'Trùm mền' đọc phát thanh

21/06/2020 10:56 GMT+7

Cứ đến ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, dù đã rẽ sang một công việc khác song lòng tôi vẫn chộn rộn khó tả.

Những đòi hỏi khắt khe của nghề

Bốn năm trước, khi vừa tốt nghiệp ngành báo chí, tôi được nhận vào làm việc ở một đài phát thanh của TP.HCM. Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi được trui rèn trong cơ quan báo nói chuyên nghiệp. Những ngày tháng rong ruổi từ thành phố đến miền quê sông nước để viết tin, phóng sự thu thanh khó có thể nào quên được!
Giọng đọc của phát thanh viên, âm nhạc, tiếng động và đặc biệt là tiếng nói của chính nhân vật luôn là người bạn thân thiết của tôi. Chiếc máy tính thân quen với hình ảnh sóng âm trên phần mềm dựng phát thanh như có sức hút mãnh liệt. Cảm giác sung sướng khi tác phẩm của mình được phát trên làn sóng của đài, đến chiếc radio cầm tay của các ông, các bà; đến điện thoại di động của các bạn sinh viên, anh chị công nhân; đến hệ thống âm thanh trên các phương tiện giao thông của các bác tài xế…
Có lần bạn bè đi xe buýt nghe được giọng tôi liền nhắn tin chúc mừng, tán thưởng. Nhưng cũng không ít lần thính giả gọi đến đường dây của đài yêu cầu tôi dừng đọc, nếu không họ sẽ không nghe chương trình đó nữa. Những đòi hỏi khắt khe của nghề và thính giả càng khiến tôi nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc mình yêu thích. Mỗi lần cầm chiếc máy ghi âm ra ngoài tác nghiệp hay bước vào phòng thu để truyền tải nội dung chương trình, tôi đều mong muốn những âm thanh thu được phải thực sự chân thật, truyền cảm và đi vào trái tim người nghe.

Ngã rẽ

Thế rồi tôi bất chợt rẽ sang con đường binh nghiệp. Thời gian đầu là bộ đội, do tập trung nhiều vào nhiệm vụ học tập, huấn luyện nên gần như tôi nghỉ hẳn việc viết lách. Tân binh, nhiều chàng trai nửa đêm thút thít khóc vì nhớ nhà, nhớ người yêu, còn tôi không ít lần trằn trọc không ngủ được vì nhớ nghề da diết. Chính vì thế, tôi rất háo hức đến giờ đọc báo, xem thời sự của đơn vị - đó cũng là một chế độ ngày trong quân đội. Chiều đến, hệ thống loa phóng thanh được treo đều trong khuôn viên đơn vị lại phát lên những chương trình thời sự, chính luận, rộn vang cả một góc trời. Tôi ước mình được đọc các chương trình phát thanh cho đồng đội nghe!
Sau khi tốt nghiệp sĩ quan, tôi về Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) công tác trên cương vị chính trị viên phó đại đội. Đặc thù công việc của người cán bộ chính trị đã tạo cơ hội cho tôi phát huy tay nghề làm phát thanh. Ở đơn vị, hằng tuần đều phát chương trình Tiếng nói Chính trị viên nhằm truyền tải những tin tức, sự kiện, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Và tôi thường được thủ trưởng phân công dàn dựng.
“Máu nghề” nổi lên, tôi mong muốn dàn dựng những kỳ phát thanh thật hấp dẫn cho bộ đội nghe. Tuy nhiên, không thể so sánh với bên ngoài được vì đây là chương trình phát thanh nội bộ, nội dung hẹp mang đặc trưng quân sự và điều kiện kỹ thuật rất “thô sơ”. Tin, bài chủ yếu phản ánh nhịp sống quân ngũ, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ. Còn “phát thanh viên” như tôi thì đóng kín cửa phòng, tắt quạt, trùm mềm và thu âm bằng chức năng của điện thoại thông minh.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là việc làm nghiêm túc của cán bộ cấp cơ sở chúng tôi để cho ra đời một chương trình phát thanh tầm 30 phút. Mồ hôi nhễ nhại, đọc chừng một mặt giấy là tôi phải vén mền lên để thở, rồi trùm kín lại đọc tiếp. Thi thoảng đang đọc, có tiếng động lớn (gà gáy, máy bay và cả tiếng nói của đồng đội) tôi phải dừng lại, đợi đến khi tĩnh lặng hơn rồi đọc tiếp. Thu xong một chương trình, tôi cảm tưởng như vừa đi xông hơi về. Để đỡ cực hơn, tôi chờ bộ đội đi ngủ hết, mọi âm thanh của hoạt động quân sự không còn nữa rồi mới thu âm.
Tác phẩm lên loa phóng thanh, bộ đội vừa công tác vừa lắng nghe, thi thoảng lại ồ lên vì nghe thấy tiếng đồng chí đồng đội mình trên đó. Đấy là niềm hạnh phúc đối với tôi. Có thể giọng đọc không thật chuẩn, âm thanh không thật trong trẻo, nhưng âm thanh phát ra là thanh âm của những ngày huấn luyện vất vả ngoài thao trường, bãi tập, những buổi tối hành quân rèn luyện đẫm mồ hôi, là lời ca, tiếng hát, là đời sống tinh thần của mỗi quân nhân đang xa nhà làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Làm chương trình phát thanh là nhiệm vụ được giao, tôi không có thù lao, và thù lao cũng không phải là vấn đề quan trọng. Giá trị tôi nhận được là cơ hội trau dồi phẩm chất nghề nghiệp người làm báo: trong sáng, khách quan, công bằng và nhạy cảm trước mọi vấn đề. Dù không phải là nhà báo, không có thiết bị kỹ thuật làm phát thanh chuyên nghiệp, song tôi vẫn làm các bản tin phát thanh nội bộ của đơn vị trong tâm thế của một “nhà báo” tử tế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.