Chống virus corona kiểu... 'phát loa phường'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
03/02/2020 08:37 GMT+7

Nhiều cư dân nơi tôi ở đang rất hoang mang khi nghe toà nhà phát loa tìm người Trung Quốc mà thực chất là để kê khai về tình trạng tạm trú của người Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống lây nhiễm virus Corona.

Nhiều cư dân nơi tôi ở đang rất hoang mang khi nghe toà nhà phát loa tìm người Trung Quốc mà thực chất là để kê khai về tình trạng tạm trú của người Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống lây nhiễm virus Corona.
Trưa nay, 2.2, tôi vừa phải đề nghị Trưởng ban đại diện lâm thời toà nhà (một chung cư trong bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) triệu tập cuộc họp với các trưởng tầng để làm rõ thông tin: trong toà nhà mình hiện có bao nhiêu người Trung Quốc đang sống? Họ có vừa trở về từ vùng dịch? Sức khoẻ có tốt không, và các cơ quan chức có biết để kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm virus Corona (nếu có) hay không?
Tôi buộc phải làm vậy sau khi chứng kiến hàng loạt cư dân toà nhà đăng status trên diễn đàn chung cư thể hiện sự hoang mang trước việc Ban quản lý thông báo qua loa phát thanh kêu gọi kê khai, phản ánh tình trạng tạm trú và gặp gỡ với người Trung Quốc trong thời gian gần đây, để Ban quản lý toà nhà báo "lên trên".
Cần nói thêm rằng, tôi phải làm vậy sau khi không tìm được câu trả lời thỏa đáng, tại sao phải làm vậy từ công an khu vực và Trưởng toà nhà. 
Tôi không lo khi có người Trung Quốc sống cùng toà nhà, nhưng vấn đề là họ (hàng xóm người Trung Quốc) có trở về quê ăn tết, đã trở lại chưa, trở lại trong tình trạng sức khoẻ thế nào thì cần phải được nắm rõ trong bối cảnh dịch hiện nay. Bởi từ câu chuyện của vị Việt kiều Mỹ - người vừa được cho là ca nhiễm virus Corona thứ 7 tại Việt Nam, thì không thể nào chủ quan được. Vị Việt kiều Mỹ 73 tuổi này dù chỉ quá cảnh ở Vũ Hán 2 tiếng trên hành trình về quê trong dịp tết, nhưng đã kịp nhiễm bệnh và phải hơn 10 ngày sau mới được phát hiện, khi đã giao tiếp với nhiều người khác.
Trở lại với câu chuyện của chung cư nhà chúng tôi. Thông báo kiểu qua quýt và những phản ứng sau đó của các cư dân bỗng khiến tôi cũng... đâm lo. Bởi tôi vẫn đinh ninh rằng, việc quản lý cư trú với người nước ngoài bình thường đã chặt, thì với người Trung Quốc trong bối cảnh dịch corona bùng phát từ Trung Quốc, càng phải được quản lý chặt chẽ hơn.
Cho nên tôi nghĩ, chắc rằng những thông tin có bao nhiêu người Trung Quốc trong toà nhà, họ ở phòng nào, ở thuê hay mua nhà (sống cùng vợ/hoặc chồng) đã được cơ quan chức năng nắm kỹ.
Vậy mà câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi với chính quyền địa phương về danh sách gần nhất của những người Trung Quốc sinh sống trong toà nhà vẫn không có câu trả lời.
Sau khi nghe thông báo trên loa vào buổi sáng, một bà mẹ trẻ lập tức đăng trạng thái "5 mặt khóc huhu" với dòng status: “Em vừa nghe trên loa thông báo, có người Trung Quốc từ vùng dịch về cư trú tại toà, yêu cầu xuống báo cáo để theo dõi”.
Một người khác thậm chí viết: "Phát loa như vậy thì đúng là... tè ra quần".
Nhưng đáng ngại hơn cả là những comment: trước tết vẫn gặp người Trung Quốc trong thang máy, không biết giờ còn không? Rồi "từ vùng dịch về thì phải cách lý chứ nhỉ?!"; hoặc "Tầng 36 có chồng chị H. người Trung Quốc, không biết giờ có sống trong toà nhà không?!"...
Đặc biệt, có cư dân còn khẳng định, đã báo Ban quản lý và công an từ trước nhưng không được quan tâm, giờ bị cấp trên gõ xuống mới hô hào. 
Tôi bỗng nhớ trong 2 cuộc họp gần nhất trong tuần này về phòng chống dịch, Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lạ tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Còn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì nhấn mạnh: "Quyết liệt, chủ động nhưng phải bình tĩnh".
Thế nhưng, từ câu chuyện ở tòa chung cư tôi ở, mới cảm nhận được nỗi lo lắng của mọi người, chứ ít thấy một sự "quyết liệt" nào, nhất là những người được gọi là có trách nhiệm.
Kể lại câu chuyện này, tôi cũng mong ở những nơi khác, không có thêm những "thông báo tìm người Trung Quốc", lại được phát qua loa công cộng như thế, khiến cư dân giật mình hoảng hốt, hoang mang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.