Hết rồi câu hứa: 'Tết mạ cho'

Khi xả lũ, người ta có bao giờ nghĩ đến những phận nghèo? Có bao giờ những người có trách nhiệm vì gây ra cái lụt nhớ về thời cơ khổ của mình. Họ có từng xin món gì đó và từng được hứa “Tết mạ cho"?…

Sau những ngày nóng ruột vì lũ lụt của những đứa con xa quê ngóng về, sau thông báo quá buồn về thiệt hại do lũ lụt là còn đó một nỗi lo, một niềm đau quá lớn của người dân miền Trung năm nay. Còn quá ít ngày để đón Tết, còn quá ít ngày để… trở tay cho kịp (mùa vụ hoa Tết), bà con biết phải làm sao?...
Mấy ngày trước, gọi điện về quê hỏi thăm lũ lụt, đầu dây bên kia là tiếng người thân nghẹn ngào: “Ngày xưa nói trời hành cơn lũ hằng năm, nay… người hành cơn lũ hằng năm con ơi! Đời thuở nào cuối tháng 11 âm lịch còn lụt!”… Ngắt quãng. Không còn nói được nữa. Chắc là do nước mắt ướt bờ mi. Chắc là do nghẹn ngào nơi cuống họng khó có thể nói nên lời.
Tôi là đứa con xa quê nghèo miền Trung. Xa để mỗi lần ăn một miếng ngon, đi chiếc xe đẹp cũng thấy như mình…có lỗi! Lỗi đã phụ rẫy quê nhà mà đi. Lỗi vì không chịu được cái đói, nghèo mà thuần hậu chất phác như người quê tôi bao đời nay đã từng…
Quê tôi ngoài trồng lúa là nghề chung, làng nào cũng có thêm nghề “thủ thân thủ thế”! Những làng nghề truyền thống này giúp cho người dân quê tôi sống đỡ cơ cực hơn. Như làng Hương Cần của tôi thì chằm nón lá. Làng An Thuận làm cốm (bánh, kẹo). Làng Vân Cù nổi tiếng với nghề làm bún gạo. Làng Dương Sơn nấu rượu, nuôi heo… Sau vụ lúa tháng tám, nhà nhà vào buổi nông nhàn. Nhưng họ không chịu… nhàn bởi vì Tết sắp đến. Một vài nơi trồng hoa bán Tết. Trồng kiệu để làm dưa món- món ăn với bánh chưng, bánh tét không thể thiếu của người Huế! Kiệu Huế cũng nổi tiếng với hàng hàng xe tải cận Tết được chở vào Nam tiêu thụ…
Con cái trong nhà dịp này xin tiền mua bộ đồ, đôi giày, cái áo ấm, khăn quàng cổ, túi xách đi học hay bất cứ thứ gì khác cũng thường được nghe câu hứa: “Ừ, từ từ, để Tết mạ cho!”. Lời hứa đó như một tia hy vọng, một niềm hân hoan chờ đợi của những đứa con nhà nghèo. Nó có hai ý nghĩa. Để Tết mua luôn (áo quần, giày dép) cho mới mà cũng do đến Tết mới có tiền.
Nhà quê nghèo, khoản tiền nào đã được “ấn chỉ” khoản đó. Ví như con heo bán ra thì mua vàng để dành cưới vợ cho con hay sửa mái nhà. Lúa làm ra ăn bao nhiêu, bán bao nhiêu cho đủ thứ việc hiếu hỉ quanh năm. Chỉ có vụ kiệu, vụ hoa ngày Tết bán quanh cho nhau, làng trồng kiệu đi bán kiệu mua hoa, làng trồng hoa đi bán nhành mai, vài chậu cúc vạn thọ đi mua kiệu… Dư ra một ít cho con sắm đồ Tết. Đó cũng là lúc thực hiện lời hứa “Tết mạ cho”…
Năm nay thì hết hứa hẹn gì rồi. Chị tôi và nhiều người ở quê bảo rằng mấy sào rau màu, hoa Tết mất trắng. Nợ chồng chất chưa trả nổi, lấy gì thực hiện lời hứa sắm Tết cho con?
Cây rau màu và hoa các loại đặc biệt sợ nước lũ. Lũ lụt vào úng rễ, úng thân hết không thể sống được. Nói gì chờ đến Tết khoe sắc, khoe hương. Nói gì chờ đến Tết đổi thành tiền cho lời hứa chắt chiu “Tết mạ cho”…
Nỗi sợ đói, lạnh, không có việc làm luôn thắng nỗi buồn xa quê để những đứa con xách ba lô lên mà đi! Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng tôi, một người tha hương cũng vì lẽ sợ đói, sợ lạnh! Không lẽ người dân miền Trung cứ phải ra đi chỉ vì nỗi sợ đói, nghèo do lũ lụt?
Lại một “làn sóng” di dân nữa, tôi biết chắc thế sau một cơn lũ dữ.
Và rằng, khi xả lũ, người ta có bao giờ nghĩ đến những phận nghèo? Có bao giờ, những người có trách nhiệm vì gây ra cái lụt… người hành cũng nhớ về thời cơ khổ của mình. Họ có từng xin món gì đó và từng được hứa “Tết mạ cho”?…
Quê nghèo ơi! Tết lại sắp đến rồi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.