Bỏ biên chế ngành giáo dục: Ai đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm?

29/05/2017 14:30 GMT+7

Làng giáo chức đang xôn xao trước thông tin sẽ bỏ biên chế, chuyển qua hợp đồng đối với giáo viên ở các cấp học.

Xưa nay, đã được vào biên chế, nghiễm nhiên trở thành thầy giáo, cô giáo, là nghiễm nhiên cầm lấy sổ lương cho đến lúc về hưu. Nay chuyển qua hợp đồng, “có ra, có vào” nói như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, sao không lo lắng được?
Nhìn chung, dư luận xã hội đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đa số cho rằng, bỏ biên chế là phù hợp, là đúng với xu hướng lựa chọn giá trị cung - cầu hiện nay; là loại bỏ những cá nhân yếu kém; là tránh được tình trạng chạy biên chế hàng trăm triệu một suất như hiện nay... Nhưng, bên cạnh đó, cũng không thiếu những ý kiến hoài nghi về mục đích cũng như tính hiệu quả của chính sách mới này.
Là một giáo viên nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi nhận thấy một số bất cập sẽ diễn ra, nếu không có lộ trình phù hợp, sẽ rất lung túng khi thực hiện.
Thứ nhất, nếu trao quyền lựa chọn giáo viên cho hiệu trưởng nhà trường, sẽ phải tính đến sự giám sát chặt chẽ để tránh sự lạm quyền để trục lợi cá nhân? Ai đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm trong việc lựa chọn? Ai chắc chắn được hiệu trưởng không vì người thân, thậm chí vì tiền, vì các mối quan hệ mà nhận, sử dụng giáo viên yếu kém, loại bỏ những người có năng lực? Nếu không có cơ chế giám sát hữu hiệu, các trường học sẽ dễ dàng hình thành một nhóm lợi ích gồm người thân, người nhà của hiệu trưởng, những giáo viên khác muốn yên thân để tiếp tục hợp đồng cũng sẽ là những “thợ dạy” bảo sao nghe vậy. Một tập thể giáo dục như vậy, sẽ đi về đâu?
Cũng có ý kiến cho rằng, nên thành lập một “Hội đồng giáo dục” trong nhà trường để mọi kiến nghị đưa ra đều phải thông qua ý kiến tập thể. Vậy, thành viên của hội đồng ấy gồm những ai?Hoạt động theo cơ chế nào để không bị thao túng bởi người đứng đầu? Rồi hệ thống các tiêu chí để đánh giá năng lực phẩm chất của giáo viên là do trường đưa ra hay do các cấp quản lý quy định?...
Theo tôi, Bộ nên thí điểm ở một số trường học có thể là ở một số địa phương trọng điểm thuộc các thành phố lớn trước, sau đó, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó mới tiến hành đại trà. Như thế thì sẽ khắc phục được những trở ngại, đem lại hiệu quả cao trong việc dạy và học.
Tóm lại, một chính sách dù vô cùng đúng đắn về mặt lý thuyết nhưng khi đưa vào áp dụng trong thực tế cũng sẽ nảy sinh bất cập. Đó là chưa nói đến, giáo dục là một ngành đặc thù, sản phẩm là con người, nếu không tính toán kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp để thử nghiệm điều chỉnh, một thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả trực tiếp, lâu dài và không thể sửa sai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.