Thái độ quan trọng hơn cái quần jeans

09/09/2017 10:56 GMT+7

Chuyện TP.Cần Thơ bài trừ quần jeans, áo thun nơi công sở đang nhận được phản ứng nhiều chiều của dư luận. Báo chí quan tâm, thậm chí có báo nước ngoài cũng đưa tin. Vậy chẳng hay, cái áo, cái quần hấp dẫn đến vậy?

Tôi thấy việc ban hành quy định không cho cán bộ, công chức diện quần jeans, áo thun đi làm của UBND TP.Cần Thơ không có gì to tát, ồn ào. Bởi một điều không cần bàn cãi: đã là công sở thì đương nhiên phải ăn mặc văn minh, lịch sự. Chẳng cần có quy định bài trừ quần jeans, áo thun trên thì lâu nay, người cán bộ công chức nào cũng đã biết ăn mặc như thế nào để phù hợp rồi. Hơn nữa, cơ quan nhà nước chẳng có quy định về ăn mặc cho cán bộ, nhân viên.
Bản tin về vụ bài trừ quần jeans, áo thun nơi công sở ở Cần Thơ lên báo của Đức - Ảnh Chụp màn hình

Vậy tại sao dư luận lại quan tâm đến văn bản không cho cán bộ, công chức mặc quần jeans, áo thun của TP.Cần Thơ? Trước hết là sự dư thừa. Trong Quyết định số 2346/QĐ-UBND của UBND TP.Cần Thơ, tại chương 2, mục 2, điều 3 (về những việc cán bộ, công chức phải làm), quy định trang phục làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ:
a) Trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo; kiểu dáng, màu sắc nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc cụ thể:
Nam: áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu.
Nữ: áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở, comple, áo có tay.
b) Không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ).
Tôi cho rằng, mục a) đã quá rõ ràng thì có cần thêm mục b)? Đó là chưa kể nếu xét về câu chữ thì quy định “cho áo vào quần” có thể hiểu nhiều cách.
Bản quy tắc ứng xử của TP.Cần Thơ - Ảnh Đình Tuyển

Tuy nhiên, điều kinh ngạc nhất là nghe ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ giải thích về ngọn nguồn của quy định không cho cán bộ, công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm. Té ra, bài trừ quần jeans vì nó vốn là “trang phục của người lao động, dân chăn bò, chăn cừu”. Còn bài trừ áo thun vì “áo thun thì hay đi với quần jeans”. Nghe lý giải của ông Ba, vừa buồn cười vừa có cảm giác như miệt thị đối với sản phẩm thời trang này và cả những người yêu thích nó.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ trả lời báo chí - Ảnh: Đình Tuyển

Có áp đặt quá không khi nói rằng mặc quần jeans, áo thun không đứng đắn, không đẹp? Nhất là khi người ta vẫn bắt gặp những chính khách nổi tiếng nhất thế giới diện nó một cách trang nhã, lịch thiệp kể cả lúc dã ngoại và làm việc.
Cần phải có sự công bằng để nói, bên cạnh những mẫu trẻ trung, bụi bặm..., quần jeans, áo thun cũng có những mẫu rất đẹp, giản dị và đứng đắn. Hay nói đầy đủ hơn như nhà thiết kế Chương Đặng: “Jeans xuất phát từ nguồn gốc trang phục của người chăn bò, chăn cừu nhưng ngày nay đã trở thành sản phẩm thời trang được chấp nhận, phổ biến và ưa thích và có phần sành điệu. Nó thậm chí được xem là dấu hiệu của một tâm hồn trẻ trung, cấp tiến, thanh lịch và năng động khi người ta biết cách kết hợp nó khéo léo với hình ảnh thường ngày có phần nghiêm trang, cứng nhắc”.
Phạm trù cái đẹp vốn rất rộng, không thể lấy quy chuẩn của người này áp đặt cho người khác. Nhưng sau tất cả, điều người dân quan tâm nhất, bàn nhiều nhất, thậm chí là phàn nàn nhiều nhất về người cán bộ, công chức vẫn là tinh thần, thái độ và hiệu suất làm việc. Mấy ai để ý chuyện ăn mặc trừ khi nó quá lố lăng, phản cảm.
Một bộ đồ tây trang trọng, lịch thiệp có thể mang đến vẻ đẹp bề ngoài cho người công chức nhưng chắc chắn không phải là thứ mang lại thái độ và hiệu quả làm việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.