Làm báo ở Trường Sa

21/06/2017 09:18 GMT+7

Trải nghiệm những ngày làm báo ở Trường Sa thực sự mang lại những cảm xúc đặc biệt...

Gần 20 năm lăn lộn trong nghề báo, từng run lên vì sung sướng khi đọc những thông tin nóng, độc của mình được đăng trang trọng trên số báo ra ngày hôm sau, nhưng trải nghiệm những ngày tham gia làm chương trình truyền thanh trên tàu trên hải trình thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 mới thực sự mang lại những cảm xúc đặc biệt.
“Đây là chương trình truyền thanh tàu 571…”
Đoàn công tác số 12 năm 2017 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của chúng tôi khởi hành vào trung tuần tháng 5. Hải đoàn gồm khoảng 250 thành viên, đến từ nhiều bộ ngành, địa phương khác nhau, trong đó Văn phòng chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là các cơ quan đầu mối chính. Nhà báo đi theo đoàn có khoảng 10 người, từ các cơ quan báo chí khác nhau, gồm các báo: Hải quân, Thanh Niên, Biên phòng, Nông nghiệp Việt Nam, An ninh thủ đô, Đắk Nông, các tạp chí An toàn thông tin, Người làm báo, báo ảnh Đất Mũi và kênh truyền hình VOV.
Sau khi tàu rời bến Cát Lái, TP.HCM, đại tá Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân họp riêng với cánh nhà báo chúng tôi để giao nhiệm vụ. “Đề bài” của anh Dũng giao là “trong 10 ngày cố gắng phát được 5 bản tin”, với những nội dung không chỉ có tính chất chia sẻ thông tin hoạt động của đoàn mà còn tạo kênh giao lưu và kết nối các thành viên trong đoàn với nhau. Người chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất bản tin là đại úy Đặng Thanh Tùng, báo Hải quân. Còn chúng tôi tùy sở trường và hứng thú của mỗi người để tham gia đóng góp cho việc sản xuất bản tin theo cách của mình. Lúc ấy mọi người cũng đã hình dung công việc sẽ do những người trẻ đảm nhận là chính. Phóng viên báo Thanh Niên tuy không còn trẻ nhưng mang danh “báo lớn” nên cũng được mặc nhiên được xem là phải tham gia việc làm bản tin.
Việc sản xuất bản tin diễn ra khá trôi chảy. Trong nhóm có sẵn một bạn nữ là biên tập viên kênh truyền hình VOV có giọng đọc tốt. Đang cần thêm một giọng nam giới thì may quá. Nhóm đã thuyết phục được trung tá Vũ Quang Hưng, cán bộ hậu cần của Quân chủng Hải quân, người có giọng nói ấm mà vang, đồng ý làm “cộng tác viên”. Cuối ngày, cả nhóm hoặc một ai đó (được phân công) ngồi viết tin, sau đó đại úy Tùng đưa đi in thành hai bản rồi giao cho các phát thanh viên đọc ngay trên cabin và truyền thanh trực tiếp trên toàn tàu vào 21 giờ tối. Sau nhạc hiệu chương trình là giọng anh Hưng trầm ấm cất lên: “Đây là chương trình truyền thanh tàu 571”, tiếp theo là giọng nữ truyền cảm: “Cập nhật thông tin, chia sẻ cảm xúc”. Dù chỉ là một bản tin truyền thanh nội bộ nhưng nhóm vẫn cố gắng làm phong phú bản tin bằng cách “đổi món” liên tục trong cơ cấu chương trình. Hôm nào cũng có tiết mục đọc thơ (dĩ nhiên rồi, vì ngày nào nhóm cũng nhận được vài ba bài thơ (thậm chí bài nhạc) được gửi đến từ các thành viên trong đoàn), rồi ca nhạc, rồi đối thoại.
Sau khi bản tin đầu tiên được phát đi, cả nhóm đều rất phấn chấn, vì trước giờ ở nhà toàn làm báo trong một hệ thống, mỗi cá nhân chỉ là một mắt xích nhỏ, còn giờ thì mỗi người đều trực tiếp tham toàn bộ quy trình khép kín của việc sản xuất. Nhưng phải đến tận bản tin thứ ba thì cảm xúc của cả nhóm mới thật sự được thăng hoa, bởi bắt đầu nhận được sự chú ý của nhiều thành viên trong đoàn công tác. Tình cờ, bản tin thứ ba lại do phóng viên báo Thanh Niên chắp bút (theo sự phân công). Bạn Huyền Trang VOV thỉnh thoảng lại í ới: “Chị Hiên ơi, sướng nhé, lại thêm một người nữa khen bản tin hôm qua nghe rất xúc động”. Vì chịu áp lực của những lời khen đó mà đến bản tin thứ tư, thứ năm, mấy bạn phóng viên trẻ (ở tạp chí Người làm báo và An toàn thông tin) dù đến lượt viết bài cũng nằng nặc muốn phóng viên Thanh Niên viết cùng.
Những ngày tham gia làm chương trình truyền thanh trên tàu trên hải trình thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 thực sự là những ngày đặc biệt
Vừa say sóng vừa đối thoại
Theo kế hoạch, sau hoạt động ghé thăm nhà dàn DK1, cũng là điểm thăm cuối cùng của hải trình (sau đó tàu nhổ neo chạy một mạch hai ngày để về đất liền), thì nhóm sẽ làm bản tin cuối cùng. Trớ trêu thay ngày hôm đó biển động, hầu hết thành viên trong nhóm đều nằm bệt ra vì say sóng. Thực ra có thể không làm nữa, vì đã hoàn thành “định mức” 5 bản tin. Nhưng kế hoạch đã vạch ra, bao nhiêu ý tưởng hay cho chương trình cuối, giờ bỏ dở thì rất tiếc.
Vậy là một mình phóng viên báo Thanh Niên hì hụi ngồi viết tin, viết lời dẫn tiết mục cảm xúc (đọc thơ của các thành viên trong đoàn vừa ứng tác), lên kịch bản chương trình đối thoại, đặt câu hỏi với các khách mời đặc biệt (ba lãnh đạo đoàn), vừa chạy đi liên hệ với khách mời. Rất may là Trưởng đoàn Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, vốn là thính giả thường xuyên nghe bản tin, nên thích và ủng hộ công việc của nhóm. Phó đoàn, Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp cũng nhận lời ngay sau khi báo Thanh Niên ngỏ lời mời làm khách VIP. Duy chỉ có Phó đoàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thì tỏ ra lưỡng lự. Vốn đã quen tác phong “đeo bám” nhân vật trong quá trình tác nghiệp hàng ngày ở cơ quan, phóng viên báo Thanh Niên vẫn không bỏ cuộc, tranh thủ lúc đang có mặt ông Hà và ông Điệp thì tiếp tục đặt vấn đề làm đối thoại. Vừa mời, vừa nhìn sang ông Hà và ông Điệp như để tìm đồng minh, được hai ông mỉm cười khích lệ, nên càng thêm tự tin. Trước tình huống đó, ông Tám đã phải nhận lời.
Trước khi chạy chương trình 15 phút, nhóm (lúc đó chị Huyền Trang VOV, anh Thanh Tùng báo Hải quân cũng đã cố bò dậy) đã sốt sắng chia nhau đi mời ba vị khách mời lên cabin. Như thường lệ, chỉ huy trưởng hành quân của đoàn là đại tá Nguyễn Ngọc Liêm, Phó tham mưu trưởng vùng 4, đã tạo điều kiện cho ê kíp làm bản tin cho phép bật đèn khoang ca bin (tạm thời điều khiển tàu qua màn hình ra đa). Nhưng hệ thống truyền thanh của tàu chỉ có duy nhất một micro, thành thử phải chấp nhận 5 người (3 khách mời, 2 phát thanh viên) chuyền tay nhau chiếc micro đó. Ngoài kia là một màn đêm đen thẫm, sóng biển vẫn xô tàu lắc lư, dân ngoại đạo chúng tôi khi đứng trong cabin (vị trí gần cao nhất của con tàu) đều phải bám tay vào một điểm tựa nào đó để tránh ngã. Chị Huyền Trang đang đọc mà có lúc không chịu nổi, ôm bụng chạy vào toilet, một lát sau hồi sức đôi chút lại chạy ra dẫn tiếp, nhưng bản tin vẫn không bị gián đoạn nhờ anh Quang Hưng rất linh hoạt, khi cần thì đọc luôn cả đoạn phân cho giọng nữ.
Chương trình cuối cùng dài hơn thường lệ 15 phút (nhờ những chia sẻ rất thú vị, nhiều thông tin từ ba vị khách mời). Khi kết thúc, từ khách mời đến ê kíp làm chương trình đều tươi cười rạng rỡ, vì ai cũng thấy vui, thấy mình đang tham gia vào một hoạt động rất ý nghĩa, ghi lại những dấu ấn sâu sắc khó quên cho các thành viên trong đoàn công tác. Rồi hồi âm từ các thành viên trong đoàn cũng khiến ê kíp làm chương trình rất vui. Đại tá Nguyễn Trung Dũng khen: “Chương trình hôm qua làm ấn tượng đấy! Các câu hỏi dành cho khách mời rất hay, khách mời trả lời cũng rất chân tình”. Vui hơn nữa là các nhà báo trong đoàn (nhưng không tham gia làm bản tin) cũng tìm đến phóng viên báo Thanh Niên để xin file ghi âm cuộc đối thoại về để khai thác, sử dụng cho báo nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.