Nỗi khổ của tiền nhân…

23/02/2016 22:09 GMT+7

Hãy thử mường tượng đến tâm trạng của Thánh Gióng, công chúa Thiều Hoa hay Đức Thánh Trần hiển linh, nhìn thấy đám hậu sinh chen nhau giẫm đạp, cướp giật, hối lộ công khai ở các lễ hội tôn vinh mình…

Hãy thử mường tượng đến tâm trạng của Thánh Gióng, công chúa Thiều Hoa hay Đức Thánh Trần hiển linh, nhìn thấy đám hậu sinh chen nhau giẫm đạp, cướp giật, hối lộ công khai ở các lễ hội tôn vinh mình…

Hủ tục đời mới
So với cảnh hoang tàn quạnh vắng của các đình chùa, miếu mạo, đền thờ thời bao cấp là những lễ hội tưng bừng với mức độ bát nháo “năm sau cao hơn năm trước” trong khoảng hơn mười năm trở lại đây. Hàng ngàn lễ hội, tập tục được phục hồi và trong số đó là không ít những hủ tục mới được “chế biến” thêm thắt dưới những hình thức hết sức thô lậu, “trần tục”.
Hãy lấy ví dụ điển hình như tập tục “phát ấn” đền Trần ở Nam Định. Chính những nhà nghiên cứu như giáo sư Nguyễn Văn Huy đã khẳng định, trong truyền thống là không làm gì có tập tục này, mà đó chỉ là những tập tục nôm na của địa phương để thu hút người hành hương đến với đền. Ông khẳng định rằng tờ ấn được “photocopy” thành hàng chục vạn bản để người ta tranh nhau đó chỉ như “ấn bùa” phổ biến khác ở các đền chùa.
Dù còn nhiều tranh cãi với tính “chính danh” của mình, nhưng người ta chắc có thể khẳng định một điều là lễ hội “chém lợn” của làng Ném Thượng không phải là một “mỹ tục”. Gián đoạn hàng hơn nửa thế kỷ, không ai dám chắc rằng các bô lão làng này đang thực hiện đúng nghi thức tế lễ của ngày xưa. Nghi thức chặt đầu phanh thây “ông Ỉn” thực ra là nghi thức hiến tế vốn chỉ tồn tại ở các bộ tộc chứ ít khi còn được thực hiện ở các dân tộc đã văn minh. Vả lại, chắc cũng khó có chuyện người ta thực hiện các nghi thức “dã man” đó đối với con vật vốn là ân nhân của thành hoàng của mình.
Còn với “nghi thức” hối lộ những tờ tiền lẻ vào tay các thánh thần thì chỉ xuất hiện vài năm nay…
Nỗi khổ của tiền nhân…Người đi lễ chùa Bái Đính (Ninh Bình) ném tiền lẻ xuống trống đồng đề cầu may mắn khiến trống đồng như một nơi chứa rác - Ảnh: Ngọc Minh

Tâm thức trần tục
Thật dễ thấy được là nhiều đám đông đã đưa những tâm thức trần tục, hay chính xác hơn, phàm tục vào những nơi linh thiêng như các đền chùa, miếu mạo. Chưa có nơi đâu mà lòng tham lam, tính hung bạo, sự trâng tráo và tính giảo hoạt, láu cá thể hiện ra rõ rệt như đa số những đám đông đi lễ hội hiện nay.
Con người ngày nay thật là ngây ngô khi nghĩ rằng có lẽ các thánh thần cũng “ngây thơ”, “khờ dại” như họ! Ai mà lại có thể nghĩ rằng Đức thánh mẫu đệ nhất đại vương Thiều Hoa hay Đức thánh Trần Hưng Đạo lại đi phù hộ cho đám quan, dân tham lam nhăng nhố đi cướp lộc, “cướp ấn” như thế? Thần linh nào, trời phật nào lại khờ dại đến đi nhận hối lộ những đồng tiền lẻ để rồi trả lại vàng bạc tiền của như kiểu “ăn khế trả vàng”?
Có thể thấy rõ là ngày nay con người chẳng còn kinh sợ thánh thần. Các “thế lực siêu nhiên” giờ không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi hay tôn kính mà dường như chỉ còn là các “ông chủ nhà băng” khờ khạo và khá phóng khoáng trong việc chi trả.
Thử nhìn mà xem, hầu như tất cả những “vấn đề” của xã hội giờ đang hiện rõ mồn một ở các lễ hội. Nạn bạo lực lan tràn đang “vận” vào lễ hội cướp phết Hiền Quan. Tham vọng quyền lực, ham muốn tranh quan giành chức có lẽ đã biến lễ hội khai ấn đền Trần thành một trong những đấu trường để “thao dượt”. Nạn tham nhũng, hối lộ khá phổ biến trong xã hội đang được biểu hiện như một “tập tục” mới ở các đền chùa. Chen lấn, tranh giành, móc túi, giật đồ là những tệ nạn không thể tránh ở những nơi thánh thần trú ngụ.
Nỗi khổ của tiền nhân…Sẵn sàng thực hiện hành vi "vào luồn, ra cúi" như lách qua khe cửa hẹp vào bò dưới gầm ban thờ tại đền Bảo Lộc (Nam Định) để được thăng quan phát tài - Ảnh: Hoàng Long 

Cơ chế sàng lọc
Trong suốt chiều dài lịch sử của một dân tộc, có rất nhiều tập tục được sinh ra qua từng thời kỳ và chúng bao giờ cũng phải chịu quy luật đào thải như những sinh vật. Chỉ những cái tốt đẹp nhất, hợp lý nhất mới tồn tại qua sự đào thải và vì thế, chúng mới được gọi là “thuần phong mỹ tục”. Tất nhiên, có những ngoại lệ là các hủ tục và hoặc do tự nhiên, hoặc do cơ chế, con người sẽ loại bỏ nó đi.
Nước ta, sau một thời kỳ “duy vật” đến cực đoan giờ đang đến thời kỳ “duy linh” quá đà. Có rất nhiều lễ hội, tập tục, tín ngưỡng đang được phục dựng mà không có cơ chế sàng lọc, tinh tuyển. Nhiều tập tục tốt đẹp lại bị biến chất, thay đổi mà không có cơ chế bảo vệ.
Những hỗn loạn ở các lễ hội hiện nay cho thấy một điều, rằng các quan niệm về những việc làm trái với thuần phong mỹ tục dường như chỉ được khu biệt ở những chuyện “sếch xiếc” hay ăn mặc tân thời. Thật sự thì tất cả những hành vi không đúng mực hay mê tín dị đoan diễn ra ở các lễ hội hiện nay đều là những hành vi trái với thuần phong mỹ tục. Để bảo vệ các lễ hội, cần phân biệt đâu là các hành vi đáng nhắc nhở, đâu là hành vi cần xử phạt. Ở một số nước, họ có cả lực lượng cảnh sát thuần phong mỹ tục để bảo vệ văn hoá nước nhà…
Lẽ nào những lễ hội hỗn loạn về mọi mặt thế này cứ mãi tiếp tục như người mang căn bệnh nặng mà không chịu chữa trị. Có lẽ, “thang thuốc” đầu tiên nên dành cho ngành văn hóa và các chính quyền sở tại. Chính các vị đã đẩy những lễ hội, tập tục nhỏ chỉ mang tính làng, xã trở nên hoành tráng và thô thiển như hiện nay. Xin đừng vin vào lý do khôi phục bản sắc văn hóa. Văn hóa Việt Nam đẹp hơn không phải nhờ vào những lễ hội trái với thuần phong mỹ tục như vậy.
Hơn bảy trăm năm trước, Đức Thánh Trần đã từng “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” vì lũ con cháu ham mê hưởng lạc mà quên việc nước. Còn bây giờ, không biết người nghĩ gì khi chứng kiến lễ hội kỷ niệm thời hoàng kim của lịch sử nước nhà có liên quan đến người như lễ hội khai ấn đền Trần…?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.