Quà ân tình

21/06/2016 07:46 GMT+7

Đó là một nải chuối xanh. Ngoài nải chuối ra, tôi còn nhớ anh thanh niên bỏ vào cái túi ni lông ba quả xoài cũng xanh đưa cho tôi trong khi trời nhá nhem tối nữa. Đó là một ngày tháng hai, trời còn rét căm căm.

Anh thanh niên tên là Mạnh, chồng của chị Hà, nhân vật trong bài viết “Tình yêu chiến thắng ung thư xương” mà tôi thực hiện từ hai năm trước. Hôm đó, nài nỉ tôi ở lại ăn bữa cơm không được, anh Mạnh rất áy náy khi trời đã tối, và cô phóng viên - là tôi đây là lăm lăm gạt chân chống xe để phóng từ Bắc Giang về Hà Nội (quãng đường chừng 80 km). Anh nhìn khắp nhà, không có gì cả, trên bàn uống nước, có một nải chuối xanh.
“Chuối này nhà anh trồng, cô mang về giấm cho chín rồi ăn nhé. Đây nữa, mấy quả xoài, cô mang về cho anh chị vui. Quà quê không có gì nhiều cả”, anh Mạnh vừa nói vừa treo tất cả vào xe máy, tôi ú ớ, chỉ biết để yên. Chị Hà, lò cò với một bên chân còn lại từ trong nhà ra cửa, cứ đứng vẫy vẫy cho đến khi chiếc xe của tôi đi khuất. Món quà trên đường tác nghiệp giản đơn như thế.
Trước Tết vừa rồi, chúng tôi đi công tác Hà Giang. Đoàn có mỗi hai người. Chụp hình, phỏng vấn cả ngày trời, khi trời tối mịt thì đến giữa đỉnh núi thuộc xã gì không nhớ, chúng tôi chỉ biết đấy là huyện Mèo Vạc. Sóng điện thoại tắt ngóm, trời tối om như đêm 30, rét cắt da cắt thịt, cái xe máy thuê cả ngày có dấu hiệu chết máy, trong người không một miếng bánh và chai nước. Chúng tôi vừa đi vừa run, may làm sao nhìn thấy đốm sáng leo lét phía trước.
Nải chuối tặng cô phóng viên 2
Những trải nghiệm trên mỗi chặng đường xa xôi khiến chúng tôi yêu nghề báo của mình hơn
Đó là một căn nhà lá, thấp tè, nằm trên sườn núi. Hai vợ chồng ông bà lão người Mông biết chừng một chục câu tiếng Kinh thấy hai vị khách lạ có dấu hiệu sắp ngất vì đói và lạnh vội vã đi nấu cơm và ít canh cải đắng. Nhà còn một miếng thịt treo trên gác bếp, ông lão cắt xuống một ít, rửa sạch và rim trên bếp. Chưa bao giờ tôi ăn được nhiều cơm như lần ấy. Quà trên đường tác nghiệp, đôi khi là sự sống.
Cũng gần Tết vửa rồi, tôi đang ngồi ở cơ quan hoàn thiện bài vở, bỗng nghe được điện thoại của một người đàn ông hớt hải: “Em ơi, em đang ở chỗ nào, anh mang con gà lên để em mang về biếu bố mẹ ăn Tết”. Anh thanh niên nuôi gà khởi nghiệp trong một bài viết của tôi chạy từ Hưng Yên lên Hà Nội trên chiếc Honda cũ, trời thì rét căm căm, để giao tận tay cho tôi con gà trống chưa biết gáy. Anh dặn đi dặn lại, nhớ mang cẩn thận về kẻo nó chết giữa đường thì tội nghiệp. Đêm đó, con gà trống ọ ẹ trong chiếc túi ni lông, tôi không ngủ được, có những nỗi xúc động âm thầm chỉ từ một con gà như thế.
Bạn bè tôi không nhiều người hiểu về nghề báo, mọi người tưởng tượng ra một công việc sang chảnh, được ăn mặc thật đẹp, tới những nơi hoành tráng, gặp những người quan trọng và được nể trọng - tại bất cứ nơi nào mình xuất hiện. Những em sinh viên năm nhất, năm hai trường Báo chí, tôi hỏi vì sao em chọn ngành này, các em hồn nhiên: “Em muốn được đi thật nhiều nơi, khám phá thật nhiều thứ mới mẻ”. Nghề báo, không lấp lánh toàn màu hồng như thế. 
Có lẽ tôi không cần kể thêm những nỗi gian truân trên con đường cầm bút của mỗi chúng tôi và những anh chị đi trước, nhiều người từng đổ máu vì nghề báo. Người len lỏi vào rừng phòng hộ đang bị tàn phá để có được những thước phim đắt giá; người lặn ngụp trong những bãi rác thải; đóng giả những người làm công trong những xưởng chế biến thực phẩm dùng toàn hóa chất, phanh phui về chất độc tàn bạo làm hại chính đồng bào mình…
Chúng tôi, hôm nay mặc quần áo thật đẹp vào dự một cuộc họp báo trang trọng thật đấy, nhưng ngày mai, sẽ chẳng ai nhận ra chúng tôi lôi thôi trong bộ quần áo đã nhàu nhò, cũ kỹ trên đường lên miền núi. Có những lúc rất mệt mỏi, thất vọng, tôi muốn bỏ hết để làm một công việc ngày 8 tiếng bình yên như bao người khác. Nhưng, bạn tin không, thứ bình dị đưa tôi về những khao khát được cống hiến với nghề, đó là nải chuối xanh, quả xoài chua, con gà trống, cái bắt tay rất chặt của những phụ nữ miền núi cao được tặng chiếc áo ấm, tiếng reo vui của những em bé Mông lần đầu tiên biết thế nào là hộp sữa…
Những món quà yêu thương của những mảnh đất tôi đã bước qua cho tôi sự sẵn sàng để tiếp tục khổ, tiếp tục vui, tiếp tục xúc động, trăn trở với nghề nguy hiểm nhưng cũng lắm yêu thương này - nghề báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.