Tài xế Grabbike, một cổ nhiều tròng

21/09/2017 13:58 GMT+7

Chiều 16.9, sau khi trả khách về ngang cây xăng cầu Bình Điền (Q.7), một chiếc xe container đi cùng chiều đã va quẹt và cán chết tài xế GrabBike Đặng Quốc Bình Tỷ. Anh là một trong những tài xế GrabBike trẻ nhất (vừa tròn 18 tuổi cách đây vài tháng).

Với ít nhất vài chục ngàn tài xế Grabbike đang hoạt động tại TP.HCM, hầu như ngày nào cũng có tai nạn xảy ra. Nhưng sau cái chết của tài xế 18 tuổi Đặng Quốc Bình Tỷ thì những bức xúc về an toàn và quyền lợi của tài xế GrabBike lại được dấy lên.
Tài xế Grabbike muốn chở khách phải truy cập vào một ứng dụng riêng dành cho tài xế. Khi khách hàng đặt cuốc xe, thường tài xế gần nhất (trong bán kính 2km) sẽ được chọn. Theo quy định hiện tại của công ty Grab Việt Nam, tài xế Grabbike chỉ được chi trả bảo hiểm tai nạn khi đang chở khách.  Điều này vô lý!
Và một vấn đề nữa đặt ra, với quy định đó nếu có tai nạn nghiêm trọng xảy ra, ai sẽ là người kiểm soát được dữ liệu để biết vào thời điểm đó, tài xế đang bật ứng dụng hay không? Ai sẽ bảo vệ được quyền lợi cho người tài xế khi không có yêu cầu hoặc thỏa thuận chế tài để điều tra thêm về chi tiết xung quanh tai nạn và trách nhiệm của Grab trong các trường hợp này. Ai sẽ trả lời được câu hỏi về tính minh bạch của doanh nghiệp trong những thời khắc nhạy cảm này?
Cạnh đó, những quy định ngặt nghèo của Grab trong việc làm hài lòng hành khách cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp dễ dẫn đến tai nạn cho tài xế GrabBike. Cụ thể là các quy định trong việc hủy, trôi cuốc, chấm sao (mức độ hài lòng của khách đối với dịch vụ từ thấp nhất 1 sao đến cao nhất 5 sao)
Theo quy định của Grab, nếu sao bị dưới 4,7 là tài xế có thể bị ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa chỉ cần khách chấm 4 sao là tài xế đã bị tụt điểm và có nguy cơ cấm chạy, ảnh hưởng đến phương kế mưu sinh hằng ngày của họ.
Nhiều khách phàn nàn và chấm sao thấp nếu tài xế cứ nhờ khách chỉ đường. Khách không sai, nhưng rất nhiều tài xế là dân tỉnh, không rành đường, chưa kể, nhà trong hẻm sâu, nếu cứ lấy điện thoại ra để nhìn bản đồ thì nguy cơ bị giật điện thoại và tai nạn rất cao. Dù vậy, sợ khách chấm sao thấp, nhiều tài xế vẫn bất chấp, sử dụng điện thoại khi đang lưu thông dẫn đến nguy cơ tai nạn cao hơn.
Tương tự, nếu trôi cuốc (khách đặt xe mà không biết), hủy cuốc nhiều lần tài xế cũng có thể bị ngừng chạy. Do tiếng chuông quá nhỏ và thỉnh thoảng ứng dụng lại bị lỗi nên tài xế rất dễ bị trôi cuốc. Những điều này dễ tạo áp lực cho tài xế (nhất là tài xế mới), đi xe thỉnh thoảng cứ hay lấy điện thoại ra xem để không bị “trôi cuốc”.
Chưa sòng phẳng
Hiện tại, những hỗ trợ và mức ăn chia của hai bên đang không đồng đều. Cụ thể, dù 2 km đầu tiên giá 12.000 đồng nhưng giá cước km tiếp theo chỉ là 3.800 đồng. Trong đó, công ty thu chiết khấu 20% đối với mỗi cuốc xe nhưng chi phí hao mòn máy móc khoảng 750 đồng/km. Tài xế thực nhận chỉ dưới 2.000 đồng/km. Mức thù lao như vậy liệu có tương xứng?
Nhìn từ góc nhìn của Grab, một đơn vị kinh doanh vận tải không sở hữu một chiếc xe nào, trách nhiệm của doanh nghiệp này đang nằm ở đâu với các đối tác ngày ngày đóng góp phương tiện và nhân lực để cùng vận hành doanh nghiệp?
Đối tác phải dựa trên mối quan hệ win-win (cả hai cùng có lợi), chứ không phải mở rộng số lượng tài xế, địa bàn và số lượng xe nhưng không có những hỗ trợ thiết thực cho tài xế.
Và với những rủi ro đang xảy ra hằng ngày với đối tác, Grab có thực sự vô can khi từ chối bảo hiểm cho những người đang cùng mình vận hành doanh nghiệp?
Công ty Grab nên có cam kết chia sẻ rõ ràng hơn về trách nhiệm đối với đối tác. Cụ thể, mức độ bảo hiểm sẽ đến hạng mức nào: bảo hiểm cho khách đi xe, bảo hiểm cho tài xế, bảo hiểm 1 chiều hay 2 chiều; bảo hiểm cho đối tác sẽ ở mức độ cho khách, cho đối tác, cho tài sản…
Người nước ngoài có câu: “High risk, high return” (Rủi ro càng nhiều, quyền lợi càng cao), tuy nhiên trong trường hợp này, có vẻ tài xế GrabBike chỉ mới nhận được vế đầu tiên. Trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là trong kinh doanh, yếu tố hỗ trợ và quan tâm đến quyền lợi của đối tác sẽ là chìa khóa cho sự bền vững cho hợp tác kinh doanh. Và với một doanh nghiệp như Grab, hy vọng đây chỉ là một sự bất cập nhất thời tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.