Chuyện tình đẹp nhất đại dương và câu chuyện làm báo

Một câu chuyện thú vị nên cho dù nó xảy ra cách đây 30 năm nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi.

Tôi nói thú vị là ở góc độ nó như một bài học đắt giá về nghề, chứ thực ra nó rất khôi hài và rất có phần ê chề của người làm báo, nó thuộc thể loại cười ra nước mắt.
***
Một buổi sáng đẹp trời kiểu gió Lào cát trắng, anh em làm báo, như thường lệ, ngồi ở quán cà phê quen thuộc.
T. lấy ra mấy tấm ảnh rồi nói với các bạn nghề thế này, thế này…
Lúc sau thì A. (đang làm phóng viên thường trú cho một tờ báo khác) đến. A. nghe chuyện xong xin T. một tấm ảnh rồi chào đi luôn.
A. vẫn thế, hóng được chuyện gì là đi ngay, không rề rà phê pháo.
Hôm sau, trên trang nhất của tờ báo A. đang làm có bài chạy hàng tít lớn: "Chuyện tình đẹp nhất đại dương". Đăng bức ảnh hôm qua A. xin của đồng nghiệp nhưng ký tên mình. Chuyện đó cũng nên nói nhưng không phải là chuyện đáng nói của bài viết này.
Bài báo trên trang nhất đó viết đại ý rằng, hôm qua, một con cá voi cái nặng chừng 7 tấn dạt vùng biển Quảng Trị. Con cá voi này bị nạn từ ngoài khơi nhưng được một con cá voi đực bạn tình dìu vào bờ. Thương tiếc bạn, cá voi đực dìu cá voi cái bơi mấy vòng trên biển rồi mới đẩy bạn lên bờ trước sự chứng kiến của người dân vùng biển. Mọi người ai nấy rưng rưng.
Khi người dân đưa cá voi cái lên bờ, cá voi đực vẫn không chịu trở lại đại dương mà cứ quanh quẩn trong vùng biển cạn.
Dân làng biển xúc động với sự thủy chung của cá voi đực bèn gấp rút xây cái bệ xi măng cao, cẩu cá voi cái lên, hướng đầu ra biển, nơi cá voi đực đang ngóng vào bờ rồi thắp hương khấn vái. Đến nửa đêm, cá voi đực nhảy lên mặt nước, kêu mấy tiếng rồi quẫy đuôi chào trước khi bơi đi.
Một chuyện tình đẹp nhất đại dương.
Anh em làm báo đọc xong té ngửa.
Sự thật là, T. đã chụp bức ảnh con cá voi trên bệ nhưng cũng làm bằng xi măng trong lễ hội cầu ngư. Vì giận A. là người “đưa tin hóng hớt” nên mới tìm cách chơi một vố. Trong thâm tâm, T. chỉ muốn A. phải chạy xe về xã vùng biển đó và phát hiện ra mình bị lừa cho bõ ghét. Ai dè A. dính bẫy quá sâu. Sâu đến mức không nhận ra cá thật và tượng cá.
Ở xã vùng biển đó không ai đọc báo, mạng meo không có như bây giờ nên cũng không ai phản hồi nên tờ báo cũng không đính chính.
***
Kể lại câu chuyện này là vì, hiện nay vẫn có nhiều người, thậm chí rất nhiều người làm báo kiểu hóng hớt như thế nhưng ở cấp độ tinh vi hơn. Họ ngồi trước màn hình máy tính và viết đủ chuyện…. như thật.
Mới đây thôi, trong ngày 5.6, hai tờ báo cùng lúc đăng bài giống nhau: "Chủ cũ ngồi tù, 8 cao ốc 33 tầng sẽ mọc trên sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng".
Thực ra thông tin 8 cao ốc làm trong sân vận động Chi Lăng là quy hoạch công bố từ năm 2013, sau đó ông chủ Tập đoàn T. bị bắt, hai sự kiện ở hai thời điểm khác nhau và xảy ra đã lâu nhưng được mấy người “xào báo” ghép nối lại y như mới. Vô vàn bạn đọc bị lừa.
Bạn đọc chắc đã “quá quen” với chuyện ăn cắp ảnh, status tên Facebook, note trên blog rồi ký tên mình, thậm chí không thèm sửa chữ nào. Bản thân người viết bài này nhiều lần được bạn đọc quen biết dẫn link.
Thông tin trên mạng là một nguồn tin nhưng phải được tự người làm báo kiểm chứng. Đã rất nhiều người bị bẫy, dính cú lừa của người chơi Facebook, sau đó tờ báo buộc phải gỡ bài. Cái này lỗi không chỉ người viết mà cả người biên tập và người duyệt.
Cá nhân tôi nghĩ, làm báo không phải chuyện gì cũng viết và chuyện gì cũng mô tả y chang, nó phải thẩm thấu qua lăng kính người làm báo. Hiện nhiều người làm báo viết bằng cách bóc băng ghi âm rồi chép lại y nguyên, chỉ lược vài câu theo dụng ý của mình. Trong cuộc trò chuyện, kể cả những người lãnh đạo cao, cũng có lúc chuyển sang tâm sự, cũng có lúc chia sẻ, cũng có lúc nóng nảy… vì họ cũng là con người. Chuyện gì cũng đặt trong bối cảnh, trong văn cảnh, nếu tách ra thì câu chuyện hoàn toàn khác hẳn.
Kiểu làm báo không qua lăng kính người làm báo được ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An khái quát một câu: “Ăn thế nào đi ra thế đó”.
Trong quyển “Lời tự thú của một nhà báo Mỹ”, nhà báo trứ danh Tom Plate, giáo sư môn Đạo đức truyền thông Đại học California, người sáng lập mạng lưới truyền thông Châu Á - Thái Bình Dương khuyên: “Đừng bao giờ đánh mất khái niệm của mình về sự tồn tại và sự quan trọng của đạo đức đối với bản thân và giá trị con người bạn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.