Đừng đợi ‘mất bò mới lo làm chuồng’!

29/09/2016 15:09 GMT+7

Vừa đọc tin về tai nạn thương tâm của một học sinh tiểu học bị tôn trên xe thô sơ cứa cổ thiệt mạng, anh Bảy xe ôm đầu xóm tặc lưỡi: “Rồi, thế nào cũng có chuyện sờ gáy các loại xe ba gác”. Y như rằng...

Ngay ngày hôm sau, 24.9, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) có văn bản đề nghị Hà Nội “Sớm làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tai nạn”. Thêm phần nhắc nhở: “Cần triển khai nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe môtô ba bánh...”
Sao văn bản này không gửi trước khi tai nạn xảy ra nhỉ? Nhưng ở trách nhiệm của mình, lẽ ra không cần chỉ đạo của UBATGTQG, Hà Nội vẫn phải mạnh tay với những chuyện như thế này. Không biết tự bao giờ, rất nhiều vấn nạn của xã hội, những tai nạn rình rập cướp đoạt tính mạng của người dân cứ treo lơ lửng. Dù đã được người dân cảnh báo, thậm chí truyền thông báo động nhưng cấp quản lý cứ đủng đỉnh kiểu “Dân cần nhưng quan chưa vội”. Cứ phải có tai nạn, phải chết người thì mới giật mình “rà soát, kiểm tra, tăng cường, siết chặt…”.
Rõ ràng là bị động. Trên thì chờ báo cáo, dưới thì chờ chỉ đạo, từ việc nhỏ đến chuyện lớn. Còn nhớ, sau các sự cố chìm tàu nhà hàng Dìn Ký (Bình Dương), tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng), nhà hàng bè nổi (Ninh Thuận)…là những đợt tổng kiểm tra rầm rộ và quyết liệt. Nhưng dần dần, đâu vẫn vào đấy.
Ngày 26.9 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, chủ tịch UBATGTQG, có văn bản “Đề nghị các tỉnh thành siết chặt quản lý xe thô sơ…” . Nhưng dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhiều địa phương vẫn chưa... vội. Xe thô sơ và gắn máy chở hàng nguy hiểm vẫn nghênh ngang ngoài đường.
Sáng hôm rồi, tôi đi làm từ ngã tư Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM) thấy ngay chiếc xe gắn máy chở cọc nhôm dài 4 - 5m lừng lững. Xe cứ vô tư di chuyển giữa dòng người xe đông đúc. Ngang mấy ngã tư có CSGT nhưng đôi bên đều không để ý. Ai cũng khó chịu. Nhiều người muốn vượt mà không dám. Dù gì, đi sau, còn chủ động tránh được. Đi trước, lỡ xe mình thắng gấp, cột nhọn đâm vào lưng thì toi mạng nên cứ giữ khoảng cách an toàn từ phía sau cho chắc ăn.
Đường phố Sài Gòn biến thành sông sau cơn mưa lớn - Ảnh: Phạm Hữu
Là công bộc của dân, dù lớn hay nhỏ, việc gì có lợi cho cộng đồng là làm ngay, hà cớ gì phải chờ chỉ đạo. Nếu CSGT chủ động siết chặt quản lý các xe chở vật liệu nguy hiểm và xử phạt nghiêm minh như việc rình bắn tốc độ, xử phạt mấy xe sang thì đã không có mấy người thiệt mạng. Các cấp quản lý thị trường, thanh tra khác cũng vậy. Cứ chờ phải có người “hy sinh”, đợi báo chí làm rùm beng mới giật mình ghi nhận rồi… nhẩn nha khắc phục.
Tai nạn chết người ở Hà Nội sao chỉ xử phạt người điều khiển xích lô hết hạn lưu hành còn chở hàng nguy hiểm và quá khổ? Ai trực giao thông vào thời điểm đó mà để “xe tử thần” ngang nhiên vào nội đô gây thảm họa chết người cũng cần có hình thức kỷ luật. Nên truy cứu trách nhiệm của cả người đứng đầu. Nếu không xử lý nghiêm minh từ cấp quản lý thì những cái chết tức tưởi vẫn tiếp tục. Cần có địa chỉ trách nhiệm cụ thể và cơ quan giám sát rõ ràng, nhất là nhờ dân và báo chí chung tay góp sức.
Tôi cứ bị ám ảnh bởi cơn những ngày qua. Cả Sài Gòn thành Venise dậy sóng. Nước chảy như thác. Tôi đợi nước rút bớt, mới dám ra về mà nước vẫn chảy xiết. Gặp ô tô ngược chiều, mấy lần suýt ngã vì sóng. Cực kỳ nguy hiểm. Nước xiết, bị ngã, xe đè có khi vô phương gượng dậy. Có đoạn trôi cả xe máy, phải mấy người hợp lực mới kéo lại được. May mà mưa lúc tan tầm, đông người qua lại nên ứng cứu giúp nhau vượt lũ. Nếu mưa lớn tầm 22 giờ, người đi làm khuy vắng vẻ, thì khó tránh khỏi tai nạn chết người vì sụp cống hoặc té ngã do bị nước cuốn. Nếu chỉ một mình chủ xe, tiếc của chạy theo xe bị nước cuốn thì có khi thiệt mạng.
Nhân vụ tai nạn chết người vì xe thô sơ ở Hà Nội và trận mưa lớn ở Sài Gòn chiều qua, người dân thành phố mong đợi các cấp quản lý tổng rà soát lại các qui trình liên quan đến cuộc sống. Phòng bao giờ cũng tốt hơn chống. Phải làm chuồng trước khi mua bò, chứ không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Chuồng phải chắc chắn, hiệu quả chứ không làm quấy quá cho có để đối phó dư luận. Không nên để những cái chết oan uổng, thương tâm của một số người dân xảy ra rồi mới cấp tập sửa sai như lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.