Chữ liêm của người lãnh đạo

08/08/2016 07:30 GMT+7

Xưa, người phụ nữ thường được mặc định “đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”. Nay, nhân dân mong rằng đội ngũ quan chức, lãnh đạo, dù lớn hay nhỏ, cao hay thấp nên chăng “đạo làm quan lấy chữ liêm làm đầu”.

Chuyện của người ngoài nhưng đang khiến dư luận xứ ta sôi sùng sục. Nhưng là sôi khen, đề cao, khâm phục.
Chả là khi tháp tùng đức ông chồng đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, bà Ho Ching (phiêm âm thành Hà Tinh) đã thể hiện phong cách, cốt cách thật giản dị, đáng nể. Trong cuộc đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng, bà Ho đi bên cạnh đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama với nụ cười tươi tắn, tay cầm chiếc ví nhỏ nhắn, giản dị đến mức không thể giản dị hơn. Các nhà báo mau mắn tìm hiểu thì được biết chiếc ví ấy giá chỉ có 11 USD, do trẻ tự kỷ làm, bà Ho mua nó khi đi thăm các cháu.
Không ít người tỏ ý nghi ngờ, hay là bà “diễn”, bà “biết hy sinh sở thích” để nhất thời nâng cao giá trị mình, làm đẹp mặt chồng (bởi những người làm chính trị khôn ngoan lắm, nhất cử nhất động, từng chi tiết đều có dụng ý cả). Nhưng với ai thì không biết, chứ với bà đệ nhất phu nhân Singapore điều đó chả có ý nghĩa gì bởi đâu phải sang Mỹ bà mới đem theo chiếc ví. Chính các nhà báo vốn rất tò mò và kỹ lưỡng đã khẳng định tiếp sau đó rằng từ khi mua chiếc ví rẻ tiền đó đi đâu bà phu nhân ngài thủ tướng cũng dùng, chứ đâu phải chỉ diễn trong dịp này.
Vẻ đẹp nhân cách ấy, nói như một công dân Singapore, “Rất ngưỡng mộ phu nhân. Giá trị con người không nằm ở chiếc ví mà ở cách người ta sử dụng chiếc ví như thế nào” (theo báo The New Paper).
Tôi cho rằng, hàng tỉ người trên trái đất, trong đó có cả tỉ phụ nữ tín đồ của thời trang, đều nhất trí với nhận xét trên. Nếu lọt ra ai đó sinh chút không hài lòng thì có lẽ là những ông chủ bà chủ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci, Hermes, Chanel, Versace, Louis Vuitton… thôi, bởi phu nhân mà ai cũng như bà Ho thì họ sẽ bị mất lượng khách hàng đáng kể.
Nhắc chuyện bà Ho Singapore, lại nhớ trước đó chút chút dân tình xứ ta xôn xao khen ngài Thủ tướng Anh David Cameron sau khi ông từ chức. Trên mạng đăng tấm ảnh ông tự chuyển nhà, tự bưng bê đồ đạc cá nhân (thực ra là ảnh cũ). Dù có sự nhầm lẫn về thời gian (một sự nhầm lẫn đáng yêu bởi thấy “người tốt việc tốt” là mê) nhưng điều dư luận dân chúng hướng tới chính là phẩm cách của nhà lãnh đạo. Không làm quan nữa thì trở về với đời thường một cách tự nhiên, vẫn giữ lòng mình trong sạch, chẳng thèm mượn hào quang quá khứ để đòi hỏi ngất ngưởng thêm.
Nhiều người nhận xét rằng cán bộ bây giờ không phải ai cũng nghĩ được như ông Lê Như Tiến. Người như ông lúc này rất lẻ loi, bởi cái danh cái lợi còn ghê gớm quá, chữ liêm còn bị xem nhẹ quá. Dân chúng ao ước chỉ cần một phần mười số cán bộ lãnh đạo có được phẩm chất của ông Tiến thì cũng đã phúc phận cho đất nước lắm rồi.
Bà Ho Ching cũng như ông David Cameron đều có chữ liêm của người làm lãnh đạo, luôn giữ lòng mình trong sạch, ngay thẳng, không tham thứ của người khác, không tách mình ra khỏi mọi người, biết làm gương bằng sự giản dị, chân thực.
Dẫn khen chuyện người ngoài sẽ dễ bị chê là vọng ngoại, là tâm lý bụt nhà không thiêng. Thực ra đâu cũng vậy thôi, cả tầng lớp dân chúng lẫn giới lãnh đạo đều có người này người khác. Ở xứ ta, không hiếm tấm gương “quan thanh liêm” như vậy.
Những ngày qua, dư luận đánh giá rất cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố thẳng trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, rằng ông không nhận hoa chúc mừng, và dứt khoát không mua sắm xe ô tô mới. Mới nghe ra thì cũng bình thường nhưng nếu coi lại thứ luật lệ từng duy trì lâu nay thì mới thấy rất đáng khâm phục. Ngôi vị cao nhất chính phủ, xưa nay ai mới được bầu vào chức ấy cũng muốn thực hiện những đổi mới mang dấu ấn cá nhân mình. Kể cả đổi mới xe. Nhiều vị thủ trưởng có tâm lý không xài đồ cũ, nhất là đồ người khác tiền nhiệm đã dùng.
Có quyền trong tay, được luật lệ cho phép, tội gì không mua sắm. Cờ đến tay tội gì không phất. Nếp nghĩ ấy, thói ấy đã ăn sâu vào óc nhiều thế hệ. Thậm chí có những anh, phẩm hàm cũng chưa hẳn cao nhưng phải ngựa xe cho oách, kiểu ông Trịnh Xuân Thanh ở tỉnh nghèo Hậu Giang. Tuyên bố của Thủ tướng Phúc, ta có thể coi như cuộc cách mạng nho nhỏ mà cần thiết, để chấm dứt dần thói đặc quyền đặc lợi. Một sự làm gương đáng ghi nhận về cách hành xử của nhà lãnh đạo.
Báo chí và dư luận những ngày qua cũng nói nhiều về việc một quan chức cấp cao khác, đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13 đã quyết định trả lại nhà và xe công vụ trước 2 tháng, không cần phải kéo dài thêm theo quy định.
Không phải ai cũng nghĩ được như ông Tiến: “Vai trò, nhiệm vụ của mình đã hoàn thành, kết thúc rồi thì có nhất thiết giữ phòng, giữ xe không? Tôi suy nghĩ như thế nên chủ động trả lại để cơ quan thuận lợi hơn trong việc sắp xếp. Bây giờ cứ giữ lại đến ngày 1.10, thậm chí sau 1.10 mới trả thì người mới làm việc ở đâu, đi lại thế nào? Mình không làm khó cơ quan. Trong điều kiện của Văn phòng Quốc hội, của đất nước ta nói chung đang khó khăn thì không có gì tốt hơn là mình bàn giao sớm phòng làm việc và xe cho người mới. Trên diễn đàn quốc hội mình nói rất nhiều về phòng chống tham nhũng, chống lãng phí thì ngay trong thực hiện phải nói đi đôi với làm” (theo VOV).
Nhiều người nhận xét rằng cán bộ bây giờ không phải ai cũng nghĩ được như ông Lê Như Tiến. Người như ông lúc này rất lẻ loi, bởi cái danh cái lợi còn ghê gớm quá, chữ liêm còn bị xem nhẹ quá. Dân chúng ao ước chỉ cần một phần mười số cán bộ lãnh đạo có được phẩm chất của ông Tiến thì cũng đã phúc phận cho đất nước lắm rồi.
Nhân dân luôn tin tưởng, trông chờ vào đội ngũ những người chèo lái con thuyền đất nước. Họ đặt hy vọng vào những con người biết dấn thân và quên mình cho sự nghiệp chung. Ngày xưa, người phụ nữ thường được mặc định “đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”, nói theo cách ấy, nhân dân mong rằng đội ngũ quan chức, lãnh đạo, dù lớn hay nhỏ, cao hay thấp nên chăng “đạo làm quan lấy chữ liêm làm đầu”.
Mong mỏi lắm thay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.