Cần tăng lương cho công chức nhưng phải tăng chế tài

13/09/2017 12:48 GMT+7

Chuyện lương của cán bộ, viên chức, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, hành chính sự nghiệp hiện nay quá thấp, thậm chí là mức lương không đủ sống có thể thấy không phải là chuyện mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Làm một phép tính đơn giản, với nhiều cán bộ, công chức hiện nay, nếu làm việc lâu năm, có thâm niên công tác trên dưới chục năm trong một cơ quan, đơn vị hành chính, hành chính sự nghiệp, mức tiền lương hằng tháng (lấy hệ số nhân với mức lương cơ sở, khác với mức tiền lương của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp) trung bình chỉ vào khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó đối với một sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường và được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan thì mức lương cũng chỉ "tròm trèm" được hơn 3 triệu đồng/tháng. Thú thật, với "đồng lương" đó thì việc người cán bộ, công chức không đủ chi tiêu cho bản thân chứ đừng nói gì đến việc nuôi con nhỏ hay phụ giúp người thân, gia đình.
Một thực tế có thể thấy như hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, là những người đang làm việc trong các cơ quan hành chính, hành chính sự nghiệp của nhà nước, có người sau một thời gian làm việc đã xin chuyển ra ngoài để làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp hay các đơn vị ngoài khu vực tư nhân bởi hầu hết xuất phát từ một phần "lý do" là mức lương chưa thỏa đáng và không đủ sống.
Thậm chí đã có người mà tôi biết, sau nhiều năm làm việc trong cơ quan nhà nước và được cơ quan cử đi du học nước ngoài (lấy kinh phí từ tiền ngân sách của nhà nước) sau khi về nước phục vụ được một thời gian cũng đã bỏ việc hoặc xin chuyển công tác và chấp nhận đền bù chi phí đào tạo để được "ra đi". Một thực tế có thể nói là hết sức "đau lòng"?
Bản thân tôi cũng có người quen tốt nghiệp đại học y dược loại khá mới ra trường được gần hai năm, sau một thời gian làm việc cho một bệnh viện công cũng đã xin chuyển ra ngoài khu vực tư nhân và hiện đang làm việc cho một bệnh viện quốc tế ngoài lý do không chỉ vì mức lương quá thấp khi làm việc cho bệnh viện công, không đủ sống mà còn vì công việc cũng như trách nhiệm của một bác sĩ quá nặng nề.
Có thể nói, với mức tiền lương hiện nay của một cán bộ, công chức hiện hưởng thì việc các cơ quan nhà nước nói chung và nói riêng ở thành phố thì việc khó giữ chân người giỏi, người tâm huyết với nghề với ngành cũng là điều dễ hiểu chứ đừng nói đến việc thu hút nhân tài về làm việc.
Bên cạnh đó một điều khá "nghịch lý" hiện nay có thể thấy, với một thành phố với hơn 10 triệu dân và hàng chục ngàn doanh nghiệp, điều đó cũng đồng nghĩa là mỗi ngày mỗi người cán bộ, công chức của thành phố phải làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp rất nhiều, năng suất bình quân cũng như hiệu quả công việc cao hơn nhiều lần so với cả nước, thậm chí là đứng đầu cả nước. Thế nhưng mức lương vẫn phải theo quy định chung của cán bộ, công chức, viên chức làm trong các cơ quan, đơn vị nhà nước là một nghịch lý có thể nhìn thấy.
Không thể nói rằng, xuất phát từ đồng lương thấp nên cán bộ, công chức "được quyền" nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp hoặc nghiêm trọng hơn là tham nhũng, hối lộ? Bởi lẽ một khi đã xác định tư tưởng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước thì mỗi cán bộ, công chức cần xác định tư tưởng và phấn đấu vì mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.
Thế nhưng hệ quả từ đồng lương quá thấp có thể sẽ phát sinh ra nhiều "hệ lụy" có thể nhìn thấy trước mắt, đó là mức sống của người cán bộ, công chức sẽ thấp kém; một bộ phận cán bộ, công chức không làm chủ được mình trước những cám dổ, "sức mạnh" của đồng tiền, dễ dẫn đến tha hóa, biến chất, nguy hiểm hơn là hành vi vi phạm pháp luật tham ô, tham nhũng...
Mới đây, việc thành phố đã có những chủ trương cũng như đề xuất Chính phủ được quyền quy định về mức lương cũng như tăng lương cho cán bộ, công chức hiện đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước vì hiện nay năng suất làm việc của mỗi cán bộ, công chức của thành phố bình quân cao hơn rất nhiều so với cả nước, việc áp dụng mức lương theo quy định chung là chưa hợp lý. Việc tăng lương cũng là cách để thành phố có cơ chế riêng nhằm thu hút nhân tài... Có thể thấy là một đề xuất "lý tưởng" và rất hợp lý so với sự phát triển chung của thành phố, đảm bảo đời sống của hàng triệu cán bộ, công chức đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước và điều quan trọng nhất là sẽ hạn chế đến mức thấp nhất cũng như "triệt tiêu" tệ nạn nhũng nhiễu, thói quan liêu, hách dịch từ một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém, tha hóa, biến chất.
Bên cạnh đó tôi cho rằng, để việc tăng lương cho mỗi cán bộ, công chức nói chung và nói riêng là cán bộ, công chức của thành phố có ý nghĩa thì cần phải kèm theo những "cam kết" và những chế tài thật sự nghiêm khắc. Một khi phát hiện cán bộ, công chức vi phạm, dù là những vi phạm nhỏ nhất thì cũng cần thiết phải xử lý nghiêm, công khai, kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém, thiếu năng lực chuyên môn, tha hóa, biến chất ra khỏi bộ máy nhà nước để hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, có chất lượng cao vì mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.