết thúc mọi nỗi đau. Vậy, ở Việt Nam, có trung tâm nào xử lý khủng hoảng cho những người bất hạnh bị cưỡng hiếp?

Cuối tuần qua, tôi được xem một bộ phim rất ý nghĩa - Brave Miss World, tạm dịch “Hoa hậu thế giới dũng cảm”. Bộ phim nói cô gái quốc tịch Israel tên Linor Abargil, bị cưỡng hiếp tại Milan, Ý trước vòng chung kết Hoa hậu thế giới năm 1988, tuy nhiên, vượt qua tất cả những nỗi đau đớn, tủi nhục và dự định muốn chết, cô đăng quang Hoa hậu và tiếp tục cuộc đấu tranh vì công lý, phá vỡ sự im lặng.
Cô đã lên tiếng, buộc kẻ cưỡng hiếp cô phải chịu án tù 16 năm. Năm 2008, Linor Abargil mở ra trang web Brave Miss World, ghi lại câu chuyện của chính mình và lắng nghe tất cả những nỗi đau của các cô gái từng bị cưỡng hiếp, cho các cô lời khuyên sáng suốt, như một trung tâm xử lý khủng hoảng cho các cô gái. Linor Abargil cũng đi khắp thế giới, tới Mỹ, rồi Nam Phi, lắng nghe những câu chuyện bất hạnh của những người phụ nữ, khuyến khích họ dám lên tiếng, phơi bày tội ác của những kẻ xấu.
Để chính mình đối diện với hai từ “cưỡng hiếp”, để mở một trung tâm xử lý khủng hoảng cho các cô gái từng rơi vào hoàn cảnh như mình, Linor Abargil, một Hoa hậu thế giới phải mất đến hơn 10 năm. Vậy còn ở Việt Nam, một đất nước Á Đông, nơi mà tấm màn thành kiến xã hội vẫn còn che phủ rất dày, những em gái, những cô gái từng không may bị cưỡng hiếp, họ sẽ mất bao lâu để dám mở lời với chính những người thân thiết đang ở quanh mình, chứ chưa nói họ dám công khai hình ảnh cá nhân và tố cáo kẻ xấu? Một lần nữa nhắc đến hai từ “hãm hiếp” là một điều vô cùng khó khăn với những ai từng (phải) trải qua.
Cuối tuần qua, tôi được lắng nghe câu chuyện có thật của một cô gái tên Hoa Lau (tên thật đã được thay đổi), ở một miền quê, năm em bị tấn công tình dục bởi chính bạn trai của em, em còn rất trẻ.
Theo Hoa Lau, trước khi yêu nhau, cô có thỏa thuận bạn trai nên giữ cho cô sự trong trắng, anh ta từng đồng ý, nhưng một ngày, anh ta lừa cô gái đến căn nhà vắng người và thay đổi. “Tôi khóc lóc, cầu xin. Anh ta nói với tôi “bây giờ mày như thế với tao, thì tao phải chiếm đoạt được mày”, tôi hét lên, anh ta tát tôi đúng 3 cái, tôi nằm im, tôi cầu xin, tôi khóc lóc, anh ta không cho, lần nào tôi khóc thì anh ta lại tát”, Hoa Lau kể lại.
Hoa hậu thế giới năm 1998, cô Linor Abargil, một phụ nữ dũng cảm đến nay là người chống bạo lực tình dục nổi tiếng toàn cầu Gettyimage
Sau đó, dù được giải cứu kịp thời (một người thấy tiếng ồn trong ngôi nhà đã đập cửa), nhưng Hoa Lau bị khủng hoảng. Những tin nhắn đe dọa của người bạn trai kia tiếp theo sau đó khiến cô gái bị hoảng loạn tâm lý, trầm cảm một thời gian dài. Cô không nói với ai, không cho ai chạm vào người, kể cả mẹ. Đỉnh điểm, cô lên cơn co giật, trùm chăn, khóc thét khi mẹ gặng hỏi có chuyện gì xảy ra. Ít nhất 2 lần, cô nghĩ tới cái chết.
Hoa Lau cho hay, đến thời điểm này, cô quyết định kể lại câu chuyện này với tất cả mọi người vì cô đã qua khoảng thời gian khó khăn nhất. Cô chưa sẵn sàng để công khai hình ảnh cá nhân, nhưng muốn lên tiếng để nhắn nhủ với các bạn nam, đừng làm tổn thương các bạn nữ, đồng thời, cô muốn nói với các bạn nữ phải tích lũy kinh nghiệm sống để biết rằng cuộc sống sẽ có nhiều lúc rất khó khăn, phải vượt qua, đừng nghĩ đến cái chết.
Thật đáng báo động, tại tọa đàm Bạo lực tình dục vừa diễn ra tại Rạp Tháng Tám tối 23.12, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành viên CSAGA cho biết, theo số liệu được nghiên cứu về vấn đề bạo lực tình dục tại Việt Nam trong 5 năm năm qua, có hơn 5.600 trẻ em bị xâm hại tình dục, đây là con số riêng trẻ em, không phân biệt trai gái. Như vậy cứ 1 năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, cứ 1 ngày có 3 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Cũng theo bà Nguyễn Vân Anh, theo một cuộc khảo sát khác, có đến 87% phụ nữ ở Hà Nội, TP.HCM bị quấy rối tình dục nơi công cộng ít nhất 1 lần trong đời. Ở một số tỉnh do trung tâm CSAGA nghiên cứu, chính những người thực hiện cũng phải kinh ngạc khi thấy kết quả có 11-14% các em bị xâm hại, có em bị đến 14 lần.
Tuy nhiên, trước thực trạng đáng báo động này, hiện tại ở Việt Nam chưa có trung tâm xử lý khủng hoảng sau khi bị cưỡng dâm, bị tấn công tình dục. Theo lời người đứng đầu tổ chức phi chính phủ nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành viên CSAGA, tại Việt Nam chỉ có tổng đài 18001567, giải đáp mọi vấn đề của trẻ em. Hoặc chính CSAGA cũng chỉ có tổng đài 0437759339 xử lý bạo lực chung.
Như vậy, những nạn nhân của cưỡng hiếp, tấn công tình dục, không kể phụ nữ, ngay cả những em bé trai, những thanh niên, họ chưa biết gọi đến ai để chia sẻ câu chuyện của chính mình. Và lớn hơn, để động viên, giúp họ dám xóa bức màn định kiến kỳ thị của xã hội để lên tiếng tố cáo, buộc những kẻ gây ra tội ác phải đền tội, họ chưa biết tìm đến ai tin cậy.
Linor Abargil, hoa hậu thế giới 1998 đã có một gia đình hạnh phúc với 3 đứa con đáng yêu, cô đang là một luật sư, một nhà hoạt động chống bạo lực tình dục nổi tiếng toàn cầu. Linor Abargil vẫn lắng nghe những nỗi đau của nạn nhân bị hãm hiếp ở Việt Nam, tôi tin là như thế, nhưng chúng tôi, những người phụ nữ, có em gái, chị gái, bạn gái và sẽ có những đứa con, chúng tôi mong muốn một Trung tâm xử lý khủng hoảng ngay ở Việt Nam. Điều này, liệu có phải chờ đến nhiều năm nữa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.