Phía sau khoản từ thiện khổng lồ của ông chủ Facebook

08/12/2015 05:00 GMT+7

Với số tiền khổng lồ, tỉ phú Facebook có toàn quyền trong việc định nghĩa điều gì là tốt và thực thi cái tốt.

Với số tiền khổng lồ, tỉ phú Facebook có toàn quyền trong việc định nghĩa điều gì là tốt và thực thi cái tốt. 

Mark Zuckerberg tuyên bố 99% cổ phần trong Facebook, hiện có trị giá tương đương 45 tỉ USD, sẽ được chuyển vào Sáng kiến Chan Zuckerberg - Ảnh: AFPMark Zuckerberg tuyên bố 99% cổ phần trong Facebook, hiện có trị giá tương đương 45 tỉ USD, sẽ được chuyển vào Sáng kiến Chan Zuckerberg - Ảnh: AFP
Hôm 2.12 vừa qua, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã công bố hai chuyện trọng đại. Chuyện đầu tiên là Mark đã lên chức cha và chuyện thứ hai là vợ chồng ông, Mark Zuckerberg và Priscilla Chan, quyết định thành lập một tổ chức từ thiện mang tên Sáng kiến Chan Zuckerberg (Chan Zuckerberg Initiative) nhân dịp cô con gái Max chào đời.
Trong lá thư gửi con gái đầu lòng, Mark Zuckerberg cam kết dành 99% cổ phần trong Facebook, hiện có trị giá tương đương 45 tỉ USD, để làm từ thiện. Tuy nhận được không ít tán dương và ngưỡng mộ từ cộng đồng, lời ra tiếng vào dành cho tổ chức từ thiện của Mark không phải là ít, chủ yếu xuất phát từ những lợi ích liên quan đến thuế khi thành lập công ty này (Sáng kiến Chan Zuckerberg được đăng ký pháp nhân là một công ty trách nhiệm hữu hạn thay vì một tổ chức phi lợi nhuận).
Ngay ngày hôm sau, Mark đã lên chính trang mạng xã hội mà mình thành lập phân bua, nhưng những chỉ trích vẫn không hề lắng dịu. Những chỉ trích này hé lộ cho chúng ta nhiều điều về cách mà xã hội vẫn suy nghĩ về “từ thiện”, ở cả phương diện cho đi và nhận lại.
Mark Zuckerberg và Priscilla Chan vừa công bố việc thành lập Sáng kiến Chan Zuckerberg nhân dịp con gái đầu lòng của cả hai chào đời - Ảnh: Reuters
Từ thiện phải minh bạch 
Tuy là bức thư gửi con gái vừa chào đời, vợ chồng tỷ phú trẻ không ngần ngại bộc lộ những khát vọng, sứ mệnh và trách nhiệm mà họ tự đặt ra cho mình. Những khát vọng ấy vừa cao cả như “biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn cho con và cho tất cả trẻ em”, “một thế giới không còn bệnh tật”, lại vừa mơ hồ như “nâng cao tiềm năng của con người và thúc đẩy bình đẳng”.
Ông chủ Facebook đã cố gắng cụ thể hóa những lĩnh vực mà mình sẽ tập trung như “học tập cá nhân, y tế, kết nối mọi người và xây dựng những cộng đồng vững mạnh”, nhưng người ta vẫn sẽ chờ đợi những tiết lộ cụ thể hơn thế. Khi “minh bạch” vẫn còn là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc đánh giá về chất lượng của một tổ chức hoặc một dự án từ thiện, thật không quá khó hiểu khi Sáng kiến Chan Zuckerberg chưa đầy một tuần tuổi với những sứ mệnh mơ hồ của mình đã và đang nhận được không ít nghi ngờ từ dư luận.
Từ thiện không phải để khoe khoang
Ngạn ngữ Anh có câu nói “Khi bạn cho đi điều gì đó, đừng để tay trái của bạn biết tay phải của bạn đã cho đi điều gì”, hàm ý rằng chúng ta nên làm từ thiện trong im lặng. Việc người sáng lập Facebook công bố sự thành lập tổ chức từ thiện của mình cùng với thời điểm cô con gái đầu lòng ra đời, một sự kiện được truyền thông chờ đón, làm dấy lên những chỉ trích về động cơ thật sự.
Với tuyên bố sẽ chỉ “bật mí” chi tiết hơn về cách thức hoạt động cũng như những dự án mà tổ chức từ thiện của mình hướng đến trong vài tháng nữa sau kỳ nghỉ chăm con, dường như tỷ phú trẻ chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho sáng kiến này. Dường như đây ít nhiều chỉ là một chiêu lợi dụng thời điểm con gái đầu lòng ra đời để truyền thông cho Sáng kiến Chan Zuckerberg - một đứa con khác của ông và cũng là để đánh bóng tên tuổi.
Từ thiện “đe dọa” nền dân chủ
Hiển nhiên là Sáng kiến Chan Zuckerberg sẽ thúc đẩy những giá trị mà Mark và vợ ông cho rằng là tốt cho thế giới, nhưng đó không nhất thiết phải là những điều mà tất cả mọi người nghĩ rằng sẽ tốt cho thế giới. Việc các tỷ phú đi làm từ thiện đặt ra câu hỏi rằng “Điều gì là tốt?” và “Ai có quyền định nghĩa điều tốt?”.
Với số tiền khổng lồ của chính mình, tỉ phú Facebook có toàn quyền trong việc định nghĩa về điều gì là tốt, như cách mà Mark đã không ngần ngại nói về những lợi ích tốt đẹp mà ông tin là internet sẽ mang lại cho thế giới, thậm chí Mark gọi quyền tiếp cận internet là một "quyền cơ bản" của con người. Ông cũng toàn quyền trong việc thực thi cái tốt, bằng chứng là những dự án “từ thiện” với nỗ lực phủ sóng internet đến khắp nơi của ông. Khi mà thế giới ngày nay vẫn còn vô số những người đang phải sống trong điều kiện khắc nghiệt với những nhu cầu cơ bản về thức ăn, vệ sinh và chỗ ở chưa được đáp ứng, liệu họ có muốn “trải nghiệm nhiều hơn gấp 100 lần” trong tương lai, liệu họ có muốn “kết nối với toàn thế giới”, liệu tiếp cận internet có là một quyền cơ bản? Rõ ràng những người cần sự giúp đỡ nhất không hề có tiếng nói trong việc dòng tiền từ thiện sẽ chảy đi đâu.
Mark Zuckerberg thúc đẩy mạnh mẽ việc phủ sóng internet trên toàn thế giới, gần đây nhất, ông tuyên bố sẽ đem internet đến các trại tị nạn trên thế giới. Trong hình: Một trại tị nạn dành cho người Syria trên đảo Lesbos (Hy Lạp) - Ảnh: AFP
Phải chăng, tất cả những điều này chỉ là sự dịch chuyển quyền lực từ nhà nước đến các tỷ phú? Phải chăng giấc mơ “kết nối mọi người” của Mark thuần túy chỉ là mong muốn của một nhà kỹ trị và có khả năng là cơn ác mộng của không ít người?
Dẫu sao thì, Sáng kiến Chan Zuckerberg vẫn chưa đầy một tuần tuổi. Khi vẫn còn là quá sớm để đánh giá bản chất của Sáng kiến này, việc xem xét những ý kiến khen chê đa chiều sẽ cho chúng ta một cái nhìn tròn trịa hơn về hệ quy chiếu mà xã hội vẫn đang dùng để xem xét việc làm từ thiện và có khả năng soi sáng cho chính những hành động từ thiện của bản thân chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.