Ngán ngẩm thói nóng vội của người Việt

13/03/2017 12:52 GMT+7

Sự nóng vội thường dẫn đến những hành vi không ai ưa và xét cho cùng cũng chẳng có lợi lộc gì.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin mạn phép thuật lại những điều “tai nghe mắt thấy” trong cuộc sống đời thường.
Dừng xe trước đèn đỏ
Lòng đường trước trụ đèn tín hiệu giao thông thông thường có vạch sơn trắng để xe cộ dừng lại, tạo khoảng cách đúng mực cho làn sơn băng qua đường dành cho người đi bộ. Ấy vậy mà người ta cứ cố nhích xe máy lên chắn ngang vạch sơn bộ hành. Vội vàng đến mức đèn đỏ còn những 5 giây nữa mới xanh vậy mà cứ phóng xe qua. Nói 5 giây là còn “lịch sự”, có người vượt đèn đỏ khi còn đến những 20, 30 giây. Nôn nóng vượt đèn đỏ chắc là có chuyện gấp? Xin thưa chằng gấp gì cả. Có người vượt đèn đỏ xong vẫn cứ chạy chầm chậm, tà tà như dạo phố, vừa lái vừa…nhắn tin smartphone.
Điều khó hiểu là có những người ngồi lê lết trong quán cà phê cả mấy tiếng đồng hồ, “tám” đủ thứ chuyện trên đời vẫn không thấy lâu, vậy mà chờ đèn đỏ có vài chục giây thôi đã thấy sốt ruột. Dừng trước đèn đỏ trong giờ cao điểm còn chuyện bực mình nữa là tiếng kèn xe. Cả một rừng xe kẹt cứng chờ đèn đỏ vậy mà cũng có người nhấn kèn. Những khi như vậy, tôi thường ngoáy đầu lại xem có phải người quen gọi mình bằng cách nhấn kèn không. Chẳng có người quen nào gọi cả, chỉ có “người lạ” nhấn kèn hối thúc lớp xe phía trước di chuyển. Mà di chuyển thế nào được, đang đèn đỏ mà!
Nói đến đèn đỏ không thể kể hết những vụ ô tô, xe máy bị tàu hỏa tông. Những vụ tai nạn giao thông đường sắt này đa phần lỗi do xe cộ cố tình “qua cho nhanh” trước khi tàu lửa đến hoặc di chuyển thiếu quan sát hai bên đường ray. Một đoàn tàu băng qua trước mặt chúng ta tại những cổng xe lửa có barie thường chỉ vài phút chờ. Tại những đường dân sinh (không có barie), đoàn tàu băng qua chỉ khoảng 1 phút là xong. Vậy hà cớ gì không thể chờ 1 phút, liều mạng cho xe băng qua để lãnh hậu quả thảm khốc?
Xếp hàng
Văn hóa xếp hàng là đề tài đã được báo chí đề cập khá nhiều, thôi xin phép không “nhắc lại chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi”. Chỉ xin kể lại vài câu chuyện mà chính tôi là nạn nhân. Tôi rất thích ăn bánh mì nên thường xuyên ghé qua một tiệm trên địa bàn P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, chỉ bán từ 15 - 22 giờ mỗi ngày. Tiệm này nổi tiếng đến mức thực khách lúc nào cũng đông, có cả du khách nước ngoài, buộc phải xếp hàng. Đang chờ đến lượt vậy mà lần nào tôi cũng chứng kiến có một số người đến sau nhưng lại xông thẳng đến người bán đòi mua trước, chẳng thèm để ý đến những du khách nước ngoài và nước trong đang xếp hàng. Chỉ đợi vài phút là mua được ổ bánh mì, vậy hà cớ gì phải chen ngang?
So với mua bánh mì như vừa kể thì ở sân bay cũng chẳng khá hơn, chuyện chen ngang vào làm thủ tục check in và khâu kiểm tra an ninh cũng diễn ra như cơm bữa. Chen ngang kiểu này đại đa số là người Việt. Những người chen ngang kiểu này mặt phải “dày” lắm mới làm được, chứ người có lòng tự trọng chẳng dám.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp chen ngang được “vui vẻ chấp nhận”. Đó là những hành khách sắp trễ chuyến bay. Số là lần đó tôi chờ làm thủ tục hải quan ở phi trường quốc tế Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để bay lên thủ đô Moscow của Nga. Istanbul là một phi trường trung chuyển khắp 5 châu nên hành khách đông vui như lễ hội, xếp hàng rồng rắn chờ làm thủ tục là chuyện bình thường. Khi đến lượt tôi chuẩn bị trình hộ chiếu cho nhân viên hải quan thì có một anh chàng tóc vàng mắt xanh hớt ha hớt hãi chạy đến chìa tấm vé lên máy bay nói sắp đến giờ cất cánh, mong tôi nhường cho anh ta đi trước. Nhìn vào giờ khởi hành, tôi thấy đúng là anh ta cận giờ bay lắm rồi. Nhân viên hải quan sân bay nhìn anh ta rồi nhìn tôi. Hơn 1 tiếng đồng hồ nữa chuyến bay của tôi mới cất cánh nên không có gì phải vội, nên nhường cho anh ta qua trước. Tôi vui vẻ nói: OK.
Cách đây vài năm, tôi đến Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM để xin visa. Khi đã vào bên trong, phải xếp hàng chờ lấy số đến lượt phỏng vấn. Khi người đứng trước nhận phiếu xong, nhân viên lãnh sự quán (LSQ) ra hiệu cho tôi bước lên thì bỗng dưng có một chị không biết từ đâu nhào vô đứng trước mặt. Bất chợt tôi biến thành “linh hồn tượng đá”, chẳng phản ứng gì cả nhưng anh nhân viên LSQ lại tỏ vẻ không hài lòng (nên hiểu trong tình huống ấy chẳng có ai hài lòng cả). Không biết có phải do mắc lỗi chen ngang hay không mà nhân viên LSQ Mỹ bảo chị này…ra về để bổ sung giấy tờ gì đó. Vào đến bên trong LSQ của người ta mà còn chen ngang thì “biết nói gì đây?”.
Đi máy bay mà tưởng…xe đò
Chỉ cần gõ trên Google cụm từ “hành khách đòi mở cửa máy bay để xuống cho nhanh”, bạn sẽ giật mình vì số vụ như vậy không phải chuyện hiếm. Những ai đã từng ngồi trên máy bay dừng hẳn bên nhà ga (cả nội địa và hải ngoại) đều biết rằng có khi phải mất đến vài chục phút mới bước ra khỏi phi cơ được. Âu đó cũng là chuyện bình thường. Lối đi trên khoang máy bay thường hẹp, chỉ đủ một người di chuyển, nên phải kiên nhẫn, từ từ rồi cũng xuống thôi, không thể nhanh hơn được. Nhưng có một số người xứ mình lại không nghĩ như vậy. Những hành khách này chắc ngồi xe đò quen rồi và hình như mới đi máy bay lần đầu nên không hiểu rằng, tuy máy bay dân dụng được thiết kế nhiều cửa chia đều cho 2 bên, nhưng chỉ có những cửa do nhân viên phi hành đoàn mở thì mới có cầu thang đi xuống hoặc thang ống đi ra. Còn vì nôn nóng mà anh muốn mở cửa thoát hiểm để xuống cho nhanh thì có khi xuống luôn…âm phủ, vì cửa đó không có cầu thang và cao gần cả chục mét so với mặt đất.
Thói nóng vội của người Việt có thể kể ra thêm nhiều chuyện nữa. Nhưng thôi, chừng ấy chuyện cũng đã thấy nản lắm rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.