Đúng rồi, 5 người Việt leo núi ở Nepal đang làm phiền xã hội

02/05/2015 11:46 GMT+7

(TNO) Nhân đọc bài viết của tác giả Trần Đình Thu trên Thanh Niên Online và gặp nhiều ý kiến phản đối trên mạng xã hội, tôi thấy dường như dư luận vẫn có điều chưa phải.

(TNO) Nhân đọc bài viết của tác giả Trần Đình Thu trên Thanh Niên Online và gặp nhiều ý kiến phản đối trên mạng xã hội, tôi thấy dường như dư luận vẫn có điều chưa phải.

'Ngành công nghiệp' leo núi ở Nepal thất thu lớn - ảnh 1Nỗ lực cứu hộ tại trại căn cứ ở Everest - Ảnh: Reuters
Mấy ngày qua, dường như toàn thế giới đều hướng về đất nước Nepal, nơi xảy ra trận động đất kinh hoàng làm hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Báo chí, dư luận Việt Nam quan tâm hơn cả là tình hình người Việt tại Nepal như thế nào sau động đất. Những người có chức trách có lẽ đã làm tất cả những gì có thể để có thể giúp người Việt tại Nepal. Một đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán đã rời New Delhi (Ấn Độ) và đến Nepal để trực tiếp tiến hành các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ công dân Việt Nam đang ở Nepal.
Nhưng có lẽ như thế vẫn chưa đủ với công dân Việt Nam, khi đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ bị chỉ trích không đưa trực thăng tới cứu những phượt thủ qua Nepal leo núi và bị kẹt lại bởi trận động đất này.
Bầu chọn
Theo bạn, năm người leo núi ở Nepal có làm phiền xã hội không?
Theo thông tin từ nhóm người leo núi, nhóm đã đi bộ từ núi Dingboche có độ cao 4.900 mét xuống Namche, tức là họ đã ở vùng an toàn. Nhóm 5 người đều là những thành viên còn khá trẻ, không có ai bị khuyết tật hay bị thương khi động đất xảy ra, bên cạnh đó họ cũng thuê cả hướng dẫn viên đi cùng.
Như thế thì tại sao lại phải kêu cứu? Tại sao lại phải điều cả trực thăng tới đưa các bạn về nước trong khi các bạn hoàn toàn có thể tự đi bộ xuống núi? Các bạn đang làm phiền tới nhiều người, tốn kém cho tổ quốc, mà đáng lẽ ra sự phiền hà này không đáng có.
Thứ nhất: Các bạn leo núi, là để thỏa mãn đam mê của cá nhân mình, chứ không phải các bạn đi công cán cho đất nước. Khi đã chấp nhận cuộc chơi đam mê, các bạn đã phải lường trước hết các rủi ro có thể xảy ra tại nơi bạn định đến như: thuốc men, lương thực dự trữ, lều bạt, áo ấm,… Và hơn hết là việc động đất hay mắc kẹt là việc các bạn phải lường trước được.
Khi có vấn đề xảy ra, thì trước hết các bạn phải tự xử lý, tự xoay xở thay vì la làng kêu cứu khi mà các bạn vẫn có thể tự xử lý được, vì việc cứu các bạn sẽ cực phiền hà và tốn kém khi mà Việt Nam không có đại sứ quán tại Nepal.
Thay vì kêu cứu, tôi nghĩ các bạn chỉ cần đăng một dòng thông tin: “Chúng tôi vẫn ổn và có thể tự xử lý được”.
Thứ hai: Giữa một đất nước Nepal chìm trong đau thương mất mát, hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người màn trời chiếu đất, những đứa trẻ nhỏ bơ vơ…, họ cần được cứu, được có nơi ăn chốn ở, có thức ăn và nước uống. Trực thăng hay cứu hộ, cần cho những người bị nạn hơn, sao lại sử dụng để đi cứu những người hoàn toàn có thể tự lo được?
Thứ ba: Các bạn đang muốn chứng tỏ đam mê, khả năng, sức chịu đựng của mình, đây chẳng phải là cơ hội của các bạn sao? Trước khi đi, chắc chắn các bạn đã luyện tập, đã chứng tỏ được khả năng, tại sao không phát huy nó? Các bạn hoàn toàn có thể đi bộ xuống núi, bằng khả năng của mình, tập trung cứu giúp người dân Nepal thay vì đứng một chỗ và kêu cứu.
Tôi đọc được từ Facebook của bạn Linh Thi My Vo viết rằng: “Một nhóm bạn người nước ngoài lên Dolakha xây trường cho học sinh – cũng là ngôi trường mà trước đây mình định sang làm tình nguyện viên. Sau khi cơn động đất đi qua, nhóm bạn này đi khắp làng tìm thi thể những nạn nhân xấu số để mai táng đồng thời cứu chữa cho những người bị thương nặng.
Roman Gek – trưởng nhóm của nhóm bạn nước ngoài này đã viết vài dòng trên Facebook trước khi chiếc điện thoại hoàn toàn mất tín hiệu và nói rằng: Ai đó khi đọc được dòng tin nhắn này, hãy gọi đến đại sứ quán Nga ở Nepal và bảo với họ rằng chúng tôi vẫn an toàn, không có gì phải lo cả. Mình đọc dòng tin nhắn của Roman mà chảy nước mắt. Họ không yêu cầu một sự trợ giúp nào cả, ngược lại còn lo sợ đại sứ quán của nước họ lo lắng”.
Các bạn luôn tự hào đất nước bạn có những con người kiên cường, hiên ngang, bất khuất. Nhưng với những việc làm, hành động như thế, thì thế giới có tin vào lời các bạn nữa hay không? Họ nhìn vào hành động của chính các bạn hiện tại, chứ không dựa vào quá khứ hay lời các bạn nói.
Nếu đã thực sự an toàn, mong các bạn đừng quên lời xin lỗi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.